Thời sự

Đại biểu đề nghị chỉ nên có 2 mức tín nhiệm

13/06/2014, 18:41

Đây là quan điểm của nhiều ĐB khi thảo luận ở hội trường chiều nay (13/6) về dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Đây là quan điểm của nhiều ĐB khi thảo luận ở hội trường chiều nay (13/6) về dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu quan điểm, nếu chỉ lấy 1 lần/nhiệm kỳ thì không có cơ sở để đánh giá cán bộ, không tạo được động lực để cán bộ phấn đấu. Ngược lại nếu lấy 1 lần/năm thì dồn dập quá, cán bộ chưa đủ thời gian để chứng tỏ năng lực của mình. "Vì vậy, lấy 2 lần/nhiệm kỳ là phương án để dung hòa cả 2 phương án trên", ĐB tỉnh Kon Tum nói và đề xuất, với người có 1/2 đến dưới 2/3 phiếu tín nhiệm thấp thì nên cho từ chức để tránh áp lực.

Đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, bản thân rất buồn vì Nghị quyết của QH vừa thực hiện đã sửa. "Cái mà dân khen (lấy phiếu tín nhiệm hàng năm) thì lại sửa, cái dân chê thì không sửa (3 mức tín nhiệm). Theo ĐB tỉnh Lâm Đồng, phải lấy phiếu tín nhiệm 2 lần/nhiệm kỳ để có tác dụng đánh giá cán bộ, kể cả chuẩn bị cho cán bộ cho nhiệm kỳ sau. Về mức tín nhiệm thì đề nghị chỉ có 2 mức. 

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng)
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng)

"Chúng ta không sợ thăm dò tín nhiệm, vì đó là cách đánh giá chất lượng cán bộ, kỳ trước nhiều đồng chí bị tín nhiệm thấp nhưng kỳ này có thể cao vì họ có cố gắng", ông Thuyền nói và đề xuất, nếu 2/3 tín nhiệm thấp thì cho từ chức ngay, thay vì QH phải bỏ phiếu tín nhiệm.

Còn theo ĐB Đỗ Văn Đương (Tp. HCM), việc quy định 3 mức lấy phiếu tín nhiệm là không sát thực tế. Theo ông Đương, thực chất việc bỏ phiếu không chỉ là cảnh báo, cảnh tỉnh, mà quan trọng hơn là phấn khích và thôi thúc người được tín nhiệm cao cống hiến nhiều hơn cho đất nước.

“Việc bỏ phiếu, lấy phiếu về hình thức giống nhau nhưng bản chất khác nhau, nên chúng ta không sợ trùng. Theo tôi nên ghi trên phiếu 2 mức: tín nhiệm, không tín nhiệm. Sau khi có kết quả bỏ phiếu, chúng ta mới có định lượng cụ thể là ai cao, ai thấp, như vậy mới phù hợp với quy luật chân lý”, ĐB Tp. HCM nói.

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, qua tiếp xúc, hầu hết cử tri đều đề nghị QH nên để 2 mức: tín nhiệm và không tín nhiệm để đảm bảo ý nghĩa việc lấy phiếu và giúp người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm cao hơn với chức trách của mình. Trong khi đó, theo ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), nếu chúng ta giữ 3 mức như cũ thì khiến những người được lấy phiếu tín nhiệm “an toàn quá”.

Bình Minh

 

 

 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.