Xã hội

Đại biểu Quốc hội lo ngại trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng xã hội

27/05/2020, 13:02

Mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh trẻ em bị xâm hại, trong đó phần lớn là xâm hại tình dục, được tung lên mạng xã hội.

img
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà

Nhiều đại biểu day dứt về tình trạng xâm hại trẻ em

Theo kế hoạch, Quốc hội dành cả ngày hôm nay (27/5) họp toàn thể trực tuyến để thảo luận báo cáo giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em".

Tại phiên thảo luận sáng nay, nhiều ý kiến của các đại biểu bày tỏ sự bất bình và đau xót trước những vụ việc xâm hại trẻ em diễn ra trong thời gian qua.

"Rất đau xót khi phải dẫn ra thông tin Hà Nội là địa phương đứng đầu về số trẻ em bị xâm hại dẫn đến tử vong (13 em); TP. HCM dẫn đầu về số trẻ em gái có thai do bị xâm hại tình dục (86 em)", đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam) nói.

Bà Hiền cho biết, "những nơi tưởng chừng an toàn nhất đối với trẻ em như gia đình, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội… lại là những nơi ngày càng gia tăng nguy cơ xâm hại trẻ em và chúng ta chứng kiến sự băng hoại đạo đức xã hội đến cùng cực khi những vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái không còn là cá biệt".

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) phản ánh việc nhiều bậc cha mẹ thiếu chăm sóc, quan tâm, chia sẻ về sức khoẻ tình dục với trẻ em. Khi con em bị xâm hại lại ngại khai báo kịp thời với cơ quan công an dẫn đến khó điều tra, xử lý vụ việc do để thời gian lâu nên khó giám định. Một số trường hợp gia đình tự thoả thuận với đối tượng xâm hại trẻ em.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) đề cập đến tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng xã hội. Với sự phát triển của internet, trẻ em đã sớm trở thành "công dân mạng", tham gia rất nhiều hoạt động trên mạng, hấp thụ cả những ảnh hưởng tốt và chịu chi phối cả những mặt tiêu cực trên mạng.

"Mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh trẻ em bị xâm hại, trong đó phần lớn là xâm hại tình dục, được tung lên mạng xã hội", bà Thủy nêu. Thủ đoạn mà các kẻ xấu thường sử dụng là thiết lập các phòng chat ảo, dùng nhiều thủ thuật để lôi kéo, dụ dỗ trẻ em như cùng chia sẻ vấn đề trẻ quan tâm, giả làm người cùng giới để trò chuyện…

Cần quan tâm trẻ em cùng núi và dân tộc thiểu số

Vấn đề tảo hôn cũng được các đại biểu đề cập đến trong phần thảo luận buổi sáng hôm nay.

Đại biểu Vương Ngọc Hà (Đoàn Hà Giang) đề xuất công tác tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em và tình trạng tảo hôn phải phù hợp đối với vùng núi và dân tộc thiểu số.

“Cần quan tâm đến các hình thức như tuyên truyền tại chợ phiên, tuyên truyền hình thức pano, áp phích bằng tiếng dân tộc. Việc tuyên truyền phải tạo được chuyển biến nhận thức và hành động. Với trẻ em thì phải có kỹ năng tự bảo vệ bản thân như là không đi theo người lạ, biết tìm đến người khác khi có nguy cơ bị xâm hại”, đại biểu Hà nói.

Bà Hà cũng cho rằng, với các bậc cha mẹ thì phải nhận thức được trách nhiệm của chính mình trong việc chăm sóc con cái, trong cộng đồng thì phải thấy được việc tảo hôn, kết hôn cận huyết và các vấn đề hủ tục phải được loại bỏ để đảm bảo chất lượng dân số và cuộc sống. Mỗi địa phương phải rõ chủ thể, kinh phí khi làm công tác này.

Cần tăng cường trách nhiệm của Bí thư, Trưởng thôn trong việc vận động người dân thực hiện nghiêm túc Luật phòng chống, tác hại của rượu bia.

Để xóa bỏ tình trạng tảo hôn ở vùng dân tộc thiểu số, đại biểu Vương Ngọc Hà đề xuất, những nghệ nhân dân gian không xem ngày cho những cặp tảo hôn.

“Vận động xóa bỏ tảo hôn bằng hình thức như, phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian yêu cầu họ không xem ngày cưới, không nhận làm lễ cưới khi phát hiện đó là tảo hôn, động viên người trong thôn không đi dự đám cưới tảo hôn, khi phát hiện trẻ em về chung sống thì phải có biện pháp can thiệp”, bà Hà nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng lựa chọn chiến sĩ ở cơ sở phải có trình độ, kinh nghiệm nhất là kỹ năng vận động quần chúng, phải hiểu được phong tục, tập quán của đồng bào và tham mưu hiệu quả cho chính quyền các hoạt động phòng ngừa xã hội như là giúp đồng bào phát triển kinh tế, phổ biến pháp luật, đấu tranh, phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.