Chính trị

Đại biểu Quốc hội có được mang 2 quốc tịch hay không?

26/08/2020, 14:48

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 bổ sung ĐBQH có 1 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

img
Một tờ báo nước ngoài phản ánh thông tin về tài liệu mật của Chính phủ Cộng hòa Síp cho thấy, hàng chục quan chức cấp cao và gia đình của họ tại một số nước đã mua "hộ chiếu vàng" của Síp giai đoạn từ cuối năm 2017-2019

Vừa qua, Al Jazeera - một tờ báo nước ngoài phản ánh thông tin về tài liệu mật của Chính phủ Cộng hòa Síp cho thấy hàng chục quan chức cấp cao và gia đình của họ tại một số nước đã mua "hộ chiếu vàng" của Síp trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2019.

Đáng chú ý, tờ Al Jazeera phản ánh, trong số những người mua hộ chiếu của Síp có ông P.P.Q (đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh).

Về sự việc này ông Trần Văn Tuý, Trưởng Ban Công tác Đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết: “Trước thông tin xuất hiện trên một tờ báo nước ngoài về việc một đại biểu có quốc tịch nước ngoài khác ngoài Việt Nam, chúng tôi cũng đang phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh để xác minh lại thông tin này”.

Trưởng Ban Công tác Đại biểu cũng lưu ý, cần rất thận trọng khi xem xét thông tin từ nước ngoài.

Theo Trưởng Ban Công tác Đại biểu Trần Văn Tuý, trong Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) cũng đã có quy định rõ về việc là Đại biểu Quốc hội thì không được có hai quốc tịch. Điều này được quy định rõ trong Luật Tổ chức Quốc hội (Sửa đổi) áp dụng cho nhiệm kỳ mới.

"Trước đó, tuy không có quy định trong Luật này nhưng tinh thần một Đại biểu Quốc hội là không được có hai quốc tịch", ông Tuý lưu ý.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch năm 2014 cho phép một số công dân được mang hai quốc tịch: Người được Chủ tịch nước cho phép; Trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; Người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch Việt Nam; Trẻ em là con nuôi.

Công dân Việt Nam không bị tước quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Luật này. Đó là khi công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước CHXHCN Việt Nam

"Thực tế có không ít trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phía nước ngoài cấp hộ chiếu và công nhận quốc tịch nên việc những công dân Việt Nam này có hai quốc tịch và sử dụng đồng thời hai hộ chiếu là không trái với quy định của pháp luật", luật sư Bình nói.

Tuy vậy, Khoản 4 Điều 27 Luật Quốc tịch quy định, cán bộ, công chức và những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam.

Mặt khác, theo Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, Đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đại biểu Quốc hội phải có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe, được nhân dân tín nhiệm, có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

"Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội 2020 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021 đã bổ sung điểm a vào khoản 1 Điều 22 với yêu cầu Đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Nhưng lưu ý, luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021", luật sư Bình cho biết.

Hồi năm 2016, dư luận từng ồn ào trước câu chuyện bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị bác tư cách đại biểu Quốc hội vì có thêm quốc tịch Malta.

Việc nhập quốc tịch Malta không được bà Hường kê khai trong hồ sơ ứng cử. Các cơ quan chức năng xác định việc mang 2 quốc tịch đối với trường hợp bà Nguyệt Hường là sai quy định pháp luật.

Ngay sau khi vụ việc bà Hường có 2 quốc tịch bị phát hiện, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã bỏ phiếu kín, kết quả 100% thành viên hội đồng có mặt biểu quyết xác nhận bà Hường không đủ tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Đến ngày 3/8/2016, với kết quả 96/96 đại biểu có mặt biểu quyết thống nhất thông qua Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu HĐND TP. Hà Nội đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, bà Nguyệt Hường cũng bị HĐND TP. Hà Nội bãi nhiệm tư cách đại biểu HĐND thành phố.

Bản thân bà Nguyệt Hường khi đó cũng xác nhận thông tin này và có đơn xin rút việc tham gia Quốc hội khóa XIV.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.