Xã hội

Đại biểu Quốc hội đề nghị dồn vốn cho dự án trọng điểm, công trình dang dở

08/11/2021, 12:49

Đại biểu Quốc hội đề nghị cơ cấu vốn đầu tư công theo hướng tập trung vào những công trình trọng điểm và những công trình dang dở hoàn thành.

Sáng nay (8/11), theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và công tác phòng chống dịch Covid-19.

img

Đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu tại hội trường sáng nay (8/11)

Mục tiêu tăng trưởng 3- 3,5% năm nay sẽ rất khó khăn

Chia sẻ với Chính phủ khóa mới khi vừa kiện toàn đã phải đối mặt với thách thức rất lớn do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nói: “Đây là đợt dịch chưa từng có, phá hủy rất nhiều quan hệ KT-XH. Chúng ta đã phải tập trung nguồn lực, vật lực và cả hệ thống chính trị vào cuộc để đối phó với đợt dịch lần này”.

Đánh giá về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Chính phủ dự kiến đặt ra khoảng 3 - 3,5%, ông Vân băn khoăn: "Tôi e rằng chỉ tiêu này sẽ khó đạt được".

Lý giải điều này, ông Vân cho rằng, năm 2020, đại dịch Covid-19 không tấn công với cường độ không mạnh như năm 2021 nhưng tăng trưởng kinh tế cũng chỉ đạt được 2,91%.

"Năm nay mục tiêu tăng trưởng 3- 3,5% sẽ rất khó khăn. Muốn đạt được kết quả này, trong 3 tháng cuối năm 2021 phải nỗ lực rất cao, GDP phải đạt được 8,6% thì may ra chúng ta mới đạt được mục tiêu tăng trưởng 3,5% cả năm", ông Vân chia sẻ và nhắn nhủ Chính phủ nên đánh giá thận trọng.

Bàn về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Chính phủ kỳ vọng khoảng 6 - 6,5%, ông Vân cho rằng, mục tiêu này cũng cần được đánh giá thận trọng bởi từ nay đến tháng 6/2022, chúng ta phải có giai đoạn phục hồi, sau đó mới tăng tốc phát triển.

Trên cơ sở đó, ông Vân gợi ý 5 giải pháp trọng tâm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đó là, sắp xếp trật tự ưu tiên theo hướng ưu tiên củng cố và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó nâng cao nguồn nhân lực cao trong quản lý và lãnh đạo ở các cấp.

Thứ hai, tập trung rà soát, sửa đổi thể chế. Thứ ba, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, sản xuất và lưu thông. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới vào quá trình quản lý để tiết giảm bộ máy và nhân lực, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Thứ tư, cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công. "Chúng ta đã nhiều lần xác định cơ cấu vốn đầu tư công theo hướng tập trung vào những công trình trọng điểm và những công trình dang dở hoàn thành, sắp tới cần tiếp tục tập trung giữ nguyên kỷ luật đầu tư công", ông Vân nói.

Cuối cùng, Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cụ thể hóa kết luận 14 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là kết luận 14 về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

img

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội)

Dồn vốn cho dự án trọng điểm quốc gia và đẩy mạnh đầu tư PPP

Đề cập đến việc phát triển KT-XH, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho biết, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và dòng người lao động hồi hương từ dịch bệnh đã cho chúng ta thấy một cách tiếp cận mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.

"Chúng ta không phủ nhận vai trò của các siêu đô thị như Hà Nội, TP.HCM và các đại công trường ở Đông Nam bộ trong việc thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm qua. Tuy vậy, các siêu đô thị, đại công trường vẫn ôm trong lòng mình các ngành công nghiệp mà chủ yếu là gia công lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng lao động thủ công khổng lồ như hiện nay, một mặt sẽ tiếp tục gây quá tải cho các trung tâm này, mặt khác lại chèn lấn thu hút đầu tư phát triển của các địa phương khác đang nghèo hơn và đang chủ yếu mưu sinh bằng nông nghiệp", ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, mô hình này không đảm bảo phát triển bền vững bao trùm và khó có khả năng chống chịu trước các biến cố xảy ra trong tương lai. Vì vậy, cần phải xây dựng thêm nhiều trung tâm và các chuỗi đô thị tại các vùng kinh tế khác nhau để tạo thêm sự tăng trưởng mới cho nền kinh tế và chia lửa cho Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh Đông Nam bộ.

"Có như vậy mới lan tỏa sự phát triển đến các vùng nông thôn, các tỉnh thành khác trong cả nước. Chúng ta cần phát triển nền kinh tế công bằng, an toàn, hiệu quả để con cháu không phải ly hương mà có thể ly nông, làm giàu trên quê hương của mình mà không phải cuốn về các trung tâm đô thị chật chội", ông Lộc chia sẻ.

Liên quan đến công tác thực hiện đầu tư công, ông Lộc bày tỏ lo ngại khi áp lực giải ngân lớn sẽ phân bố dàn trải, dòng vốn đầu tư chảy vào các dự án kém hiệu quả. Từ đó, ông Lộc đề xuất cần dồn vốn cho dự án trọng điểm quốc gia và đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.