Thời sự

Đại biểu phải được trắc nghiệm về trình độ, thần kinh, tâm lý

05/11/2014, 22:17

Nếu như đại biểu chuyên trách tiêu chuẩn không rõ ràng, không phải là công chức có kinh nghiệm 15 năm làm việc trở lên thì e khó đảm trách được những trọng trách nặng nề "gánh" trên vai khi trúng cử.

ĐB Trần Du Lịch - (ảnh: Lã Anh)
ĐB Trần Du Lịch - (ảnh: Lã Anh)

Trước đó, buổi sáng, thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần cụ thể hóa hơn nữa tiêu chuẩn, điều kiện đối với người ứng cử đại biểu, có sự phân biệt giữa tiêu chuẩn của người ứng cử ĐBQH với người ứng cử đại biểu HĐND để nâng cao chất lượng của đại biểu được bầu.

"Về tiêu chuẩn đối với người ứng cử đại biểu (Điều 3), ngoài các tiêu chuẩn chung cho ĐBQH và đại biểu HĐND thì cần quy định thêm các điều kiện cần và đủ cho người được cơ quan, tổ chức giới thiệu làm ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND ở từng cấp như về độ tuổi, trình độ học vấn, kinh nghiệm công tác…", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết.

"Luật lần này phải khắc phục được chuyện người này đi bầu thay người kia. Người đi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri, giấy CMND. Không thể có chuyện bỏ phiếu giúp nhau rồi đạt tỷ lệ hơn 90%. Phải hết giờ mới đi kiểm phiếu, người dân phải trực tiếp đi bầu cử".

(ĐB Trần Du Lịch)

Cũng theo ông Lý, qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với việc nên quy định về số lượng và tiêu chuẩn của ĐBQH, đại biểu HĐND trong Luật Tổ chức QH và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sẽ được trình QH xem xét, thông qua trong thời gian tới. Bởi đây là các nội dung liên quan trực tiếp đến cơ cấu, tổ chức của QH, HĐND.

Chiều cùng ngày, thảo luận về dự án Luật Bầu cử ĐBQH, nhiều ý kiến đã tập trung góp ý về tiêu chuẩn của ĐBQH, bởi đây là điều kiện để nâng cao chất lượng hoạt động của QH, chất lượng xây dựng luật.

"Tiêu chuẩn ĐBQH phải được luật hóa một cách cụ thể, để cử tri khi nhìn vào “tiêu chuẩn” này có thể quyết định bầu hay không bầu ứng viên; để làm sao cử tri có thể lựa chọn ra đại biểu có tâm huyết, dám nói dám làm", ĐB Đỗ Văn Đương (Tp. Hồ Chí Minh) nói và cho rằng, nếu như ĐB chuyên trách tiêu chuẩn không rõ ràng, không phải là công chức có kinh nghiệm 15 năm làm việc trở lên thì e khó đảm trách được những trọng trách nặng nề “gánh” trên vai người đại biểu khi trúng cử.

ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, hồ sơ ứng viên bắt buộc phải có Giấy khám sức khỏe. “ĐBQH,  ngoài có trình độ cũng phải có sức khỏe, nếu không, anh vừa được bầu vào QH mà lại ốm thì sẽ thiệt cho cử tri tại địa phương đó”, ĐB tỉnh Thái Bình nói.

Còn theo ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), tiêu chuẩn của người tự ứng cử không rõ. "Người tự ứng cử phải có cơ quan, tổ chức, đơn vị nào đó đảm bảo, giới thiệu nhân sự đó. Ở đây không có ai đảm bảo cả, cá nhân người đó đảm bảo. Người tự ứng cử cũng không có phiếu lý lịch tư pháp thì ai là người xem xét, kiểm tra xem nhân sự này là như thế nào", bà Hà nêu ý kiến.

Đồng tình với quan điểm cho rằng, hồ sơ ứng cử của ứng viên ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND cần phải bổ sung thêm giấy khám sức khỏe và phiếu lý lịch tư pháp, ĐB Trương Trọng Nghĩa (Tp. Hồ Chí Minh) thậm chí còn đề nghị giấy khám sức khỏe phải có trắc nghiệm về trình độ, thần kinh, tâm lý. "Tâm thần của anh không qua được trắc nghiệm thì không nên ứng cử", ông Nghĩa nêu quan điểm.

Cùng quan điểm cho rằng, ĐBQH phải có lý lịch tư pháp, phải có sức khoẻ, phải có bản kê khai tài sản minh bạch, ĐB Trần Du Lịch (Tp. Hồ Chí Minh) nhận xét, dự thảo còn nêu chung chung và đơn giản về tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH. "Nếu cứ chung chung thế này thì một người mới từ bệnh viện tâm thần cũng ứng cử được", ông Lịch nói và cho rằng, tiêu chuẩn ĐBQH không thể đánh đồng với tiêu chuẩn cán bộ địa phương.

Tiến Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.