Xã hội

Đại biểu Quốc hội hiến kế vực dậy kinh tế sau dịch

20/05/2020, 07:35

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cần rà soát, đánh giá và dự báo sát nhất tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 để có sự điều hành phù hợp.

img
Theo các ĐBQH, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng giúp tăng tốc phát triển kinh tế trong thời điểm hiện nay (Trong ảnh: Dự án nâng cấp, mở rộng các cầu trên QL1 qua tỉnh Tiền Giang đang được đẩy nhanh tiến độ). Ảnh: Phan Tư

Điều chỉnh GDP để chủ động điều hành

Hôm nay (20/5), kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV khai mạc, dự kiến diễn ra trong 19 ngày. Trong đó, đợt 1 là 9 ngày, từ ngày 20 - 29/5 sẽ họp trực tuyến; đợt 2 là 10 ngày, từ ngày 8 - 18/6.

Trước đó, Chính phủ dự kiến điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế năm 2020, trong đó có giảm mức tăng GDP. Ủng hộ việc điều chỉnh, một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần rà soát, đánh giá và dự báo sát nhất tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 để có sự điều hành phù hợp.

Theo báo cáo do Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên họp 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần qua, do tác động của dịch Covid-19, Chính phủ dự kiến điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế, trong đó có giảm mức tăng GDP theo hai kịch bản.

Kịch bản 1 là khi Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4; các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam khống chế, kiểm soát được dịch trong quý III/2020, dự kiến GDP tăng khoảng 4,4 - 5,2% so với năm 2019.

Kịch bản 2, khi Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam khống chế, kiểm soát được dịch trong quý IV/2020, dự kiến GDP tăng khoảng 3,6 - 4,4% so với năm 2019. Hai kịch bản này đều thấp hơn từ 1,6 - 3,2 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra.

Cùng với 2 kịch bản, Chính phủ cho rằng, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan. Dự kiến, những chỉ tiêu cần điều chỉnh là: GDP tăng khoảng 4,5% (chỉ tiêu Quốc hội giao là 6,8%); tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (Quốc hội quyết định là dưới 4%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (chỉ tiêu được Quốc hội quyết khoảng 7%); tổng thu ngân sách Nhà nước giảm 163.000 tỷ đồng so với dự toán được giao.

img
ĐBQH Hoàng Văn Cường

Trao đổi với Báo Giao thông, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, dịch Covid-19 tác động rất lớn đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu cũng như trong nước. Dịch bệnh làm đứt gãy về chuỗi cung ứng và đình trệ toàn bộ hoạt động thương mại quốc tế và tiêu dùng sản phẩm. Trong bối cảnh của nền kinh tế thế giới như vậy, nền kinh tế mở của Việt Nam đương nhiên sẽ chịu tác động.

“Việc điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế là cần thiết, nhưng điều chỉnh không phải để cuối năm chúng ta đánh giá hoàn thành bao nhiêu, mà quan trọng là chúng ta thay đổi để có các giải pháp điều hành kinh tế phù hợp nhất”, ông Cường nói và nhấn mạnh, khi thay đổi mức tăng trưởng GDP thì sẽ thay đổi các chỉ số cân đối vĩ mô như vấn đề bội chi, nợ công, mức độ đầu tư công…

Nêu câu chuyện điều hành xuất khẩu gạo vừa qua “giật cục, khổ cho người dân”, đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế ủng hộ việc để Quốc hội quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền, tạo điều kiện cho Chính phủ điều hành linh hoạt.

"Việc cân nhắc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là giảm bao nhiêu cần phải có dự báo, đánh giá, định lượng cụ thể, không chỉ trong năm 2020 mà cho cả nhiệm kỳ, làm nền tảng cho giai đoạn sau”, ông Sinh đề nghị.

Phát huy nội lực, “biến nguy thành cơ”

img
Để sớm vực dậy nền kinh tế, các hạ tầng thiết yếu cần được ưu tiên triển khai, vừa góp phần giải ngân vốn đầu tư công, vừa tạo động lực tăng trưởng (Trong ảnh: 17 hộ dân đầu tiên tại Đồng Nai nhận tiền đền bù GPMB xây dựng sân bay Long Thành). Ảnh: Nguyễn An

Nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM) lưu ý, trong thời điểm các nước trên thế giới vẫn đang vật lộn với dịch bệnh, thì trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải lưu tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa, đến phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế Nhà nước.

“Chúng ta từng nói đến người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam. Người Việt giờ cũng thích hàng Việt Nam có chất lượng cao. Vậy, làm thế nào để tự chủ được nguồn nguyên liệu? Việc thu hút FDI cũng vậy, cần có sự chọn lọc, cần quan tâm đến thị trường trong nước. Tất nhiên, đây là quá trình dài hạn để tái cấu trúc nền kinh tế”, ông Ngân nói.

Cho rằng “cú đập” lần này vào nền kinh tế Việt Nam là một biến ngoại sinh, một yếu tố “từ trên trời rơi xuống” chứ không phải do yếu kém nội tại, đại biểu Ngân dự báo: “Cú đập này rất nặng nề nhưng nó cũng sẽ được vực dậy rất nhanh”.

Theo ông Ngân, kinh tế vĩ mô Việt Nam được giữ ổn định trong 5 năm, lạm phát kiểm soát dưới 4%, liên tiếp trong 2 năm 2018, 2019, GDP đạt trên 7%. Do đó, việc giảm tăng trưởng ở thời điểm này vì dịch bệnh cũng là quy luật chung. Nhưng qua đợt dịch này, các quốc gia khác cũng phải nhìn lại Việt Nam với kỹ năng quản trị, khống chế dịch bệnh tốt. Đó cũng là cơ hội để Việt Nam sẵn sàng tăng tốc phát triển kinh tế sau dịch.

“Thế mạnh phát triển của Việt Nam vẫn đang là dịch vụ, du lịch, các hoạt động phòng chống dịch của Chính phủ Việt Nam với Covid-19 cũng đang được xem là điểm son trong mắt thế giới, nên mức độ quan tâm của quốc tế với Việt Nam sau thời dịch sẽ ngày càng lớn lên. Đây sẽ là cơ hội cho cho chúng ta, nhất là du lịch”, đại biểu Ngân nhận định.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay, nếu diễn biến của dịch bệnh tiếp tục phức tạp thêm, có thể làn sóng dịch bệnh lần thứ hai nhiều nước không dám mạo hiểm mở cửa nền kinh tế thì lúc đó chúng ta không thể nào dựa vào nền kinh tế bên ngoài để tăng trưởng. Khi đó, chúng ta phải dựa vào nội tại, như thu hút khách hàng nội địa, đồng thời “biến nguy thành cơ”, tìm cách xuất khẩu những mặt hàng về thiết bị y tế…

Đại biểu Cường cũng đưa ra một số giải pháp cụ thể để vực dậy sau dịch như tận dụng được cơ hội từ Hiệp định EVFTA để đưa hàng Việt Nam qua thị trường châu Âu, đặc biệt khi thị trường những nước này sẽ phải giải quyết những “vết thương” hậu Covid-19; hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, tránh tình trạng phá sản, giải thể ồ ạt bằng các giải pháp gia hạn nợ, hoãn, giãn thời gian trả nợ, giảm lãi suất vay mới, miễn giảm thời gian nộp thuế, phí, tiền thuê đất; điều chỉnh dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ cho thị trường...

Ưu tiên giải ngân 700 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công

Vấn đề tháo gỡ thể chế, vướng mắc để vực dậy kinh tế sau dịch cũng được các đại biểu chú trọng. Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh việc phải đẩy nhanh giải ngân đầu tư công với số vốn giải ngân gần 700 nghìn tỷ đồng. Theo ông Ngân, rào cản vốn nằm ở thể chế, quy trình. Tuy nhiên, Việt Nam đã có Luật Đầu tư công và các bộ, ngành sẽ sớm ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết để tháo gỡ vấn đề này.

img
ĐBQH Trần Hoàng Ngân

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng với những dự án đầu tư công liên quan đến các hạ tầng trọng yếu như sân bay, đường cao tốc thì có thể đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, rút ngắn quy trình, tận dụng thời điểm thông thoáng về vận tải để tiến hành làm ngay. “Các hạ tầng thiết yếu cần được làm sớm để khi hết dịch, khi đó những tắc nghẽn, vấn đề hạ tầng sẽ không còn là rào cản cho nền kinh tế”, ông Ngân lưu ý.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, khi Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thì chúng ta sẽ biết được cần ưu tiên cho khu vực nào để từ đó tạo động lực cho khu vực đó phát triển. Các chính sách đầu tư, ưu tiên, tháo gỡ thể chế sẽ được hướng vào các trụ cột này.

Còn đại biểu Đỗ Văn Sinh lưu ý việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng phải gắn với mục tiêu tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từ đó để chúng ta điều chỉnh các giải pháp, các ưu tiên cũng như là các nguồn lực cho phù hợp, kéo theo những ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội, chất lượng đào tạo, việc làm…

Xem xét thông qua 10 dự án luật

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV dự kiến sẽ diễn ra trong 19 ngày. Trong đó, đợt 1 là 9 ngày, từ ngày 20 - 29/5 sẽ họp trực tuyến; đợt 2 là 10 ngày, từ ngày 8 - 18/6.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét, thông qua 10 dự án Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi)

6 dự án Luật dự kiến được Quốc hội xem xét, cho ý kiến, gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi).

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước (trong đó có nội dung phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đánh giá tác động của đại dịch đến phát triển KT - XH, các giải pháp ứng phó và phương án phát triển KT - XH); Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; xem xét việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Hơn 95% kiến nghị của cử tri được giải quyết, trả lời

Dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV cho thấy, thông qua 1.396 cuộc tiếp xúc cử tri, đã tổng hợp được 2.102 kiến nghị, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, có 2.008 kiến nghị được giải quyết, trả lời cử tri, đạt tỷ lệ 95,53%.

Hầu hết các văn bản trả lời cử tri đã được Chính phủ, các bộ, ngành trả lời cặn kẽ, chi tiết, thấu đáo, có chỉ dẫn rõ văn bản, điều khoản áp dụng nên được đa số các đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Điển hình như tiếp thu kiến nghị của cử tri Hậu Giang và một số địa phương, Thủ tướng quyết định giao 1.000 tỷ đồng vốn NSNN cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, mua nhà ở xã hội; tiếp thu kiến nghị của cử tri Long An, Thủ tướng đã quyết định điều chỉnh hạn mức cho vay đối với học sinh, sinh viên từ 1.500.000 đồng/tháng lên 2.500.000 đồng/tháng…

Một số vướng mắc liên quan đến nhiều địa phương, nhiều người dân chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước, đã được xem xét, giải quyết xong tại kỳ họp này như: Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định đối với hoạt động của taxi công nghệ (Bộ GTVT); việc thống nhất giữa các bộ trong công tác quản lý, bảo trì đối với 4.700km quốc lộ đi qua 42 địa phương (phối hợp giữa Bộ Tài chính và Bộ GTVT…).

Tuy nhiên, vẫn còn một số ít văn bản trả lời chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị, chỉ trích dẫn các quy định đã có của pháp luật, hoặc dựa trên báo cáo của cấp dưới mà chưa kiểm tra hoặc tìm giải pháp để tháo gỡ do đó cử tri tiếp tục bức xúc, tiếp tục kiến nghị.

PV

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.