Xã hội

Đại biểu Dương Trung Quốc: Nhiều nước có người làm nghị sĩ cả đời

22/03/2016, 10:42

ĐB Dương Trung Quốc cho biết, ở nhiều nước, có những người làm nghị sĩ cả đời nếu được tín nhiệm...

IMG_2857
ĐBQH Dương Trung Quốc chia sẻ với báo giới bên hành lang Quốc hội

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội về những điều còn tâm tư tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIII, ĐBQH – nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói như vậy trước trăn trở về việc nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) dù còn rất tâm huyết với Quốc hội phải chia tay nhiệm kỳ vì “hết tuổi”.

Có dân giám sát, Quốc hội mới mạnh

Thưa ông, đây là kỳ họp kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII. Điều gì khiến một ĐBQH còn tâm tư?

Về cái chung, tôi cho rằng còn một điều chưa được như mong muốn của người dân, đó chính là một Quốc hội chưa thực sự chuyên nghiệp, không phải chỉ ở kỹ năng, bản lĩnh, kinh nghiệm mà cả công cụ để thực thi.

Chúng tôi có nhiều may mắn tiếp cận thì thấy Quốc hội nhiều nước có nhiều công cụ trong tay để thực thi trách nhiệm của mình.

Ví dụ, bản thân tôi là đại biểu không chuyên trách lại không sống ở địa phương mình làm đại biểu thì rõ ràng là hạn chế. Quy định đại biểu không chuyên trách thì phải hoạt động ít nhất 1/3 thời gian nhưng đây là con số tương đối, tuỳ thuộc vào năng lực và trách nhiệm của mỗi người. Tính không chuyên trách hiện chiếm hơn 2/3 thì cần khắc phục sớm.

Xét ở nhiều khía cạnh, người dân mới là quyết định. Họ có ý thức với Quốc hội, thực sự quan tâm, giám sát thì mới thúc đẩy được những thành quả của Quốc hội đi vào đời sống.

Cá nhân tôi từng nói, nếu coi mình là người uy tín với dân thì uy tín ấy giống như một liều thuốc an thần làm cho họ yên tâm, hy vọng.

Tức là nếu người dân quan tâm, giám sát thì sẽ hạn chế những đại biểu được đề cập trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội là “ít tham gia đóng góp ý kiến, thiếu kỹ năng hoạt động...”, thưa ông?

Đúng là vấn đề cốt lõi nằm ở người dân. Mọi người còn thờ ơ tham gia bầu cử trong khi đây chính là nhân tố cực kỳ quan trọng quyết định chất lượng.

Cho nên tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là bên cạnh thực thi pháp luật như tổ chức bầu cử minh bạch, nghiêm túc thì làm thế nào để người dân nhận thức được và tham gia vào để ít nhất đó là bước khắc phục hạn chế.

Quan trọng nhất là người dân phải quan tâm và cơ chế để người dân quan tâm. Còn người dân không quan tâm, thậm chí bỏ phiếu hộ nhau thì kết quả làm cho xong nghĩa vụ mà thực ra không làm tròn nghĩa vụ. Kết quả người được bầu không đáp ứng được mong muốn là người đại biểu cho dân.

Ông có cho rằng cần có cơ chế để người dân giám sát được đại biểu đại diện cho mình hoạt động thế nào?

Cử tri nhận xét nhân vật này nhân vật kia không như mong đợi. Nhưng ở đơn vị bầu cử ấy thì liệu cử tri có đi bầu không?

Ví dụ Luật trưng cầu ý dân ở một nước phát triển họ quan điểm không phải đa số đi bầu mà anh cứ đi bày tỏ ý kiến. Có người ban đầu không tham gia nhưng kết quả tác động đến lợi ích của họ nên họ sợ thiệt nên tham gia. Người dân thấy được lợi ích của mình nằm trong việc làm của mình thì kết quả mới chính xác được.

Hiện nay người dân cũng không quan tâm lắm, bầu ai cũng được thì cuối cùng người dân lại chịu hậu quả nhiều nhất. Nhân dân phải vào cuộc.

Nhịp điệu cũ khó tạo được tính chất bền vững

Quan điểm của chúng ta là tăng đại biểu chuyên trách để hoạt động Quốc hội chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng chuyên trách nhiều quá thì hành chính hoá đại biểu. Ông nghĩ sao?

Chuyên trách và không chuyên trách ở ta có đặc thù. Bên cạnh thời gian tham gia thì quan trọng là năng lực tham gia. Nhiều nước có người làm nghị sĩ cả đời nếu họ được tín nhiệm. Ta cứ quan niệm tính đại diện, "hoa thơm mỗi người ngửi một tí" thì không bao giờ được.

Như hoạt động của bộ máy, một người mới bao giờ cũng thăm dò mất một năm, vào cuộc một hai năm, sau đó chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ. Nhịp điệu mãi mãi như thế thì không bao giờ tạo ra được năng lực có tính chất bền vững, chất lượng cao được. 

Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ kiện toàn nhân sự Nhà nước. Ông có kỳ vọng gì?

Ai cũng mong muốn có sự kế thừa. Toàn cái cũ thì không ai thích mà toàn cái mới thì cũng lo thì việc kế thừa là hết sức quan trọng. Đó là kế thừa con người được đào luyện qua thực tế.

Phần lớn nhân sự không phải là nhân tố quá mới mà là sự nối tiếp. Vấn đề còn lại là thúc đẩy phương thức hoạt động, trong đó có vai trò giám sát của Quốc hội, của người dân. Hay nói ở góc nhìn khác là tính minh bạch.

Xin cảm ơn ông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.