Xã hội

Đại biểu lo người tiêu dùng "tiền mất tật mang" vì những quảng bá sai lệch

26/05/2023, 14:20

Đại biểu Quốc hội cho rằng, vấn đề quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là để họ có thông tin đầy đủ, chính xác.

Người tiêu dùng vẫn bị bủa vây bởi thông tin giả, sai lệch

Sáng 26/5, tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nhấn mạnh, một trong những vấn đề quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là để họ có thông tin đầy đủ, chính xác về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa.

img

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum)

Trong điều kiện hiện nay, các phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò to lớn và quan trọng trong quảng bá thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, có những hành vi đã và đang sử dụng phương tiện này để quảng bá không đúng, không đầy đủ hoặc sai lệch, tung tin giả về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Thậm chí còn lập cả trang web giả để giả mạo thương hiệu sản phẩm, đánh lừa người tiêu dùng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ...

Theo đại biểu Tám, giữa sự bủa vây của những thông tin giả, người tiêu dùng khó phân biệt được, nhiều người "tiền mất tật mang" vì những thông tin sai lệch.

"Khi đứng trước thực trạng thông tin hiện nay, người tiêu dùng vẫn có quyền yêu cầu và đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan quản lý", đại biểu Tám nhìn nhận và đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông về trách nhiệm ngăn chặn, loại trừ các thông tin sai lệch mạo danh trên các phương tiện truyền thông xã hội bằng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ.

Đồng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, tài sản của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đo lường, chất lượng, an toàn như đã cam kết.

"Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan truyền thông trong việc quảng cáo, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đảm bảo không được sai lệch về chất lượng, giá, công dụng cũng như thổi phồng chức năng của sản phẩm dẫn đến các hành vi lừa dối, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng", đại biểu Phúc nêu ý kiến.

img

Đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh

Băn khoăn phương thức giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng

Đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) cho biết, theo báo cáo của Bộ Công thương, khi người tiêu dùng muốn khiếu kiện, phương thức trọng tài và tòa án không được lựa chọn nhiều do thủ tục phức tạp, thời gian giải quyết vụ việc lâu, chi phí cao trong khi giá trị các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thấp.

Ngoài ra, phương thức giải quyết tranh chấp trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng còn chung chung, chỉ mới nêu các phương thức giải quyết tranh chấp mà chưa quy định rõ về cơ chế giải quyết của các bên tranh chấp xảy ra.

Đại biểu Minh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi quy định dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng một cách cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng hơn.

Cụ thể, khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể tự giải quyết thông qua các phương thức thương lượng và hòa giải. Trong trường hợp không tự giải quyết được bằng các phương thức này hoặc không muốn thì lựa chọn một trong hai phương thức giải quyết trọng tài hoặc tòa án.

Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định trong thời hạn 60 ngày nếu một bên không thực hiện kết quả thương lượng và hòa giải thành, bên kia có quyền yêu cầu trọng tài hoặc tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) thì đề nghị bỏ điều kiện khống chế để có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự đối với các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên.

Theo đại biểu Lê Xuân Thân, mục tiêu đặt ra của dự án Luật này bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do đó, đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1, Điều 317, Bộ luật Tố tụng Dân sự hoặc khi có đủ một số điều kiện cụ thể được quy định trong dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, trong Bộ luật Tố tụng Dân sự cũng không quy định điều kiện hạn chế áp dụng thủ tục rút gọn như đối với các giao dịch trên hay dưới 100 triệu đồng. Do đó, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị bỏ điều kiện khống chế này trong dự thảo Luật.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) cũng cho rằng, dự thảo Luật phân định hai trường hợp áp dụng được hiểu là đối với các giao dịch có giá trị trên 100 triệu đồng thì áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự còn dưới 100 triệu đồng thì áp dụng Luật này.

Đại biểu Sơn đề nghị cân nhắc quy định theo hướng vụ án dân sự, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng đủ các điều kiện, đồng thời bỏ quy định giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.