Xã hội

Đại biểu chỉ cách để người dân không quay lưng với bảo hiểm nhân thọ

31/05/2023, 18:10

Đại biểu bày tỏ quan tâm về những rủi ro của bảo hiểm nhân thọ và tình trạng nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Kiến nghị thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ

Tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (đoàn Bắc Kạn) quan tâm đến thị trường bảo hiểm nhân thọ.

img

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn)

Đại biểu Thuỷ kiến nghị Bộ Tài chính cần thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào bảo hiểm liên kết đầu tư.

Từ các đơn tố cáo và dư luận phản ánh thời gian qua, Bộ Công an cần xác minh, làm rõ có hay không dấu hiệu tội lừa đảo, lừa dối khách hàng, nếu có thì đề nghị khởi tố điều tra.

Các công ty bảo hiểm cần rà soát lại toàn bộ các khâu của quá trình bảo hiểm, từ thiết kế hợp đồng, tư vấn, ký hợp đồng và giải quyết khiếu nại khách hàng.

Nữ đại biểu cho rằng chỉ khi thực sự minh bạch và thành tâm, người dân mới không quay lưng với bảo hiểm nhân thọ.

Phân tích bản chất bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm mang tính nhân văn cao, giúp hỗ trợ con người, giảm thiểu những mất mát, thiệt hại trước những rủi ro liên quan đến tính mạng, sức khỏe, ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên, sau nhiều kiện cáo, bức xúc của khách hàng được đăng tải công khai thời gian qua đã khiến dư luận không khỏi nghi ngại.

"Điều này cho thấy đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét vấn đề này để những giá trị cốt lõi nhân văn của bảo hiểm nhân thọ không bị ảnh hưởng bởi những đối tượng cố tình vi phạm để trục lợi", đại biểu Thủy nhấn mạnh.

Đại biểu Thủy cho rằng, hợp đồng bảo hiểm thường dài khoảng 70 - 100 trang, nội dung phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà sự thua thiệt sẽ chủ yếu nằm về phía người mua nếu gặp tư vấn viên không có tâm. Hơn nữa, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong thời gian gần đây thường dưới dạng liên kết đầu tư nên càng phức tạp.

Chính vì tính chất rất phức tạp của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho nên mới cần đến đội ngũ tư vấn viên. Tuy nhiên, không ít tư vấn viên cố tình tư vấn mập mờ, thậm chí là sai lệch về sản phẩm bảo hiểm để nhanh chóng chốt đơn, ký hợp đồng và hưởng hoa hồng. Không ít tư vấn viên chỉ nói cho khách hàng về những quyền lợi mà họ được hưởng, không chỉ rõ cho khách hàng về những điều khoản ràng buộc, những điều khoản bất lợi.

Theo đại biểu đoàn Bắc Kạn, dư luận cũng đặt câu hỏi là có hay không việc công ty bảo hiểm biết nhưng cố tình bỏ qua lỗi của tư vấn viên, của các đại lý bảo hiểm gây bất lợi cho khách hàng.

"Khi một bên là công ty bảo hiểm chuyên nghiệp với một bên là người mua không chuyên nghiệp mà đẩy hết trách nhiệm cho phía người mua là không hợp lý cả về lý và tình", đại biểu Thủy nói.

img

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam (đoàn Bến Tre)

Truy trách nhiệm chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động

Cũng quan tâm đến vấn đề bảo hiểm, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (đoàn Bến Tre) cho rằng, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội chậm đóng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp khá cao và đến nay chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết căn cơ.

Đại biểu cho biết, hàng tháng chủ sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nếu không đóng, cơ quan quản lý sẽ biết.

"Vậy tại sao cơ quan bảo hiểm xã hội không xử lý, mà để kéo dài trong suốt thời gian qua; trách nhiệm kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước như thế nào? Những khoản chi sai, chi trùng, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động tồn đọng nhiều năm qua có phải là lãng phí nguồn lực, cơ thể của hàng triệu người lao động hay không?", đại biểu Lam băn khoăn.

Từ đó, nữ đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét cần có một tổ chức độc lập để khảo sát, đánh giá toàn bộ lĩnh vực về chính sách bảo hiểm để có thay đổi và điều chỉnh một cách hợp lý trong từng giai đoạn, không sợ chỉ ra cái sai, trách nhiệm, bất cập, chồng chéo, lãng phí trong thực hiện chức trách để bảo hiểm xã hội luôn làm mới mình từ trong chính sách, thực sự là chỗ dựa của người lao động; đồng thời làm rõ tình hình hoạt động của cơ quan này.

Đại biểu cũng đề nghị các cơ quan có liên quan đặt mình vào hoàn cảnh của người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội, mất cơ hội việc làm để có chế tài mạnh mẽ và công cụ xử lý hữu hiệu hơn nữa nhằm giải quyết dứt điểm những trường hợp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.