Sáng 7/3, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức hội thảo "Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi" đã nhận được nhiều ý kiến góp ý và thảo luận về những nội dung quan trọng trong dự thảo luật mới.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 10% đối với nước giải khát có đường. Cùng đó là việc tăng thuế TTĐB ở mức cao và theo lộ trình đột ngột.

Đề xuất lùi tăng thuế TTĐB sang năm 2028. Ảnh: Hồng Hạnh.
Có thể gây tác động lan tỏa đến 25 ngành trong nền kinh tế
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, thực trạng ngành đồ uống Việt Nam trong năm 2024 tiếp tục đối diện với nhiều thách thức, từ áp lực cạnh tranh gay gắt, sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, đến những chính sách ngày càng siết chặt về rượu bia.
Điển hình như Công ty Cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico), năm 2024, dù doanh thu tăng trưởng nhưng vẫn tiếp tục lỗ 8,4 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ 9 liên tiếp doanh nghiệp này chìm trong thua lỗ.
Do vậy, ông Mại cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm điều chỉnh loại thuế này. Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP lên 8% năm 2025 và phấn đấu hai con số từ những năm tiếp theo. Bởi những chính sách tài khóa, bao gồm chính sách thuế nội địa và thuế quan phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam (VBA) cho rằng, thời điểm 2026 chưa phù hợp để áp dụng mức thuế mới.
Ông Việt viện dẫn báo cáo đánh giá của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho thấy, năm 2024, việc áp dụng thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường sẽ có tác động lan tỏa đến 25 ngành trong nền kinh tế, dẫn đến thiệt hại cho toàn nền kinh tế khoảng 42.570 tỷ đồng, kéo theo sự sụt giảm GDP ở mức 0,448%, lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm khoảng 0,56% tương đương với 7.773 tỷ đồng.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.
Đề xuất lùi tăng thuế TTĐB sang năm 2028
Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhận định, việc áp dụng ngay mức thuế suất dự kiến 10% từ khi luật có hiệu lực (2026) ở mức cao và theo lộ trình đột ngột trong cả hai phương án của dự thảo luật có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực và cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn.
Do đó, đại diện VCCI đề xuất giãn thời gian tăng thuế này sang 2028, tức thêm hai năm so với dự kiến của Bộ Tài chính. Lộ trình này nhằm giúp doanh nghiệp có thời gian thích ứng, tránh tác động bất lợi đến thị trường, trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng cao về kinh tế.
Với mặt hàng rượu bia, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế với các mặt hàng này từ 2026 và tăng lên 100% vào 2030, nhưng VCCI kiến nghị tăng thuế TTĐB với rượu từ 20 độ trở lên theo lộ trình từ mức 65% hiện nay lên 80% vào 2032. Tương tự, mức thuế tối đa với rượu dưới 20 độ là 50% và bia tăng từ 65% hiện nay lên 80%.
Còn với nước giải khát có đường, VCCI kiến nghị, chưa đưa vào đối tượng chịu thuế TTĐB tại thời điểm này để có thêm đánh giá toàn diện. Bởi họ cho rằng thừa cân, béo phì còn có nguyên nhân từ nhiều yếu tố khác, không phải chỉ do nước ngọt.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội góp ý, có thể đánh thuế với rượu bia, thuốc lá sớm nhất từ năm 2028. Còn nước ngọt, có thể cân nhắc chỉ đánh thuế một số mặt hàng với lượng đường trên 5gram.
Ông Hiếu nhấn mạnh, bối cảnh hiện nay "đánh thêm thuế nữa thì doanh nghiệp gẫy lưng" vì chi phí của doanh nghiệp lớn hơn rất nhiều, chi phí này mang tính liên hoàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận