Xã hội

Đại biểu nói gì về nhiệm kỳ Chính phủ, Chủ tịch nước?

30/03/2016, 07:04

Thảo luận về các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, không ít ĐBQH nói về những hạn chế, yếu kém.

10
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM)

Ngày 29/3, thảo luận về các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, nhiều ĐBQH đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, chủ động, linh hoạt của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ. Tuy nhiên, cũng không ít hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ qua được các ĐB thẳng thắn nêu trên nghị trường.

Kỳ vọng lớn vào đội ngũ lãnh đạo mới

Nữ ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện đường lối đổi mới của Đảng cũng như việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Theo bà Khánh, bước đầu vào nhiệm kỳ, Chính phủ và các thành viên Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn trong chỉ đạo, điều hành với những nguy cơ bất ổn về kinh tế vĩ mô, nguồn thu suy giảm mạnh, nhưng được sự ủng hộ cũng như sự tăng cường giám sát của Quốc hội sau kỳ lấy phiếu tín nhiệm lần đầu, Thủ tướng Chính phủ và nhiều thành viên Chính phủ đã có sự bứt phá ngoạn mục, nâng hạng tín nhiệm rất ấn tượng.

“Đáng ghi nhận là Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng quyết liệt, miệng nói tay làm; Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình bình tĩnh, biết chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng kiên trì với đề án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản... Các Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Đinh Tiến Dũng... đều đã thể hiện vai trò, vị trí người đứng đầu và quyết liệt thay đổi”, bà Khánh lấy dẫn chứng.

Bày tỏ sự tin tưởng vào phong cách mạnh mẽ của những gương mặt dự kiến sẽ nằm trong đội ngũ thành viên Chính phủ trong nhiệm kỳ mới, ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cũng mong muốn đội ngũ lãnh đạo mới sẽ mạnh mẽ sắp xếp lại và tinh giản bộ máy quản lý và đội ngũ công chức trên cơ sở ngân sách do Quốc hội quyết định.

“Sắp xếp bộ máy trên cơ sở ngân sách do Quốc hội quyết định khác với việc chúng ta cứ đẻ ra bộ máy rồi Quốc hội phải chạy theo quyết định ngân sách nuôi bộ máy, đội ngũ viên chức, công chức đó. Cần phải lập lại kỷ cương, kỷ luật, ý thức chấp hành và thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, xử lý nghiêm minh cán bộ công chức vi phạm theo tinh thần như Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói là "cột ở lại thì người phải đi, nhà của dân sập thì cán bộ cũng phải sập”, ĐB mượn lời của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói chỉ đạo cấp dưới trong một cuộc họp để diễn đạt ý của mình.

Chạy chức chạy quyền tất sẽ vơ vét để bù lại

Nhìn nhận hạn chế về thể chế và cơ chế do quy định chằng chịt, chồng lấn nhiều vấn đề, quan hệ, nhưng ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng, không thể đổ lỗi hết cho Chính phủ về những hạn chế, tồn tại của đất nước.

Đề cập đến vấn đề biên chế hoạt động của bộ máy Nhà nước, ông Đương cho rằng, hiện tượng “phình” ra, số người sống dựa vào ngân sách là từ các khối cơ quan khác nhau, trong đó, ngân sách tính riêng cho việc chi lương đã khoảng 400.000 tỷ đồng/năm, tính chung cả khối viên chức, lực lượng vũ trang thì tới 1 triệu tỷ đồng/năm. “Như vậy là ăn hết rồi còn đâu chi đầu tư phát triển?”, ông Đương băn khoăn, đồng thời đề nghị sửa quy định, đánh giá để cắt giảm bộ máy Nhà nước một cách quyết liệt. Thực hiện nhất thể hoá các chức danh trong Đảng và chính quyền cũng là một hướng gợi ý để làm bộ máy gọn nhẹ hơn. Hoặc việc sáp nhập, liên kết các tổ chức đoàn thể hoạt động bằng ngân sách để “hạn chế những tầng lớp trung gian, không trực tiếp sản xuất, tạo ra sản phẩm xã hội mà chỉ sống dựa vào Nhà nước”.

Về việc chạy chức chạy quyền, ĐB Đương đặt vấn đề: “Đó có phải là sự thật? Vì sao người ta thích chạy và vì sao chạy được?. Tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có lời giải đáp. Cần xem lại xem có việc chạy chức, chạy quyền không, đó không chỉ là chỗ tham nhũng lớn mà còn là nơi "đẻ" ra tham nhũng vì khi đã bỏ tiền “chạy”, đầu tư ban đầu thì người đầu tư sau đó ắt phải vơ vét để bù lại.

Quyền hạn Chủ tịch nước lớn, thực thi lại vướng mắc

Đánh giá về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, nhiệm kỳ qua Chủ tịch nước đã thực hiện tương đối tốt chức năng quyền hạn theo quy định của Hiến pháp. Ba điểm sáng được ông Sơn nhấn mạnh là, trong cải cách tư pháp đã quan tâm thể chế hoá xây dựng hệ thống tư pháp ngày càng hiện đại, rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ tư pháp; trong đối ngoại đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Và điểm sáng thứ ba là, Chủ tịch nước quan tâm, gần gũi với nhân dân.

Tuy nhiên, ông Sơn còn băn khoăn khi nhiều mặt hoạt động của Chủ tịch nước có cảm giác là chưa thể hiện rõ quyền hạn. Chẳng hạn như với tư cách thống lĩnh lực lượng vũ trang hay quan hệ phối hợp với Chính phủ trong giải quyết các vấn đề quốc kế dân sinh, quyền lực của Chủ tịch nước chưa thực sự được thể hiện rõ.

Về việc Chủ tịch nước đã làm được gì để chống tham nhũng, ông Sơn cho rằng, về chủ quan thì Chủ tịch nước đã có nhiều cố gắng, nhưng nguyên nhân khách quan do hiến định, muốn làm cũng khó. Vì thế, ĐB kiến nghị nhiệm kỳ tới cần trình Quốc hội ban hành luật chế định Chủ tịch nước để cụ thể hoá nhiệm vụ quyền hạn trong từng lĩnh vực.

Cùng quan điểm, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chế định về Chủ tịch nước để Chủ tịch nước có thể thực hiện đúng, đủ quyền hạn của người đứng đầu Nhà nước. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.