Xã hội

Đại biểu băn khoăn về đề xuất đầu tư BOT trên đường hiện hữu tại TP.HCM

08/06/2023, 16:44

ĐBQH băn khoăn về đề xuất được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.

Cân nhắc kỹ việc áp dụng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu

Chiều nay (8/6), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

img

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông)

Phát biểu tại hội trường, 1 số đại biểu quan tâm đến đề xuất tại dự thảo Nghị quyết về đầu tư các dự án theo phương thức PPP, trong đó đề xuất được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho biết, chúng ta từng cho phép BOT trên một số tuyến đường hiện hữu, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, do phát sinh liên quan đến lợi ích của người dân, nên năm 2017, Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tạm dừng hình thức BOT trên đường hiện hữu, không thu phí trực tiếp đối với các dự án đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng sẵn có.

Từ đó, ông Mai cho rằng, dự thảo Nghị quyết này cần phải có quy định chặt chẽ, để khi triển khai dự án BOT đường bộ trên địa bàn thành phố đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thì tán thành đề xuất cho TP.HCM được tăng phần vốn nhà nước trong các dự án PPP không quá 70% nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia dự án PPP.

Ông Hoà cho rằng, việc nâng cấp mở rộng đường đối với thành phố là cần thiết, nhằm giảm ách tắc giao thông. Tuy nhiên, ông Hoà cho rằng, đường chỉ nâng cấp mà không mở rộng thì không được áp dụng BOT.

Tương tự, cũng thống nhất áp dụng hình thức BT, nhưng phải tránh lặp lại việc làm thất thu ngân sách Nhà nước gây dư luận không tốt.

img

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Trước đó, thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng, không nên áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hoá công trình đường bộ hiện hữu.

"Điểm c, khoản 3, điều 4 của Dự thảo Nghị quyết có đề xuất việc này. Tôi cho rằng, với việc đề nghị hợp đồng BOT để nâng cấp đường hiện hữu thì chắc chắn xảy ra xung đột lợi ích. Bởi đường hiện hữu là đường rất đông phương tiện đi lại, khả năng thu hồi vốn cao. Tuy nhiên, người dân tham gia giao thông sẽ phải trả phí", ông Khải nói và dẫn chứng việc xung đột này đã từng xảy ra ở một số địa phương và không thể giải quyết được, buộc phải dừng thực hiện BOT.

Ưu tiên đầu tư cho dự án phát triển đường sắt đô thị, chống ngập

Đại biểu Dương Khắc Mai cơ bản tán thành với các cơ chế tài chính đối với Công ty Tài chính TP.HCM. Tuy nhiên, với quy định HĐND được bố trí nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước để tăng vốn điều lệ là chưa đủ.

Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất cho cơ chế thành phố linh hoạt trong bố trí nhà ở xã hội, không nhất thiết phải dành 20% tổng diện tích đất đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội vì thành phố có thể có những dự án nhỏ hoặc nằm trong khu đất có giá trị thương mại lớn.

"Tuy nhiên, đề nghị thành phố quan tâm nhiều hơn đối với nhà ở xã hội trong các khu nhà ở thương mại có giá trị bình thường để bán cho người có thu nhập thấp", ông Hòa nêu quan điểm.

"Công ty tài chính với vai trò cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Trong khi nhu cầu ở lĩnh vực ưu tiên là rất lớn, ví dụ phát triển đường sắt đô thị là 25 tỷ USD. Do đó, tôi đề nghị cần mở rộng cơ chế tài chính đặc thù cho công ty tài chính thành phố như phát hành trái phiếu quốc tế. Ưu tiên đầu tư cho một số chương trình dự án như phát triển đường sắt đô thị, chống ngập", ông Mai nói.

Vị đại biểu đoàn Đắk Nông nhấn mạnh, việc tạo thêm cơ chế tài chính đặc thù cho công ty tài chính thành phố để phát triển đường sắt sẽ giải quyết được ùn tắc và phát triển được ngành công nghiệp đường sắt đô thị trước mắt và dài hạn.

Về ưu đãi nhà đầu tư chiến lược, đại biểu Mai đồng ý cần có cơ chế ưu đãi chiến lược thu hút đầu tư. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể về các chính sách ưu đãi, đặc biệt là liên quan đến hỗ trợ trực tiếp của ngân sách nhà nước. Đồng thời, phải có đánh giá tác động chi tiết.

Về tỉ lệ vốn vay, ông Mai lưu ý cần tính đến khả năng hấp thụ vốn, tính hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay và trả nợ vay, đặc biệt không làm ảnh hưởng đến tăng nợ công quốc gia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.