Xã hội

Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ "ai đúng, ai sai" trong hoạt động từ thiện

24/10/2021, 11:04

Đại biểu Phan Thái Bình cho rằng, cần nhanh chóng xác minh hoạt động từ thiện, từ đó trả lời cho công luận, cử tri biết ai đúng, ai sai.

Tiếp tục kỳ họp thứ hai, sáng nay (24/10), Quốc hội thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

img

Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam)

Nhanh chóng làm rõ và minh bạch hoạt động từ thiện

Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) nêu dẫn chứng từ báo cáo của Chính phủ, các vụ việc gây rối trật tự trong năm tăng hơn 18%, các vụ việc chống người thi hành công vụ tăng 20%.

Từ đó, vị đại biểu đoàn Quảng Nam đề nghị đánh giá vì sao tỉ lệ lại tăng đột biến như vậy, cần làm rõ có bao nhiêu vụ việc liên quan đến phòng, chống dịch.

Vấn đề thứ hai đại biểu Bình nhấn mạnh đó là hoạt động nhân đạo, từ thiện.

Theo đó, trong các hoạt động kêu gọi vận động từ thiện trong phòng chống dịch, thiên tai lũ lụt vừa qua đã xảy ra tình trạng tranh chấp, nói xấu lẫn nhau trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống.

"Các cơ quan cần vào cuộc mạnh mẽ vấn đề này một cách kịp thời hơn để làm rõ, trả lời cho công luận, cử tri biết ai đúng, ai sai", đại biểu Phan Thái Bình đề nghị.

Chiều 23/10, trình bày thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu 3 kiến nghị.

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo để tạo chuyển biến rõ rệt hơn trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương, nhất là việc xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng tham nhũng, tiêu cực tại các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, cơ quan tư pháp.

Thứ ba, đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan hữu quan tập trung hơn vào những lĩnh vực nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận gần đây như: lĩnh vực y tế, giáo dục và huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện...

Đề nghị chọn Hải Phòng thí điểm xét xử trực tuyến

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết phiên toà trực tuyến, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết như trong tờ trình. Ông cho rằng đây là giải pháp đột phá nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động tố tụng của toà án.

Đồng thời, đây cũng là một trong những yếu tố đòn bẩy để thúc đẩy quá trình giải quyết vụ việc của toà án được nhanh chóng, thuận lợi hơn, tiết kiệm chi phí đi lại của người dân.

Đây là phương thức tố tụng mới được áp dụng trên nền tảng công nghệ số, do vậy cần có sự đầu tư trang thiết bị, việc triển khai cũng cần thận trọng. Do đó, đại biểu đề nghị nên có sự thí điểm với từng loại án, từng địa bàn để chỉ đạo triển khai toàn quốc.

"Riêng tại Hải Phòng, vừa qua đã được đầu tư hệ thống thiết bị và đường truyền kết nối riêng từ hội trường xét xử của TAND TP Hải Phòng đến phòng xét xử đặt tại trụ sở UBND thành phố nhằm phục vụ phiên toà xét xử trực tuyến án hành chính", ông Tân nói.

Ông Tân cũng thông tin, ngày 7/8 vừa qua Hải Phòng đã tổ chức phiên toà giả định xét xử vụ án hành chính bằng hình thức trực tuyến. Kết quả, phiên toà được đánh giá cao, chất lượng hình ảnh và âm thanh rõ nét, tín hiệu đường truyền ổn định.

“Người tham gia phiên toà ở các điểm cầu đều theo dõi phiên toà được đầy đủ, toàn diện; đương sự được đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ theo quy định”, ông Tân nói và cho biết, từ kết quả này, Toà án nhân dân TP Hải Phòng đã có văn bản đề nghị Toà án nhân dân tối cao xem xét cho phép thí điểm xét xử trực tuyến tại Hải Phòng.

"Đề nghị TAND tối cao xem xét, lựa chọn Hải Phòng để triển khai thí điểm cho việc thực hiện Nghị quyết này khi được Quốc hội thông qua", ông Tân nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa Vũng Tàu) góp ý, xét xử trực tuyến là vấn đề còn mới, phát sinh từ yêu cầu thực tiễn nhưng chưa có luật quy định. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung điều chỉnh rõ phạm vi tổ chức phiên toà trực tuyến chỉ để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm các vụ án dân sự, hôn nhân, kinh doanh, hành chính… có tính chất tình tiết đơn giản, tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.

Bà Yến cũng đề nghị các cơ quan cân nhắc có điều khoản quy định về nội dung ngân sách tổ chức thực hiện để toà án nhân dân các cấp và các cơ quan tố tụng khi triển khai Nghị quyết. Bên cạnh đó, khi tổ chức phiên toà trực tuyến phải quán triệt tuân thủ nguyên tắc không làm phát sinh thêm thủ tục tố tụng mới.

Đại biểu Lê Tất Hiếu (đoàn Vĩnh Phúc) lưu ý, đây là vấn đề mới, pháp luật hiện hành chưa quy định nên cần có sự chuẩn bị chu đáo, có quy định chi tiết để tập huấn, hướng dẫn cho các cơ quan tiến hành và tham gia tố tụng.

Trước đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày trước Quốc hội dự thảo nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Theo đó, hình thức mới "phù hợp xu thế" này sẽ được áp dụng trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ rõ ràng. Thời gian thực hiện dự kiến từ đầu năm 2022.

Địa điểm do tòa án quyết định, đảm bảo theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng. TAND Tối cao chủ trì hướng dẫn việc tổ chức xét xử trực tuyến.

Thẩm tra dự thảo nghị quyết về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, tại Quốc hội chiều 23/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tán thành việc tổ chức xét xử trực tuyến. Việc này sẽ nâng cao hiệu quả tố tụng; các vụ án được xét xử khẩn trương, kịp thời; tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, xã hội.

Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định thời hạn cụ thể để TAND Tối cao báo cáo Quốc hội về kết quả xét xử trực tuyến, sau một thời gian thực hiện, chậm nhất là 3 năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.