Đường bộ

Đại biểu Quốc hội: Nghiên cứu hỗ trợ tín dụng cho nhà đầu tư BOT giao thông

01/11/2022, 15:08

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, bên cạnh phương án nhà nước mua lại, có thể nghiên cứu hỗ trợ tín dụng cho dự án BOT giao thông gặp vướng mắc.

Có thể hỗ trợ tín dụng, giãn nợ cho nhà đầu tư

Liên quan đến vấn đề xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT giao thông được các cấp có thẩm quyền báo cáo thời gian qua, theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, đây là việc cần phải thực hiện để đảm bảo giao thông thuận lợi cho người dân, xã hội và đảm bảo sự công bằng trong hợp tác công - tư (PPP).

img

Áp dụng chính sách hỗ trợ tín dụng, giảm gánh nặng cho nhà đầu tư 8 dự án BOT giao thông được Đại biểu Quốc hội và chuyên gia đề xuất bên cạnh phương án bố trí vốn nhà nước mua lại các dự án - Ảnh minh họa

Trong đó, có lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, tránh nguy cơ vỡ nợ và phá sản doanh nghiệp, tạo niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các dự án theo phương thức PPP vốn rất cần thiết hiện nay.

“Tôi cho rằng, cần phải đánh giá kỹ nguyên nhân dẫn đến các vướng mắc bất cập của từng dự án mà Bộ GTVT đề xuất Nhà nước mua lại. Đây là các dự án thực hiện theo hình thức PPP. Khi xem xét giải quyết cần phải xem những hạn chế của từng dự án là do đâu, trách nhiệm của bên nào.

Nếu những tồn tại do nhà đầu tư gây ra thì họ phải chịu trách nhiệm. Trái lại nếu tồn tại đến từ phía các cơ quan Nhà nước thì Nhà nước phải có trách nhiệm đứng ra xử lý”, ông Vân nhấn mạnh và gợi ý thêm, để làm được điều đó, các dự án phải được đánh giá đầy đủ ở các khía cạnh.

"Hiện nay, 8 dự án BOT đã được đưa vào khai thác, đạt được mục tiêu đầu tư. Việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và thanh toán cho nhà đầu tư là giải pháp chuyển đổi từ hình thức người sử dụng dịch vụ phải trả phí trực tiếp trong khoảng thời gian nhất định sang nhà nước trả một lần. Trình tự, thủ tục thanh toán tuân thủ quy định pháp luật nên không gây thất thoát vốn nhà nước.

Mặc dù dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án BOT không lớ so với tổng dư nợ cấp cho nền kinh tế, tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu tại các dự án BOT giao thông chiếm tỷ lệ khá lớn. Xử lý được các tồn tại sẽ giảm được nợ xấu, bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng, khơi thông nguồn vốn tín dụng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, tổ chức tín dụng tham gia các dự án PPP mới", Tờ trình của Chính phủ nêu.

Cần phải xem xét kỹ, các dự án BOT có thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký hay không, có đúng chủ trương, quy định của pháp luật không?

Trước khi cấp tín dụng, các ngân hàng cũng đã thẩm định, đánh giá tính khả thi của dự án. Các ngân hàng cũng cần có trách nhiệm chung tay xử lý các vướng mắc bất cập cho các dự án BOT này.

“Trong số 8 dự án BOT, trên cơ sở khảo sát đánh giá thực tế, cần phân loại các dự án để có phương án xử lý phù hợp.

Đối với những dự án có cơ sở chặt chẽ, vướng mắc hoàn toàn xuất phát từ phía Nhà nước thì Nhà nước có thể xem xét giải quyết bằng nhiều giải pháp bao gồm cả việc mua lại.

Những dự án khác có thể khắc phục hậu quả như cho nhà đầu tư kéo dài thời gian thai thác (thu phí). Ngoài ra, có thể áp dụng chính sách hỗ trợ tín dụng để các ngân hàng khoanh, giãn nợ cho nhà đầu tư. Đây là những giải pháp nằm trong thẩm quyền Bộ GTVT và Chính phủ và các ngân hàng”, ông Vân chia sẻ.

Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, đối với các dự án BOT đang gặp phải vướng mắc, phải xem xét lại đúng sai, nguyên nhân từ đâu. Đặc biệt là các dự án đã có ý kiến của cơ quan chức năng như: Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước,… về các vấn đề liên quan tổng mức đầu tư, phương án đặt trạm, phương án thu phí, hiệu quả đầu tư của dự án.

“Khi đã xác định rõ các yếu tố làm ảnh hưởng, các bên liên quan là: doanh nghiệp đầu tư, cơ quan có thẩm quyền hay địa phương, các Ngân hàng cho vay phải cùng ngồi lại xác định trách nhiệm và nghĩa vụ khi đã đề xuất, ký kết hợp đồng, thẩm định cho vay và phải chia sẻ rủi ro, không đẩy doanh nghiệp vào đường cùng.

Các giải pháp chính cần đảm bảo công bằng cho các bên nhưng phù hợp với thực tế và đúng theo quy định pháp luật.

Ngoài giải pháp Nhà nước bỏ tiền ra mua lại trạm, có thể nghiên cứu thực hiện các giải pháp khác như: cơ cấu lại nợ của dự án, cho kéo dài thời gian thu, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ một phần kinh phí.

Riêng với các dự án được xác định phương án tài chính không đảm bảo xuất phát từ các cam kết của Nhà nước không được thực hiện hoặc việc thu phí ảnh hưởng quá lớn đến người dân thì Nhà nước nên mua lại”, ông Chủng nêu quan điểm.

img

Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư giải pháp hỗ trợ vốn nhà nước một phần và kéo dài thời gian thu phí tại một số dự án BOT đang gặp vướng mắc - Ảnh minh họa

Tiếp tục đàm phán, kéo dài thời gian thu phí

Trước đó, ngày 11/10/2022, Chính phủ đã có tờ trình số 402 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT do Bộ GTVT quản lý.

Tại tờ trình này, Chính phủ cho biết, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tổ chức đàm phán với từng nhà đầu tư theo quy định hợp đồng và các quy định pháp luật liên quan theo nguyên tắc nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để tiếp tục thực hiện hợp đồng, tăng mức phí theo lộ trình trừ những dự án không thể thu phí.

Trường hợp vượt quá thẩm quyền hoặc không khả thi, Bộ GTVT cũng đã đề xuất giải pháp cụ thể cho từng dự án.

Cụ thể, đối với dự án xây dựng hầm Đèo Cả, kiến nghị giải pháp theo hướng không sử dụng trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án; bổ sung vốn ngân sách nhà nước khoảng 2.280 tỷ đồng để hỗ trợ nhằm đảm bảo phương án tài chính; xây dựng đề án thu phí cao tố La Sơn - Túy Loan để nộp ngân sách nhà nước.

Tại dự án xây dựng QL1 đoạn tránh TP Thanh Hóa, Bộ GTVT đã phối hợp với tỉnh Thanh Hóa và nhà đầu tư nghiên cứu phương án di dời trạm Bỉm Sơn về tuyến tránh phía Tây để hoàn vốn theo hướng nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí (bao gồm cả chi phí di dời trạm) và kéo dài thời gian thu phí. Trường hợp không thành công, phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với kinh phí dự kiến khoảng 920 tỷ đồng.

Đối với dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc, cơ quan có thẩm quyền thống nhất với đề xuất của nhà đầu tư, cho phép chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và bố trí vốn ngân sách khoảng 612 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án và hoàn trả vốn vay của UBND tỉnh Bình Dương.

Về dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, Bộ GTVT đang tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư và làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên. Trường hợp không thành công phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, dự kiến kinh phí khoảng 3.250 tỷ đồng.

Với dự án đầu tư nâng cấp QL91 đoạn Km14 - Km50+889, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với UBND TP Cần Thơ đàm phán với nhà đầu tư theo hướng nhà nước hỗ trợ một phần và kéo dài thời gian thu phí. Trường hợp phải chấm dứt hơp đồng trước thời hạn kinh phí dự kiến cần khoảng 1.879 tỷ đồng.

Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610m, nếu phương án nhà nước hỗ trợ một phần chi phí và kéo dài thời gian thu phí không thành công, số vốn ngân sách cần phải bố trí để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn dự kiến khoảng 703 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tính Thái Bình và Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng được đề xuất theo hướng bố chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với số vốn cần bố trí khoảng 2.049 tỷ đồng trong trường hợp việc đàm phán nhà nước hỗ trợ một phần chi phí và kéo dài thời gian thu phí không thành công.

“Đối với dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư theo hướng nhà nước hỗ trợ một phần và kéo dài thời gian thu phí. Trường hợp không khả thi, kinh phí dự kiến cần khoảng 1.422 tỷ đồng để thực hiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn”, tờ trình nêu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.