Thế giới

Đại dịch Covid-19 đang thử thách quan hệ Nga - Trung như thế nào?

20/05/2020, 07:53

Quan hệ giữa Nga - Trung có thực sự bền vững hay không còn phải chờ qua những thử thách lớn như đại dịch Covid-19 lần này.

img
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết duy trì một mặt trận thống nhất trong cuộc chiến Covid-19 trong ba cuộc điện đàm từ đầu tháng 3.

Vài năm trở lại đây, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc ngày càng ấm nóng, thân thiết nhưng có thực sự bền vững hay không còn phải chờ qua những thử thách lớn, điển hình như đại dịch Covid-19 lần này.

Nga đang tiến gần Mỹ?

Hiện tại, Moscow và Bắc Kinh đã hứa hẹn cùng chiến đấu chống đại dịch và Nga cũng nhiều lần lên tiếng chỉ trích Mỹ vì những động thái đổ lỗi cho Bắc Kinh. Nhưng, tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp tại Nga đe dọa ảnh hưởng tới những nỗ lực của Trung Quốc ngăn chặn đại dịch lây lan, đặc biệt tại tỉnh biên giới Hắc Long Giang.

Dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực hiện 3 cuộc đàm thoại kể từ tháng 3, cam kết duy trì một mặt trận thống nhất chống Covid-19 nhưng một số nhà quan sát cho rằng, Nga lại đang tiến gần Mỹ hơn. Dẫn chứng là ông Putin đã 6 lần trao đổi với ông Trump trong cùng kỳ.

Hai lãnh đạo Mỹ - Nga đã ra thông báo ngày 26/4 để kỷ niệm 75 năm ngày diễn ra cuộc họp đầu tiên giữa đội quân của Mỹ và Xô Viết trong chiến tranh thế giới thứ II bên bờ Elbe. Thông báo cho biết, “Tinh thần Elbe” là “ví dụ cho cách hai quốc gia gạt bỏ những khác biệt sang một bên, xây dựng niềm tin và hợp tác để theo đuổi đại cuộc”.

“Khi chúng ta phối hợp để giải quyết những thách thức quan trọng nhất trong thế kỷ thứ 21, có nghĩa là chúng ta đang tưởng nhớ tới sự dũng cảm cũng như kiên cường đối với tất cả những người đã cùng chiến đấu chống chủ nghĩa Phát-xít”, thông báo viết. Một số nhà quan sát coi đây là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đang ấm trở lại.

Ông Shi Yinhong, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân, Trung Quốc nhận định: “Thông báo ngày 26/4 có nghĩa là Nga và Mỹ vẫn có thể hợp tác với nhau. Trong khi quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ chuyển biến xấu thì quan hệ cá nhân giữa ông Putin và ông Trump lại vững vàng”.

Ông Shi nói thêm, đại dịch Covid-19 (đã khiến hơn 2.000 người Nga tử vong) sẽ phủ bóng lên quan hệ giữa Trung Quốc và Nga, một phần vì Nga sớm đóng cửa biên giới với Trung Quốc vào cuối tháng 1 bất chấp sự phản đối từ Bắc Kinh, bởi nó gây ra nhiều vấn đề cho người dân Trung Quốc tại Nga.

Vẫn có cơ hội để Bắc Kinh siết chặt quan hệ với Moscow

Theo ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, cơ quan cố vấn chính sách đối ngoại, dù đại dịch khiến quan hệ giữa hai nước căng thẳng nhưng đến nay, cả hai đều đã vượt qua bài thử nghiệm.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng cho biết, trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập vào ngày 16/4, ông Putin khẳng định, Nga phản đối mọi chỉ trích liên quan tới Trung Quốc về đại dịch. Cả hai quốc gia đều không nhắc tới tên nước thứ 3 nhưng gần như ai cũng hiểu đó là Mỹ.

Trong cuộc điện đàm khác ngày 8/5, ông Tập so sánh những nỗ lực chống virus với cuộc chiến chống chủ nghĩa Phát-xít trong Chiến tranh thế giới thứ II. Trung Quốc cũng gửi các đội y tế cũng như hàng hóa tới Nga.

Một số nhà quan sát cảnh báo, hoạt động xuất khẩu dầu của Nga đối với Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng sau khi một công ty đang làm việc cho Gazprom (nhà sản xuất khí đốt lớn nhất của Nga) cho biết sẽ dừng một số hoạt động tại mỏ khí đốt ở Siberia, nơi chuyên cung cấp nhiên liệu cho Trung Quốc. Nguyên nhân là một lượng nhân công ở đây bị nhiễm Covid-19.

Dù vậy, ông Alexander Gabuev, nhà nghiên cứu sinh cấp cao tại Trung tâm Carnegie Moscow lại cho rằng, chính cuộc khủng hoảng đó cho phép Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng và nỗ lực khôi phục nền kinh tế của nước này có thể làm tăng nhu cầu mua năng lượng từ Nga.

Thực tế, kim ngạch nhập khẩu dầu thô trong tháng 3 của Trung Quốc từ nhà cung cấp hàng đầu của Saudi Arabia đã giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượng mua sắm từ nhà cung cấp của Nga lại tăng 31%, theo Reuters. Đầu năm nay, Gazprom cho biết, họ vẫn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc theo kế hoạch.

Nói về khí đốt và dầu mỏ (những mặt hàng quan trọng nhất đối với Nga), Trung Quốc đang ở vị trí thuận lợi để có thể chọn giảm khối lượng mua sắm dầu mỏ từ vùng Vịnh hoặc Mỹ-Latinh. “Các nước khác tại vùng Vịnh đều là những đồng minh của Mỹ nên họ chịu ảnh hưởng lớn từ nước này. Nếu Trung Quốc muốn biến khủng hoảng thành cơ hội và giữ một số tài sản quan trọng, Nga và Trung Á sẽ là con đường tự nhiên nhất cho họ. Tôi dự đoán, đó sẽ là xu hướng chủ đạo trong năm 2020”, ông Alexander Gabuev nói thêm.

Ông Li Lifan, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải cho biết, nhu cầu đối với năng lượng của Trung Quốc vẫn ở mức cao và Nga đang là nhà cung cấp năng lượng ổn định nhất. “Trong quý đầu, thương mại song phương có thể bị ảnh hưởng do đại dịch cũng như vì một số cáo buộc cho rằng Cảnh sát Moscow đã sử dụng bạo lực, bắt giữ công dân Trung Quốc vô cớ, gây bức xúc trên mạng xã hội, nhưng tôi nghĩ, những yếu tố này chỉ có thể gây “xây xát nhỏ” chứ khó có thể khiến quan hệ song phương chệch hướng”, ông Li Lifan nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.