Làm báo cùng Giao thông

Đại biểu QH hãy nói để dân nghe, dân tin

03/11/2017, 09:25

"Có những phiên thảo luận diễn ra một chiều, người phát biểu không biết là nói ý của mình hay ý của ai"...

5

Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 2/11 - Ảnh: Q.H

Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 7, năm 2014, ông Nguyễn Sinh Hùng khi đó là Chủ tịch Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra tình trạng đại biểu “phát biểu bài của người khác” và đề nghị rút kinh nghiệm.

Ông nói: “Tôi thấy thảo luận hội trường có một nhược điểm là các đồng chí am hiểu nhất lại không nói gì cả, không tranh luận với đại biểu có ý kiến khác. Có những phiên thảo luận diễn ra một chiều, người phát biểu không biết là nói ý của mình hay ý của ai. Ra Quốc hội nói một chiều là người ta rất kỵ, làm cho tình hình Quốc hội không tốt, không thẳng thắn”. 

Từ năm 2014 tới nay, có thể thấy thảo luận tại hội trường đã có thêm nhiều ý kiến phản biện, tranh luận, giảm bớt đi những phiên cho ý kiến một chiều. Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến của ĐBQH gây sóng gió trong dư luận, có ý kiến bị người dân nghi ngờ về tính trong sáng, khách quan. 

Mới đây nhất là việc ĐB Hồ Văn Năm (Đồng Nai) trả lời chất vấn của ĐB Lưu Bình Nhưỡng về vai trò của đoàn ĐBQH tỉnh, vai trò của QH trong việc giám sát các vụ việc nổi cộm. Ông Nhưỡng đưa ví dụ về vụ phân bón giả Thuận Phong, đã xảy ra rất lâu nhưng chưa thấy động thái giám sát cần thiết. 

ĐB Hồ Văn Năm trả lời vụ phân bón Thuận Phong không có dấu hiệu hình sự nên các cơ quan tố tụng của tỉnh đã họp và quyết định không khởi tố. Vụ việc này ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của doanh nghiệp nên phải cân nhắc… và vẫn đang xử  lý. 

Vụ phân bón giả Thuận Phong là tâm điểm của dư luận trong vài năm qua nhưng kỳ lạ thay dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng và kết luận của nhiều ban ngành liên quan nhưng vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Câu trả lời của ĐB Hồ Văn Năm, người đứng đầu ngành kiểm sát Đồng Nai khi vụ việc Thuận Phong được phát giác khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về tính khách quan và gây phản ứng dữ dội trên mạng xã hội.

Đến mức, 2 ngày sau, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) phải tiếp tục giơ bảng tranh luận: “Đại biểu Năm nói rằng địa phương đã làm rất cẩn trọng, bảo vệ danh dự của doanh nghiệp. Kết luận lại là không có dấu hiệu tội phạm, đề nghị giải thích rõ việc này trước dư luận, nhân dân và bằng các bằng chứng cụ thể.Tôi thấy trả lời như ĐB Năm là chưa ổn”.

Một ĐB biểu khác của tỉnh Đồng Nai là ông Nguyễn Công Hồng sau đó phải lên tiếng nói đỡ, “sợ cử tri hiểu lầm”. Theo ông Hồng, vụ Thuận Phong rất phức tạp, đã bị xử lý hành chính, hiện đang điều tra xem xét lại chứ không phải không có dấu hiệu tội phạm.

Một ý kiến phát biểu tại hội trường cũng được dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày qua là phát biểu của ĐB Dương Trung Quốc về vụ Đồng Tâm. Ông Quốc nói: Nên nhìn nhận đây là một vụ khủng hoảng về lòng tin chứ không thuần tuý chỉ là vụ án hình sự. Có một yếu tố mà tôi thấy Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có trách nhiệm cần quan tâm, đó là những khiếu nại của người dân không được quan tâm, xem xét kịp thời, để tích tụ lại, trở thành hiện tượng “tức nước vỡ bờ”.

Theo ông Quốc: “Chúng tôi tán thành phải thượng tôn pháp luật, xử lý đến cùng. Chúng ta khởi tố những người dân ở Đồng Tâm vi phạm, nhưng cho đến nay những cán bộ công an đánh dân, bắt dân không đúng quy định của luật pháp vẫn hoàn toàn đứng ngoài pháp luật... Kiến nghị xem xét lại kết luận thanh tra của người dân vẫn chưa được trả lời.

Điều đó đã gây bức xúc cho người dân. Gần đây công an Hà Nội đã kêu gọi những người bắt và giữ lực lượng công an ra đầu thú. Tôi nghĩ rằng dùng từ “đầu thú” là không ổn. Chúng ta đã mất đi ngôn ngữ để đối thoại với dân rồi sao?”. 

Không phải tự nhiên mà ý kiến của ông Quốc được người dân chia sẻ nhiều đến thế. Bởi họ thấy được trong đó có tâm tư nguyện vọng của chính mình. 

Thiết nghĩ, Quốc hội rất cần thêm nhiều ĐB chuyên trách, chuyên nghiệp, toàn tâm, toàn ý với vai trò đại diện cho nhân dân. Vì khi ấy, tiếng nói của họ độc lập, có trọng lượng và không cần vay mượn hay nói hộ nhóm lợi ích nào cả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.