Góc nhìn

Đại dịch Fake news khuynh đảo toàn cầu

21/06/2018, 08:23

Theo các báo cáo đánh giá mới nhất của Hiệp hội Các nhà báo châu Âu, trong vòng 20 tháng qua, “tin giả”...

25

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin là những nạn nhân của đại dịch tin giả

Theo các báo cáo đánh giá mới nhất của Hiệp hội Các nhà báo châu Âu, trong vòng 20 tháng qua, “tin giả” (Fake news) là cụm từ được cánh báo chí, giới chức và cộng đồng dư luận nhắc đến nhiều nhất. Thực tế, vấn nạn tin giả đã trở thành một “đại dịch” bởi nó không chỉ nhằm vào một cá nhân, tổ chức hay quốc gia đơn lẻ mà đã có tác động trên quy mô toàn cầu, gây phương hại cho lợi ích quốc gia, trật tự thế giới.

Tin giả được viết, xuất bản với chủ đích rất rõ ràng

Năm 2017, Fake news đứng ở top đầu trong danh sách “những từ được dùng nhiều nhất tại Mỹ”. Tin giả thậm chí có thể có mặt ngay trên báo in, báo điện tử, truyền hình chính thống hoặc lan tỏa trên các phương tiện truyền thông không kiểm duyệt và các mạng xã hội với cấp độ nhanh.

Điển hình là, cuối năm 2016, khi nước Mỹ tiến hành bầu cử Tổng thống, những tin tức giả mạo liên tục xuất hiện trên các mạng xã hội, đáng kể nhất là Facebook với vô vàn những tài khoản lạ được lập ra để nhằm hạ bệ uy tín của hai ứng viên sáng giá nhất bên đảng Dân chủ (bà Hillary Clinton) và đảng Cộng hòa (ông Donald Trump).

Các tài khoản không rõ ai là chủ này có xuất xứ hải ngoại, đã lợi dụng chính sách quảng cáo trả tiền của Facebook để tiến hành các chiến dịch lan truyền fake new nhằm đánh vào uy tín, danh dự và cuộc sống riêng tư của các ứng cử viên với mục đích chính trị là lung lạc ý chí cử tri trước khi họ đi bỏ phiếu.

Trong những ngày nước rút, trên mạng xã hội xuất hiện vô vàn các tài khoản, đăng tải những thông tin nhằm bôi xấu ứng viên cựu Ngoại trưởng Mỹ. Chẳng hạn như các bản tin dẫn đến các đường link không thể kiểm chứng nói bà Hillary Clinton đã chết, hiện nay chỉ là một con robot hình nhân hoặc sức khỏe của ứng viên đảng Dân Chủ không đủ để làm tổng thống do mắc bệnh nan y.

Có những bài viết trên một số tờ báo nổi tiếng của Mỹ cũng từng nêu nhận định của giới chuyên gia nói ông Trump bị tâm thần, trốn thuế, là “con rối của Tổng thống Nga Putin” hay không có nhiều người tới tham gia lễ nhậm chức bằng những người tiền nhiệm... Với ông Trump, tất cả chúng đều là “Fake news” và nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã lần lượt chứng minh các nhận định bôi xấu ông đều không đúng sự thật.

Ranh giới giữa thật và giả trong các bản tin của báo chí Mỹ cũng đã châm ngòi cho một cuộc chiến vẫn đang âm ỉ giữa ông chủ Nhà Trắng và rất nhiều đài truyền hình, tòa soạn ở Hoa Kỳ hiện nay. Không chỉ có vậy, trên bình diện quốc gia, Nga - Mỹ cũng chưa chấm dứt căng thẳng liên quan đến những cáo buộc nói Moscow can thiệp bầu cử Mỹ bằng các chiến dịch... tin giả.

Tại nước Nga, trước cuộc bầu cử quốc gia vào tháng 3/2018 khoảng 1 năm, Tổng thống Putin đã trở thành  mục tiêu của rất nhiều tin đồn giật gân như: Sở hữu khối tài sản hơn 200 tỷ USD; Tổng thống Putin là robot máy; cuộc sống với người tình trẻ của Putin sau khi li dị vợ cũ....

Ở Ấn Độ và nhiều nước khác ở châu Á, Trung Đông, châu Phi, tin tức giả mạo thường nhắm vào chủ đề tôn giáo với ý đồ chính trị. Những tin tức sai sự thật được tạo ra với chủ ý tạo mâu thuẫn trong các cộng đồng tôn giáo khác nhau.

Hậu quả của vấn nạn tin giả trong lĩnh vực tôn giáo, sắc tộc là rất nguy hiểm bởi từ những bản tin, bài báo giả, những cộng đồng tôn giáo có thể thù ghét, xung đột, chiến tranh với nhau, từ đó tạo ra những khu vực bất ổn quy mô lớn. Cuộc xung đột giữa Israel và thế giới Ả rập kéo dài hàng chục năm qua, mà trong đó có phần trách nhiệm của giới truyền thông là một trong những bài học rất lớn mà thế giới cần lưu tâm.

Chính quyền các nước ra tay

Tại Đông Nam Á, Singapore đã nêu cao các cảnh báo về nạn tin giả, Quốc hội nước này hồi tháng 1/2018 đã bỏ ra 50 giờ họp bàn về vấn đề này. Cụ thể, Quốc hội Singapore đã bàn về Luật Chống tin giả trên mạng Internet vì quốc gia này đã cảm nhận được hậu quả nguy hiểm của vấn nạn.

Theo Quốc hội Singapore, chiến dịch chống tin giả có thể liên quan trực tiếp đến các hoạt động hợp tác với các nhà cung cấp nền tảng trực tuyến để theo dõi, gỡ bỏ các tin giả khi cần, cũng như có các động thái hình sự với thủ phạm phao tin.

Singapore đã thành lập một Ủy ban đặc biệt gồm 10 thành viên để nghiên cứu cách thức chống lại những đối tượng truyền bá thông tin sai lệch một cách cố ý có hiệu quả nhất, đặc biệt là trong các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý. Singapore nêu quan ngại rằng, một vài nhân tố nước ngoài mong muốn làm mất ổn định ở Singapore.

Ở Philippines, đích thân Tổng thống Rodrigo Duterte cũng đã có những hành động mạnh tay đối với những tờ báo thuộc sở hữu của nước ngoài cũng như các trang mạng xã hội trên Facebook, những tổ chức mà nhà lãnh đạo Philippines cho là chuyên phao và lan truyền tin giả chống lại chính quyền.

Clarissa David, một giáo sư truyền thông đại chúng tại Đại học Philippines đã ra điều trần trước Thượng viện về sự nguy hại của môi trường thông tin mà bà miêu tả là ô nhiễm, mà không ai dám chắc cái gì là thật và đáng tin, và cái gì là giả. Trong bối cảnh đó, chính quyền, đặc biệt là cộng đồng những người ủng hộ ông Duterte đã chủ động lật tẩy, đấu tranh với những tin tức giả thông qua việc sử dụng chính các công cụ như Facebook và các trang mạng xã hội khác.

Đầu tháng 4, chính quyền Malaysia đã hình sự hóa tội tung tin giả trên mạng. Theo đó, các đối tượng cố ý tung tin giả có thể bị phạt tù tới 6 năm.

Phạm vi áp dụng luật mới rất rộng, gồm cả ấn bản số và truyền thông xã hội. Đối tượng tung tin giả có thể sống tại Malaysia hoặc quốc gia khác, gồm cả người nước ngoài nếu hậu quả ảnh hưởng tới Malaysia hoặc công dân nước này.

Trong khi đó, Nga thường khuyến cáo các công dân của mình hạn chế sử dụng các mạng xã hội của nước ngoài để không bị ảnh hưởng bởi các thông tin xấu, độc, không thể kiểm chứng. Trung Quốc thì không cho phép bất cứ mạng xã hội nào của nước ngoài được hoạt động, thay vào đó, Bắc Kinh hối thúc các công ty công nghệ của nước này sáng tạo và đưa vào sử dụng các mạng xã hội riêng vừa để kiểm soát an ninh mạng vừa coi đó là biện pháp hạn chế tin giả.

Với nước Mỹ, dưới sức ép của chính quyền và dư luận, một số ông chủ của các công nghệ lớn, điển hình là Giám đốc điều hành của mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook cũng đã phải ra điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ, cam kết hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra về những chiến dịch tung tin giả từ nước ngoài trong đó có sử dụng dịch vụ quảng cáo có trả tiền và những dữ liệu người dùng mà Facebook đã cung cấp cho một công ty thứ 3 ở châu Âu trong chiến dịch tranh cử Tổng thống cuối năm 2016.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.