Thời sự

Đại biểu Quốc hội đề nghị lược bỏ 50% khối lượng SGK

12/11/2014, 08:11

Chiều qua, ĐBQH Bùi Thị An nói trong buổi thảo luận về đề án đổi mới chương trình, SGK: "Học sinh gần như mụ mẫm, không có thời gian vui chơi, tập thể thao. Đây không phải là mục tiêu giáo dục của chúng ta".

Ảnh minh họa - internet
Ảnh minh họa - internet

Với những dẫn chứng đáng báo động về trình trạng học sinh đang bị quá tải bởi chương trình học, sách giáo khoa như phải đeo kính, bị gan nhiễm mỡ…., bà An cho rằng, cần lược bỏ ít nhất 50% khối lượng SGK hiện hành.

"Một thực tế rất đáng báo động hiện nay là học sinh gần như mụ mẫm. Tại Tp. Hồ Chí Minh, học sinh tiểu học 20% nhiễm mỡ máu do học nhiều, ngồi nhiều, không có thời gian vui chơi, tập thể thao. Học sinh như đeo kính hết. Đây là hình ảnh mà trong nhiều năm nay quá quen thuộc. Đây không phải phải là mục tiêu giáo dục của chúng ta mà phải biến các em trở nên khỏe mạnh, có trí tuệ, chủ động năng động, tự tin vào cuộc sống. Thế hệ đó mới xây dựng Việt Nam đi lên", ĐB Tp. Hà Nội nói và cho rằng, vừa rồi, một trong các nguyên nhân làm các em như thế là SGK “góp phần”.

Cũng theo ĐB Bùi Thị An, thực trạng  bắt trẻ em học quá nhiều dẫn đến chuyện thầy dạy thêm, trò học thêm, phát sinh các chuyện về kinh tế, gây nên các quan hệ không thật vui vẻ lắm, mặc dù trong rất nhiều chuyện, phụ huynh tự nguyện ký cam kết. "Kinh thế kém cũng phải cho con đi học, không thì y như rằng kiểu gì cũng có chuyện. Tình trạng kéo dài nhiều năm ở môi trường đáng ra tốt đẹp, trong sáng nhất. Chính vì học thêm quá nhiều nên kiến thức vào rất ít, không phải mong muốn của chúng ta. Vì thầy ham dạy thêm nên không có thời gian đi nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin thường xuyên, nâng cao trình độ. Chính vì SGK quá nặng nên đẻ ra chuyện đó, mà kiến thức thu được không nhiều", bà An cho hay.

Đề cập đến chương trình SGK trong đề án tới đây, theo bà An, nên xây dựng chương trình chuẩn. "Bộ GD-ĐT nhận việc này nhưng SGK phải là xã hội hóa. Ai viết cũng được: có thể là thầy cô giáo đang nghỉ hưu, cả trẻ và già, ai có đủ kiến thức thì viết. Còn khi thẩm định thì đề nghị vẫn có một hội đồng thẩm định. Viết xong ai đạt chuẩn thì trả tiền, dựa trên chương trình chuẩn. Khi nào nhận sản phẩm thì sẽ trả tiền", ĐBQH Tp. Hà Nội nói.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), tuy đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ cho đề án này nhưng việc trình bày đề án chưa được rõ ràng, minh bạch nếu đặt vai trò là một người dân khi tiếp cận văn bản này.

"Cần viết ngắn gọn các phần nội dung, mục tiêu, yêu cầu; làm rõ hơn những vấn đề đổi mới của chương trình - SGK vì đây là 2 tiêu đề chính. Rồi chia thành đổi mới phương pháp biên soạn, đổi mới phương pháp giảng dạy và thi cử…", ông Thành đề nghị.

Còn theo ĐB Hoàng Đức Thẩm (Quảng Trị), đổi mới thi cử và đổi mới phương pháp dạy học, nhưng phải để ý chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất. "Đề án này chỉ tập trung vào đề án này còn các nội dung khác có đề án riêng. Có cần ôm luôn trong đề án này hay không? Trong nghị quyết cũng không đưa vào", ĐB tỉnh Quảng Trị đặt câu hỏi và cho biết bản thân còn băn khoăn về hình thức dạy học tích lũy chứng chỉ áp dụng với THPT. Bởi hiện nay, dạy học theo hình thức này mới mới áp dụng ở ĐH. Giờ đưa hình thức này vào có khó khăn, xáo trộn gì trong hình thức tổ chức học và đánh giá…

ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đặt ra yêu cầu, trước hết phải thống nhất chương trình giữa các cấp học, lớp học, môn học. "Vừa qua, cấp tiểu học là kiến thức nâng cao, trong khi lên cấp 3 lại là kiến thức cơ bản. Phải có mặt bằng chung mục tiêu cần phải đạt cho cả nước. Nhưng sau đó chương trình phải đảm bảo học sinh trung bình tiếp thu được, phù hợp các đối tượng để giáo viên lựa chọn kiến thức phù hợp để giảng dạy và phù hợp điều kiện giảng dạy", ông Tấn góp ý.

Bình Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.