Xã hội

Đại biểu Quốc hội kỳ vọng gì trước phiên chất vấn?

06/11/2019, 06:21

Sáng nay, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn kéo dài 3 ngày. Ghi nhận bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đặt nhiều kỳ vọng vào phiên chất vấn.

img
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, phát triển và nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (từ trái qua) sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội

4 nhóm vấn đề cử tri rất quan tâm

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhìn nhận, phiên chất vấn sắp tới hướng vào 4 vấn đề không quá nóng, nhưng đều là những vấn đề cử tri đang rất quan tâm.

img
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

“Cử tri đang quan tâm làm thế nào để thúc đẩy phát triển về kinh tế, đồng thời cân bằng về mặt xã hội để đảm bảo phát triển hài hoà bền vững. Về kinh tế, hiện ngành nông nghiệp, công thương đều đang phải đối mặt với những thách thức khi tiến ra thị trường thế giới và đối phó với những hàng hoá bên ngoài “đội lốt” xâm lấn thị trường trong nước. Hoặc những vấn đề về truy xuất nguồn gốc hàng công nghiệp, nông sản, vấn đề xã hội xuống cấp liên quan đến hệ thống thông tin… đều được cử tri quan tâm”, ông Cường nói.

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, nhóm 4 vấn đề được ĐBQH chọn để chất vấn đều liên quan trực tiếp đến việc phát triển KTXH, đời sống người dân, nên sẽ được cử tri quan tâm.

img
Bà Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh)

ĐB Tuyết phân tích, với nhóm vấn đề của Bộ Nội vụ, cử tri sẽ quan tâm việc tinh giản biên chế, phải làm sao giảm đúng chỗ cần giảm, giảm đúng người cần giảm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, chứ không phải “cứ giảm đều như hiện nay”.

Với Bộ Thông tin và truyền thông, bà Tuyết cho rằng cử tri quan tâm đến việc các cơ quan báo chí phải trở thành kênh thông tin, tuyên truyền hiệu quả về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phải là nơi tập hợp được ý kiến phản biện, phản hồi, nguyện vọng của người dân về cơ chế, chính sách; đưa thông tin nhanh, kịp thời, chính xác cho bạn đọc.

“Đối với công thương, tôi thấy vấn đề độc quyền điện còn bất cập, ngành điện có đầu tư cho điện năng lượng mặt trời hay điện gió, nhưng việc hoà lưới điện cũng gặp khó khăn”, ĐB Tuyết cho hay.

Kỳ vọng vào những giải pháp cụ thể

Các đại biểu đều bày tỏ sự quan tâm đến những giải pháp cụ thể mà các Tư lệnh ngành sẽ đưa ra trong phiên chất vấn. ĐB Nguyễn Thị Phúc (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) cho biết, trong báo cáo Chính phủ còn tồn tại hạn chế, hoặc có những nội dung đã được chất vấn trước kia nhưng chưa thực hiện xong.

img
Bà Nguyễn Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận)

“Rất kỳ vọng các Bộ trưởng sẽ đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất. Như ở Bình Thuận, điện năng lượng mặt trời rất nhiều, tuy nhiên hệ thống truyền tải điện chưa đáp ứng yêu cầu để hoà lưới điện quốc gia nên việc phát triển khá khó khăn. Đoàn sẽ chất vấn, đề nghị Bộ trưởng Công thương chỉ đạo, tháo gỡ cụ thể”, bà Phúc nói.

Tương tự, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) cho rằng, tất cả những thông tư, nghị định của Bộ Nội vụ đặc biệt việc tham gia tư vấn ban soạn thảo Luật công chức, viên chức thì phải hướng tới mục tiêu tháo gỡ những bất cập, những vấn đề đang gây khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

“Rất tiếc hiện Bộ Nội vụ chưa có những giải pháp cụ thể. Đặc biệt có những nghị định, những thông tư do Bộ tham mưu, ban hành còn làm khó khăn hơn cho đơn vị trong việc hoàn thành nhiệm vụ. Ví dụ, quy định hiện nay thống nhất giảm biên chế trong cùng hệ thống, tuy nhiên Bộ Nội vụ vẫn bám quan điểm bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo các cơ sở đều phải là viên chức”, đại biểu Lân Hiếu bày tỏ.

img
Ông Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang)

Ông Hiếu viện dẫn, trong khi một bên cứ yêu cầu giảm bớt biên chế viên chức, công chức… nhưng lại đặt ra tiêu chuẩn phải là viên chức, công chức mới được bổ nhiệm. Hai việc này mâu thuẫn nhau.

“Điều này tôi đã nhắc rất nhiều lần từ kỳ họp trước nữa. Ngay ở trường Đại học Y Hà Nội, một tiến sỹ triết học nhiều kinh nghiệm là chủ nhiệm bộ môn triết của trường. Giờ sang Bệnh viện Đại học Y bổ nhiệm chức danh một Trưởng khoa, song tiến sỹ này chưa có bằng trung cấp chính trị nên việc bổ nhiệm đành phải gác lại. Bộ Nội vụ cần tìm cách gỡ chuyện này”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.

Còn ĐB Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, đối với lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng trả lời nhiều lần nhưng “chưa lần nào Bộ trưởng trả lời mà tôi cảm thấy vui” vì chưa có những hướng cụ thể cho ngành nông nghiệp.

“Bộ trưởng đưa rất nhiều giải pháp, nhưng đưa giải pháp đó đi vào cụ thể để làm sao người nông dân có thể sống được và làm giàu bằng nông nghiệp; để đưa nông sản của chúng ta sản xuất ra không chỉ phục vụ cho xuất khẩu mà chính người dân của chúng ta sử dụng cũng cảm thấy đảm bảo an toàn, thì vẫn chưa có”, ĐB Tuyết nhấn mạnh.

Bắt đầu từ sáng nay (6/11), Quốc hội sẽ bắt đầu phiên chất vấn kéo dài 3 ngày. Theo chương trình, các Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ lần lượt trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Sau khi các Bộ trưởng hoàn thành phần trả lời chất vấn, chiều 8/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.