Thời sự

Đại biểu không bất ngờ với kết quả lấy phiếu tín nhiệm

15/11/2014, 19:25

Ngay sau khi Quốc hội (QH) công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 50 vị trí chủ chốt do QH bầu hoặc phê chuẩn, PV Báo Giao thông đã phỏng vấn một số ĐBQH về kết quả này.

ĐB Dương Trung Quốc
ĐB Dương Trung Quốc

Tôi nghĩ, qua lá phiếu phản ánh phần nào trách nhiệm rất nặng nề, cái sự chưa hài lòng của người dân, cũng là sự chia sẻ, vừa là sự đòi hỏi, trách nhiệm. Nhưng kết quả này tôi thấy cần lưu ý một số điểm. Ví dụ như lĩnh vực giao thông, đã từng là một lĩnh vực rất nhạy cảm. Giờ đây có một hình ảnh rất khả quan. Nó cho thấy, không phải cái gì khó khăn cũng không thể vượt qua được.

Thứ hai, có những lĩnh vực tưởng rất ít người quan tâm, như Bộ Nội Vụ chẳng hạn, số phiếu tín nhiệm cao  lại rất thấp. Chứng tỏ người ta cũng đánh giá được cả những lĩnh vực không bộc lộ ra ngoài. Tôi cho rằng, cách đánh giá qua lá phiếu cũng mang những "thông điệp" đáng được ghi nhận. Còn đương nhiên, Chính phủ có những lĩnh vực đa dạng, phức tạp mà đòi hỏi của người dân bao giờ cũng cao hơn rất nhiều.

Từ "hiệu ứng" của lần lấy phiếu trước, lần này chúng ta thấy có người phấn đấu lên được, có người chưa, thậm chí có người lại bộc lộ yếu kém hơn. Nếu nhìn nhận và soi xét kỹ, cũng phần nào phản ánh hiện thực mà chúng ta thấy. Và đương nhiên, những lĩnh vực gắn với đời sống thì không chỉ sự đánh giá mà cả sự hài lòng cũng rất là khó. ĐBQH ngoài nhận thức riêng của mình, không thể không phản ảnh cái tâm thế của xã hội. Tôi cảm thấy nó phản ánh tương đối sát với hiện thực. Tôi không bất ngờ về kết quả lấy phiếu hôm nay. Tôi cho rằng, kết quả lấy phiếu tương đối chính xác.

Tuy nhiên, theo tôi, nhiều vấn đề của đời sống không phải chỉ do một bộ quyết định. Nhưng dẫu sao, bộ chủ quản vẫn phải chịu trách nhiệm. Và bên cạnh những con số về phiếu tín nhiệm, cần có cả sự chia sẻ của xã hội, động viên đối với những lĩnh vực đó.

ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh): Tôi ấn tượng nhất với Bộ trưởng Bộ GTVT

ĐB Trần Quốc Tuấn
ĐB Trần Quốc Tuấn

Từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, ĐBQH cũng theo dõi các hoạt động, các hướng chỉ đạo của các vị thủ lĩnh các ngành, trong đó tôi ấn tượng nhất cái cách dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu Bộ GTVT. Tôi nghĩ rằng, với cách thức dám làm, dám chịu trách nhiệm như thế, lĩnh vực phụ trách sẽ có những chuyển biến.

Tôi cũng rất chia sẻ với một số vị ở các Bộ Nội Vụ, Bộ Y tế, Giáo dục Đào tạo, những lĩnh vực không phải dễ làm, vị nào là thủ lĩnh của ngành đó cũng sẽ gặp khó, bởi những bộ này là bộ đa ngành nghề, lĩnh vực rất rộng. Muốn xử lý dứt khoát cũng không dễ xử lý được.

Ví dụ như Bộ Nội Vụ, muốn kiên quyết tinh giản biên chế, làm gọn bộ máy thì chưa chắc Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã làm được mà cái này là phải từ chủ trương chung từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, rồi đến BCH Trung ương rồi mới đưa ra Quốc hội. Nên tôi rất chia sẻ với Bộ Nội vụ. Chứ không phải nói tinh giản biên chế là làm ngay được. Tương tự là Bộ Y tế. Đôi khi sự cố gắng chỉ đến một chừng mực nào đó thôi, lực bất tòng tâm.

Tôi cho rằng những ngành như y tế, nội vụ thời gian qua cũng có những chuyển biến tích cực. Chẳng hạn như Bộ Nội vụ, vừa qua có cách làm rất hay là tham mưu cho Chính phủ không tăng biên chế nữa. Dừng lại ở mức đó đã là quá tốt rồi. Bởi vì tâm lý của các bộ ngành, địa phương nào cũng muốn tăng biên chế. Nhưng Bộ Nội vụ đề xuất tạm ngừng tăng biên chế. Tương tự, Bộ Y tế cũng xử lý một số vấn đề tôi cho rằng có những chuyển biến kịp thời.

Còn chuyện các chức danh của cơ quan hành pháp phiếu tín nhiệm thấp hơn cơ quan lập pháp, tôi cho rằng điều này là đương nhiên, bởi những cơ quan hành pháp là những người lăn xả vào công việc và va chạm rất nhiều. Những bộ, ngành lăn xả, va chạm với các địa phương thì việc "mất phiếu" là chuyện bình thường. Chúng ta không thể nào cào bằng hết được. Tôi nghĩ nên đánh giá các cơ quan hành pháp riêng, lập pháp riêng thì hay hơn.

ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long): Các Bộ trưởng đã hết sức nỗ lực

ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long)
ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long)

Cá nhân tôi nhận thấy, các ĐBQH đã đánh giá các bộ trưởng hết sức nỗ lực, cố gắng. Nhưng chuyện này lại phụ thuộc từng lĩnh vực cụ thể mà bộ trưởng đã điều hành. Ví dụ Bộ trưởng Nội vụ, có những nhân tố khách quan mà tôi cho rằng bản thân ông ấy không xử lý được. Ví dụ như vấn đề tăng lương. Người ta quy trách nhiệm vấn đề ấy là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhưng nguồn chúng ta có đâu. Chính phủ cũng có nguồn đâu. Mà nguồn cũng không phải do Bộ Nội vụ xử lý vấn đề ấy. Nên tôi cho rằng có những nhân tố khách quan mà một số vị Bộ trưởng, trưởng ngành phải chịu những kết quả thấp hơn hoặc được hưởng kết quả cộng cao hơn so với mặt bằng chung của ngành lĩnh vực mình.

Theo tôi, kết quả lấy phiếu tín nhiệm chịu tác động của hai yếu tố. Thứ nhất là người ta nhìn thấy những việc cụ thể trong thời gian vừa qua; thứ hai là người ta nhìn vào cái sự điều hành, xử lý công việc của Bộ trưởng ngành ấy có quyết liệt hay không, có xả thân hay không, có những quyết định cụ thể rõ ràng hay không.

Bình Minh - Thiện Anh (ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.