Xã hội

Đại biểu Quốc hội tranh luận có nên điều tra sai sót sách giáo khoa lớp 1

03/11/2020, 18:28

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc vụ sai sót sách giao khoa lớp 1.

img
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc

Chiều nay (3/11), tiếp tục phiên thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) thể hiện sự băn khoăn việc biên soạn sách giáo khoa mới lớp 1.

Đại biểu Thảo cho rằng, năm học này, mỗi nhà trường được lựa chọn các cuốn sách giáo khoa lớp 1 trong số 5 bộ sách khác nhau của Nhà xuất bản Giáo dục và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. Mỗi bộ sách gồm từ 9 đến 10 cuốn với giá thành từ 180.000 - 200.000 đồng/bộ.

"Dù giá thành cao hơn so với những năm trước nhưng vẫn trong phạm vi có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, một số nơi đã xảy ra tình trạng bắt các em học sinh mua thêm sách tham khảo. Cá biệt có những phụ huynh đã phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua sách giáo khoa lớp 1 cho con cùng với các sách tham khảo", đại biểu Thảo nêu thực tế.

Bên cạnh đó, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều, theo đại biểu Phương Thảo là có sự thiếu trong sáng về ngôn ngữ, thiếu hệ thống logic và chưa khai thác được kho tàng văn hóa dân gian của Việt Nam. Điều này dẫn tới giáo viên phải vừa dạy vừa điều chỉnh.

"Những tồn tại này chỉ đến khi chính thức đi vào sử dụng thì mới bộc lộ và không được phát hiện sớm hơn từ quá trình biên soạn, thẩm định hay quá trình phê duyệt để ban hành. Là đại biểu đang công tác ngành giáo dục, bản thân tôi cảm thấy rất tiếc về sự cố này, mặc dù Bộ GD&ĐT khẳng định phê duyệt sách là đúng quy định. Chúng ta cần phải làm rõ có hay không tình trạng sai sót ở đây và nếu có sai đâu, thuộc cuốn nào, bộ sách nào và trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả thuộc về ai?", đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nêu vấn đề.

Theo đại biểu Thảo khi thu hồi sách giáo khoa để chỉnh sửa, đặc biệt là có phạm vi lớn không còn là nội bộ ngành giáo dục, có đối tượng chịu tác động rất rộng từ học sinh, giáo viên đến phụ huynh, các nhà trường tại các địa phương và kéo theo sự vào cuộc của nhiều cơ quan.

"Để khắc phục dự kiến sẽ tốn kém nhiều tiền của, gây ảnh hưởng đến việc sử dụng tài sản cá nhân, tổ chức, đến tài sản của Nhà nước. Vì vậy, để tránh làm tăng bức xúc trong nhân dân, tôi đề nghị cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, phải tăng tiến độ điều tra, đưa ra xét xử, truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi in ấn trái phép, làm giả sách giáo khoa, sách tham khảo, quyền tác giả, quyền xuất bản của từng bộ sách", bà Thảo nhấn mạnh.

img
Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định)

Không đến mức hình sự

Sau ý kiến đại biểu Thảo, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) đã phát biểu tranh luận.

“Đây là năm đầu tiên chúng ta thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây cũng là năm đầu tiên chúng ta học chương trình lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc biên soạn sách giáo khoa là vấn đề rất lớn, có thể nói ngành giáo dục đã hết sức cố gắng nhưng có một số thiếu sót không thể tránh khỏi. Nhưng đây không phải sai sót ở mức độ nghiêm trọng, tới mức cần phải chuyển cơ quan điều tra, hình sự hoá việc sai sót này”, ông Phương cho biết.

Cũng theo đại biểu đoàn Ninh Bình, những thiếu sót trong sách giáo khoa chỉ là chưa thật sự phù hợp, những việc này có thể điều chỉnh, bổ sung được trong những lần tái bản tiếp theo.

“Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các địa phương, khi giảng bài ở những bài có liên quan tới những ngữ liệu này thì cần có điều chỉnh cho phù hợp. Chúng ta không nên hiểu vấn đề sai phạm gì chuyển đến cơ quan điều tra, nhân dân băn khoăn, suy nghĩ không tốt cho giáo dục”, ông Phương nói.

Bộ GD&ĐT sẽ hành tổng kết, rút kinh nghiệm

Giải trình ý kiến của một số đại biểu quan tâm về chương trình sách giáo khoa lớp 1, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã chỉ đạo tất cả các nhà xuất bản các bộ sách đều phải rà soát lại việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa.

Kinh nghiệm từ các bộ sách trước cũng như kinh nghiệm của thế giới thì sách giáo khoa được chỉnh sửa, bổ sung thường xuyên chứ không phải ban hành xong là xong. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, sau 1 năm ban hành, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của người dạy và học, Bộ sẽ tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện sách giáo khoa.

Về ý kiến cho rằng giá thành sách giáo khoa lớp 1 còn cao, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết bộ sách được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, không được trợ cấp về biên soạn nên chi phí biên soạn cũng được tính trong giá thành sách.

Còn về thông tin học sinh bị ép mua sách tham khảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã chỉ đạo không được ép học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, thời gian qua có một số nhà trường chưa thực hiện nghiêm vấn đề này. Bộ đã phối hợp cùng với các địa phương tổ chức thanh tra, chấn chỉnh và tiếp tục hoàn thiện chế tài theo hướng quản lý chặt chẽ sách tham khảo

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.