Xã hội

Đại biểu Quốc hội đề xuất khẩn trương trùng tu cầu Long Biên

03/06/2022, 13:24

Với giá trị lịch sử và sự xuống cấp nghiêm trọng, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, đại tu cầu Long Biên ở thời điểm hiện tại là rất cần thiết.

Chỉ trong 1 tháng, cầu Long Biên (TP Hà Nội) đã 2 lần liên tiếp xảy ra tình trạng sập tấm đan ở phần bộ hành và mặt đường bộ.

Cụ thể, sáng 28/5, nhân viên tuần cầu khi đi thực hiện nhiệm vụ trên cầu Long Biên thì phát hiện mặt cầu bị sập, tạo thành lỗ thủng to, rất nguy hiểm. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành khắc phục, sửa chữa.

img

Mặt đường bộ cầu Long Biên bị thủng một lỗ lớn

Trước đó, ngày 4/5, lối đi bộ của cây cầu hơn 120 năm tuổi đời này cũng bị thủng lớn. Ngay sau đó, cơ quan hữu quan cũng phải tiến hành “vá” khẩn cấp.

Bên hành lang kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, trao đổi với Báo Giao thông, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc bày tỏ lo ngại trước sự xuống cấp nghiêm trọng của chiếc cầu được coi là chứng nhân lịch sử của Hà Nội,

"Hà Nội đã và đang được đầu tư xây dựng những công trình giao thông, hạ tầng rất lớn, điều này nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Nhưng cũng cần quan tâm đúng mức để bảo tồn những công trình có giá trị lịch sử như cầu Long Biên", ông Lộc nói.

img

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc trả lời báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Ông Lộc đề nghị cơ quan chức năng cần dành nguồn vốn để tu sửa cầu Long Biên để vừa đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, vừa bảo tồn một công trình có ý nghĩa lịch sử.

Chung quan điểm, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, cần phải được sửa chữa, khắc phục ngay lập tức cây cầu Long Biên.

img

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường

Đại biểu Cường đề xuất, có thể huy động từ ngân sách và nguồn vốn từ xã hội hóa để sửa chữa cầu Long Biên. Nhưng quá trình sửa chữa, phải chú trọng bảo tồn tính lịch sử của cây cầu, tránh tình trạng thay đổi hoàn toàn kết cấu làm mất đi giá trị lịch sử của cây cầu có hơn 120 năm tuổi đời.

img

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ

Luận bàn về nội dung này, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ cho rằng, cầu Long Biên là một công trình có biểu tượng lịch sử, chính vì thế cần phải có những cơ chế, chính sách để bảo tồn giá trị lịch sử đó.

Theo đại biểu Cừ, trước mắt, cơ quan chức năng cần phải rà soát lại toàn bộ cây cầu để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, sau đó là phương án bảo tồn.

Cầu Long Biên được xây dựng vào năm 1899, khánh thành vào ngày 28/02/1902, cầu có chiều dài là 1.862 m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Đây là cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng.

Cầu Long Biên là một trong 7 cây cầu huyết mạch bắc qua sông Hồng khu vực Hà Nội, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên.

Hiên nay cầu Long Biên vẫn là nơi di chuyển của hàng chục nghìn lượt xe máy và chục lượt tàu hỏa mỗi ngày.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.