Xã hội

Đại biểu QH: Cần tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng dang dở

27/10/2022, 16:00

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang để hạn chế nợ công.

Nhà đầu tư trong nước có thể mua công nghệ để làm đường sắt đô thị

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội chiều 27/10, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng "không nên say sưa với thành công", mà cần nhìn thẳng vào nguy cơ, thách thức.

Ông Cường nhấn mạnh việc cần tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang, hạn chế khởi công mới. Đặc biệt là dành một phần vốn đầu tư công để đặt hàng, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh làm trụ cột cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

img

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

"Việt Nam không thể đi vay tiền để thuê các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng các tuyến đường sắt đô thị riêng lẻ và để lại hậu quả không đồng bộ, thiếu kết nối. Nếu Chính phủ ưu tiên đặt hàng cho các nhà đầu tư trong nước sẽ xây dựng một nền công nghiệp đường sắt độc lập, hiện đại", ông Cường nói.

Đồng thời, ông nhấn mạnh khủng hoảng kinh tế sẽ đặt ra khó khăn với doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất công nghiệp nặng. Trong khó khăn, nhiều tập đoàn kinh tế lớn ra đời nhờ đặt hàng của Chính phủ, giải pháp này giúp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế tự chủ.

Đại biểu Cường cũng cho rằng, cần tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang để hạn chế nợ công, hạn chế khởi công mới, dành một phần đầu tư công để đặt hàng, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển một số ngành trụ cột cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

"Trong đó, có 3 lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng là đường sắt, vận tải biển, công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số quốc gia", ông Cường đề xuất.

Đề xuất thu phí trở lại cao tốc TP. HCM - Trung Lương

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Quốc Quân (đoàn Long An) cũng dành nhiều quan tâm đến vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông.

Đại biểu Quân cho biết, tỉnh Long An có vị trí đặc biệt, là cửa ngõ nối liền giữa các tỉnh miền Đông với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), toàn bộ hệ thống giao thông đường bộ về khu vực ĐBSCL phải đi qua tỉnh Long An, nên áp lực giao thông là rất lớn.

img

Đại biểu Trần Quốc Quân (đoàn Long An)

Tuy nhiên, hiện nay nhiều dự án giao thông quan trọng giúp tăng cường kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng như dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 62, quốc lộ N2 triển khai còn chậm chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Về dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, đại biểu Quân đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ thi công do thời gian thi công đã kéo dài trên 8 năm gây lãng phí về vốn, đầu tư và lãng phí lớn nhất chính là cơ hội phát triển kinh tế xã hội của cả 2 vùng ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ.

Đối với dự án cao tốc TP. HCM - Cần Thơ, cần sớm đầu tư hoàn thành dự án cao tốc này, nhất là đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 để đảm bảo khai thác đồng bộ với đoạn cao tốc TP. HCM - Trung Lương, do hiện nay đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 mới có 4 làn xe cao tốc, không có 2 làn dừng khẩn cấp, tạo nút thắt cổ chai trong kết nối từ TP. HCM đến TP. Cần Thơ để đi các tỉnh trong vùng ĐBSCL.

"Đồng thời, nghiên cứu cho thu phí lại đối với đoạn cao tốc TP. HCM - Trung Lương nhằm để có nguồn lực để duy tu, đầu tư nâng cấp mở rộng đối với đoạn cao tốc này trong thời gian sắp tới", đại biểu Quân đề nghị.

Đối với dự án đường Hồ Chí Minh, đại biểu Quân đề nghị Chính phủ sớm bố trí nguồn vốn giải phóng mặt bằng để đưa vào thi công đoạn Chơn Thành - Đức Hoà theo đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội. Dự án này đã kéo dài trên 10 năm và hiện còn 211 hộ dân đã có quyết định thu hồi đất, bàn giao mặt bằng nhưng vẫn chưa được nhận tiền bồi thường, trong số này có nhiều hộ dân phải đi vay tiền ngân hàng để di dời khỏi phạm vi GPMB.

Đối với dự án QL62, đề nghị Chính phủ sớm quan tâm đầu tư, nâng cấp mở rộng bởi hiện nay đã xuống cấp rất nghiêm trọng, mặt đường hư hỏng, nhỏ hẹp không đáp ứng được nhu cầu giao thông, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết.img

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị)

Thành phố lớn thường xuyên ngập lụt, trách nhiệm của ai?

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho biết, hiện cử tri và nhân dân rất quan tâm đến vấn đề sạt lở, lũ lụt, lũ quét vùng miền núi, xói lở bờ sông, bờ biển, nước triều dâng thường xuyên đạt đỉnh, gần đây những thành phố lớn được đầu tư hiện đại đều lần lượt bất ngờ xuất hiện ngập lụt lớn.

"Vậy đâu là nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp nào cho vấn nạn này?", đại biểu Thắng nêu vấn đề.

Từ đó, đại biẻu đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá đầy đủ hơn tình hình triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, tổ chức thực hiện đồng bộ bằng tổng thể giải pháp căn cơ, chiến lược, mạnh mẽ, bài bản và quyết liệt hơn.

Trước mắt, cần tập trung nguồn lực giải quyết cho được bài toán về chống ngập lụt tại các đô thị, xói lở, sạt lở ở vùng miền núi, vùng ven biển, ven sông. Trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, vùng, địa phương tới đây nhất thiết phải đặt trọng tâm nhiệm vụ phát triển đi đôi với thích ứng biến đổi khí hậu, với dự báo tầm nhìn dài hạn và xem đây chính là động lực cho sự tăng trưởng.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ rõ, tình hình cháy nổ, hỏa hoạn diễn biến phức tạp với tần suất gia tăng. Nguyên nhân của các vụ cháy ngoài ý thức trách nhiệm của các chủ cơ sở, sự bất cẩn của người dân, thì còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chuyên trách quản lý về phòng cháy, chữa cháy.

"Có hay không tiêu cực, xuề xoà trong kiểm tra, thanh tra, cấp phép an toàn về phòng tránh cháy, nổ?", đại biểu Thắng đặt câu hỏi

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.