Pháp đình

Đại án VNCB: Nhân viên "cuỗm" tiền, ngân hàng phủi trách nhiệm

12/08/2016, 13:14

Đại diện ngân hàng VNCB “thẳng thắn” nói: “Cá nhân nào làm sai, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm”.

sap-xu-dai-an-ngan-hang

Ngân hàng Xây dựng tuyên bố rũ bỏ trách nhiệm nếu nhân viên rút trộm tiền khách

Sáng 12/8, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và 35 đồng phạm gây thất thoát tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) 9.000 tỷ đồng được tiếp tục. Mở đầu phần thẩm vấn sáng nay, Hội đồng xét xử mời Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, bảo vệ quyền lợi cho nhóm bà Trần Ngọc Bích hỏi thêm theo lịch đã đăng ký với thư ký tòa.

Luật sư Uyên hỏi và Đại diện Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB, tiền thân là VNCB) cho biết, theo quy định thì khách hàng gửi tiền hay chuyển tiền đều phải có chữ ký của chủ tài khoản. Nếu chủ tài khoản ủy quyền cho người khác thực hiện, thì phải lập thành văn bản ủy quyền. Nếu không được chủ tài khoản ủy quyền bằng văn bản, không ai được chuyển tiền ra khỏi tài khoản.

Nhấn mạnh trách nhiệm của ngân hàng, Luật sư Uyên đặt câu hỏi: “Khi nhân viên VNCB chuyển tiền ra khỏi tài khoản của khách hàng mà không có chứng từ chữ ký chủ tài khoản, hoặc người được ủy quyền bằng văn bản thì VNCB có chịu trách nhiệm không?”.

Trước câu hỏi này, đại diện ngân hàng VNCB “thẳng thắn” trả lời: “Cá nhân nào làm sai, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm”.

“Vậy tôi hiểu VNCB sẽ không chịu trách nhiệm?”, Luật sư Uyên hỏi tiếp.

Lúc này, đại diện VNCB vẫn khẳng định: “Cá nhân nào làm sai, cá nhân đó chịu trách nhiệm”.

Ngoài ra, luật sư Uyên cũng đặt câu hỏi về việc trong các năm 2012, 2013 VNCB có từng bị xử phạt hành hính về việc huy động vượt trần lãi suất không.

Ở câu hỏi này, vị đại diện ngân hàng VNCB nói không nắm rõ, sẽ trả lời sau.

Theo cáo trạng, bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch VNCB; bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB và các đồng phạm bị truy tố về 2 tội danh: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999)” và tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (điều 179, Bộ luật hình sự năm 1999)”.

Cáo trạng thể hiện, bị cáo Phạm Công Danh đã tự ý chuyển 5.190 tỷ khỏi tài khoản của bà Trần Ngọc Bích mà không có chữ ký chủ tài khoản, hoặc người được ủy quyền hợp pháp.

Từ tháng 12/2012 đến 7/2013, Phạm Công Danh thông qua Phạm Thị Trang (Trang “phố núi”) vay tiền của nhóm Trần Ngọc Bích, các khoản vay này đến thời điểm khởi tố vụ án đã được hai bên tất toán hết. Không có tài liệu thể hiện việc thỏa thuận, vay mượn số tiền giữa nhóm Trần Ngọc Bích với Phạm Công Danh.

Cáo trạng thể hiện: “Ngày 21/8 và ngày 26/8/2013, có 5.190 tỷ đồng rút ra từ VNCB (trong TK của Trần Ngọc Bích), nhưng chứng từ không có chữ ký của chủ tài khoản là Trần Ngọc Bích, được chuyển đến các tài khoản của Phạm Công Danh.

Các khoản tiền này Phạm Công Danh chỉ đạo Hoàng Đình Quyết, Mai Hữu Khương tự ý chuyển sang tài khoản của Phạm Công Danh, để Danh tất toán các khoản mà Danh đã vay trước đó của nhóm này và rút từ VNCB 300 tỷ đồng đứng tên trong sổ tiết kiệm của 03 cá nhân trong Nhóm Trần Ngọc Bích vay (Ngô Bích Thùy Trang, Nguyễn Thị Mỹ Dung và Trần Hoài Phục), nhưng không có hồ sơ, chứng từ vay. Khoản tiền này đã bị Phạm Công Danh chỉ đạo rút ra chi tiêu, nhưng không giải trình được sử dụng vào việc gì”.

Tại phiên tòa ngày 1/8, khi HĐXX xét hỏi về các khoản tiền trên, Phạm Công Danh và các thuộc cấp liên tục đổ lỗi cho nhau. Khẳng định không chỉ đạo Hoàng Đình Quyết chuyển tiền từ tài khoản bà Bích sang tài khoản của mình, nhưng “ông trùm” lại “tử tế” đến mức tuyên bố sẵn sàng chịu trách nhiệm trả khoản tiền hàng ngàn tỷ dù “không vay”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.