Xã hội

Đại biểu Quốc hội đề xuất thu phí sau khi xây dựng các dự án đường vành đai

10/06/2022, 10:20

Việc thu phí sau khi đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội đảm bảo nguồn vốn bảo trì suốt vòng đời dự án.

Thu phí tương ứng với vòng đời dự án

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng nay (10/6), Quốc hội tiến hành thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP.HCM.

Đồng tình với sự cần thiết phải đầu tư 2 dự án đường vành đai như tờ trình của Chính phủ cũng như việc phân kỳ đầu tư giai đoạn một của cả 2 dự án, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị, đối với những đoạn tuyến cao tốc đi qua khu vực có lưu lượng giao thông lớn, nên đầu tư giai đoạn một với quy mô 4 làn xe có chiều rộng mặt đường 24,75m nhằm hạn chế ùn tắc và TNGT.

img

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, TP Hà Nội

Ông Tiến cho rằng, cần giải phóng mặt bằng toàn bộ một lần theo quy hoạch để quản lý, đồng thời tách phần giải phóng mặt bằng và tái định cư hành tiểu dự án để giao địa phương thực hiện. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế phối hợp trong quá trình xây lắp, nghiệm thu, bàn giao để tránh những ý kiến, kiến nghị phát sinh sau này.

Khẳng định việc đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường vành đai 3 TP.HCM là cấp thiết, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) lưu ý, trong quá trình triển khai dự án cần xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật thật tốt, cao cấp nhất để có thể đảm bảo con đường sử dụng được khoảng 100 năm. Cần phải coi con đường là một loại bất động sản đặc biệt của quốc gia.

Trong tờ trình của Chính phủ đề nghị thời gian thu phí là 21 năm, ông Trí đề nghị xem xét việc thu phí hoàn vốn là 30 năm, như vậy nhẹ bớt cho nhà đầu tư và làm giảm giá thu phí đường cho nhân dân.

Ông Trí khẳng định, một tuyến đường được xây dựng với chất lượng, độ bền là 100 năm, nếu thu phí hoàn vốn 35 thì vẫn còn 75 nữa, hàng năm chỉ cần tu sửa mà dùng vẫn rất có hiệu quả. Đại biểu mong Chính phủ và các tỉnh có liên quan làm thật tốt công tác quy hoạch đồng bộ khu vực vành đai của các tuyến đường để tăng thêm tính hiệu quả của hai dự án quan trọng này.

img

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM)

Gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) khẳng định, đường vành đai 3 TP.HCM sẽ tạo ra một hiệu ứng đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn nhiều năm qua cho hồi phục kinh tế và phát triển kinh tế của khu vực miền Đông Nam Bộ.

Ông Nghĩa đề xuất cho phép Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có liên quan xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án này.

Đối với các gói thầu liên quan, có nhiều địa phương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư nên việc Thủ tướng ủy quyền có nghĩa là quyền vẫn là do Thủ tướng quyết định giao cho nơi nào thực hiện.

Mặt khác, cần quy định trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong thời gian thực hiện dự án, nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu hay nếu phát sinh những vấn đề liên quan cần xin ý kiến thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng. Nếu cần thiết thì trong dự thảo Nghị quyết có thể là Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế này.

Ngoài ra, đại biểu Nghĩa cũng đề xuất chỉnh lại trong dự thảo Nghị quyết là Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế, đề nghị là 3 năm kể từ ngày ban hành Nghị quyết.

Góp ý vào chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Long An) đề nghị quan tâm bố trí đủ nguồn vốn triển khai thực hiện cho các địa phương không phát hành trái phiếu để đảm bảo được bố trí đủ vốn và kịp thời. Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo đúng theo tiến độ xác định.

Đây là nội dung khó, cần thể hiện sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị có cơ chế chỉ định thầu đối với một số gói thầu như tư vấn di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trong đó việc chỉ định thầu phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất dọc theo tuyến đường đi qua cho việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và cho thẩm quyền để chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp nhằm giúp cho các địa phương chủ động trong việc triển khai dự án và thu hút đầu tư.

Cần chỉ đạo thống nhất chính sách đền bù

Thống nhất cao với chủ trương đầu tư 2 dự án đường vành đai cho Hà Nội và TP.HCM, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc đầu tư 2 dự án này có vai trò liên kết thúc đẩy phát triển đô thị hóa, phù hợp quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia, kéo giãn mật độ dân cư, ách tắc giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu, kết nối với nhiều hạ tầng giao thông khác như cảng hàng không, cảng biển trong cả nước.

Theo đề xuất của Chính phủ đầu tư 2 dự án theo quy mô phân kỳ mặt đường là 17m và 19,75m, sẽ không có làn xe dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí điểm dừng khẩn cấp. Đại biểu đề nghị cân nhắc vì điều này khó đảm bảo ATGT và dễ xảy ra tình trạng tắc nghẽn, làm giảm hiệu quả đầu tư.Về phạm vi đầu tư, thống nhất như Tờ trình là có đường song hành và có quỹ đất dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai.

Về phương án thu hồi vốn đầu tư đường vành đai 3, đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất đầu tư công nhưng sau khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng được chuyển giao thu phí để thu hồi vốn tái đầu tư cho các công trình khác nhằm giảm tải cho ngân sách nhà nước là hợp lý, cũng là chủ trương xã hội hóa đường giao thông.

Cho rằng đây là dự án liên vùng, đi qua nhiều tỉnh mà mỗi tỉnh, thành phố có chính sách đền bù tái định cư khác nhau, đại biểu đề xuất Chính phủ giao cho TP.HCM và Hà Nội là đầu mối tổ chức thực hiện nhưng cũng cần làm rõ vai trò, đầu mối, nhiệm vụ, quyền hạn để khi thực hiện được thuận lợi. Chính phủ cần có chỉ đạo thống nhất chính sách đền bù, nhất là địa phương có đất liền kề nhau mà địa giới hành chính lại khác nhau.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đến tác động môi trường về đất sản xuất nông nghiệp, cát, sỏi sông ngòi để không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân. Nếu khai thác tối đa ít nhiều sẽ bị tác động rất lớn về môi trường, sẽ cạn kiệt về sau, vì đây là nguồn nguyên liệu hữu hạn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.