Thời sự

Đại biểu "hiến kế" vực dậy nền kinh tế

30/10/2014, 14:05

"Các khoản vay phải có ý kiến Quốc hội trước khi sử dụng nếu không nợ công tăng lên, tác động con cháu chúng ta sau này".

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (Tp. Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội trường QH sáng nay (30/10)
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (Tp. Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội trường QH sáng nay (30/10)

Phiên thảo luận thực sự mang tính chất "diễn đàn" để các đại biểu đánh giá báo cáo của Chính phủ cũng như "hiến kế" những giải pháp để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, phục hồi sản xuất, chăm lo đời sống nhân dân...

Trước những lo lắng của cử tri về vấn đề nợ công, ĐB Nguyễn Văn Tiên nêu ý kiến, nhất định không vay ODA cho chi thường xuyên. "Các khoản vay phải có ý kiến Quốc hội trước khi sử dụng nếu không nợ công tăng lên, tác động con cháu chúng ta sau này", ĐB tỉnh Tiền Giang nói.

Cũng đề cập đến vấn đề nợ công, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị Quốc hội ban hành Luật quản lý, sử dụng ODA. Theo đó, quy định chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA; công khai minh bạch toàn bộ số vốn; công khai các dự án và quy trình phân bổ và phải được phản biện độc lập trước khi quyết định.

"Với tư cách là một phần của nợ công và đầu tư công, lại tác động đến uy tín và vị thế quốc gia. Nhưng những năm qua, cả về pháp lý cũng như thực tiễn, trách nhiệm giám sát của QH về ODA chưa được coi trọng", bà Nga nói và đề nghị QH nên có giám sát tối cao về ODA.

Khẳng định kinh tế nước ta phục hồi là có cơ sở khi tăng trưởng tăng dần, ĐB Trần Hoàng Ngân (Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng, đã đến lúc phải tăng trưởng cao trở lại, với điều kiện có quyết sách đúng. Ông Ngân hiến kế, phải có giải pháp đồng bộ và quyết liệt vực dậy sản xuất trong nước. "Chính phủ cần có báo cáo chi tiết vì sao số lượng DN phá sản, giải thể nhiều; cần hỗ trợ lãi suất để DN vay trung và dài hạn để đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh...", ông Ngân nói.

Trong khi đó, đưa ví dụ về một vấn nạn nổi cộm trên cả nước nói chung và tại Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng, luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ đầu 2014, nhưng việc đưa vào thực tiễn còn bất cập, thiếu văn bản hướng dẫn. "QH cần xem xét nghiên cứu, cho phép một số giải pháp tình thế, thậm chí ban hành nghị quyết ngay tại kỳ họp này để giải quyết tình hình cai nghiện ma túy", ĐB đề nghị.

Cho rằng, báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công còn đơn giản, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Chính phủ cần báo cáo đầy đủ hơn, minh bạch hơn để "cả nước cùng lo liệu".

Giống như nhiều đại biểu đã phát biểu trước đó, trong phần trình bày của mình, ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cũng đồng tình với những đánh giá về KTXH 2014 cũng như mục tiêu phát triển 2015. Tuy nhiên, theo ông Thường, nhìn nhận khách quan, nền kinh tế của nước ta đang bộc lộ những điểm yếu: bội chi ngân sách lớn, nợ công áp trần, DN phá sản ngừng hoạt động, người lao động thất nghiệp; thậm chí có hiện tượng “bần hàn sinh đạo tặc” với những vụ án hình sự cướp của giết người; tai nạn giao thông chưa giảm nhiều... khiến dư luận người dân lo lắng.

Cũng theo ĐB TP. Hà Nội, năng suất lao động thấp hiện đang là hòn đá tảng cản đà tăng trưởng. Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng. Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng, đồng nghĩa với việc đang chuyển dần sang già hóa dân số, tương ứng là quy mô lao động không thể tăng thêm như giai đoạn 2005-2010.

"Vấn đề tăng năng suất lao động hiện nay là hướng đi quan trọng, sống còn giúp tiếp tục tăng trưởng bền vững và cạnh tranh với các nền kinh tế khác", ĐB Nguyễn Phi Thường nói và chỉ ra một số tồn tại khiến chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp như, chủ yếu là lao động phổ thông, ít qua đào tạo; hệ thống giáo dục đào tạo thiên về lý thuyết, thiếu đào tạo kỹ năng; sự chưa nhịp nhàng về cung của đào tạo và cầu của thị trường và những bất cập của hệ thống đào tạo hàng năm khiến nhiều sinh viên ra trường không có việc làm...

"Thế nên mới có tình trạng thủ khoa đi làm thợ mộc, kỹ sư làm xe ôm, cử nhân làm giúp việc", ông Thường ví von.

Trong khi đó, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đã "kể tội" trách nhiệm của một loạt bộ, ngành thời gian qua, như: Bộ Nội vụ chậm thể chế hóa Luật cán bộ công chức; quy chuẩn, phân loại công chức, viên chức, tinh giảm bộ máy. Bộ LĐ-TB-XH chậm quy hoạch mạng lưới trường cao đẳng, trung tâm nghề, kết nối đào tạo với DN, lao động không có trình độ kỹ thuật chiếm tỷ lệ cao. Bộ NN-PTNT chậm về hoàn thiện cơ chế về trồng, bảo vệ rừng. Thanh tra Chính phủ chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng...

"Mục tiêu tổng quát là cần tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh cho DN và người dân; tiếp tục tạo đột phá mạnh về cải cách thể chế, trọng tâm là đầu tư công, theo hướng quản lý, quản trị đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông phải trên cơ sở lợi thế phát triển trung và dài hạn; cổ phần hóa DN nhà nước, đầu tư đổi mới công nghệ cho DN; kịp thời triển khai giải pháp về thuế, hỗ trợ DN theo hướng hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, công nghiệp phụ trợ; điều chỉnh về thủ tục cho vay, tín chấp, thế chấp, giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn…", ĐB tỉnh Đồng Nai nói và đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ hơn, cụ thể hơn, đặc biệt là làm rõ trách nhiệm cá nhân, các cấp để khắc phục, tạo niềm tin, đáp ứng lòng mong mỏi của cử tri.

Chiều nay, QH tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

Bình Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.