Kinh tế

Đại gia bỏ siêu xe, "chơi" cần cẩu "khủng" 1.200 tấn

15/07/2015, 07:27

Đại gia Nguyễn Tăng Cường không có thú chơi siêu xe mà toàn thích hàng khủng như chiếc cần cẩu 1.200 tấn...

3
Ông Nguyễn Tăng Cường bên cạnh khuôn đúc cột đèn chiếu sáng.

Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung chế tạo cần cẩu 1.200 tấn hoàn thành nhiệm vụ đặt chính xác những chiếc rô-to nghìn tấn vào từng tổ máy Nhà máy Thủy điện Sơn La. Và mới đây, chiếc cần cẩu đặc biệt này lại ngược dòng Tây Bắc tới Nhà máy Thủy điện Lai Châu.

Gian nan giữa dòng

Ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung, cho biết, hiện thế giới chỉ có một số nước sản xuất được cần cẩu đặc chủng nặng trên 1.000 tấn, và thường sản xuất theo đơn đặt hàng. Vì vậy, hầu hết các công trình xây dựng lớn trong nước đều phải đặt hàng thiết kế, chế tạo từ nước ngoài, vừa đắt đỏ đặt hàng đơn chiếc, vừa mỏi mòn chờ đợi thủ tục nhập về Việt Nam. Ngoài ra, còn tốn chi phí vận chuyển với thiết bị ngoại cỡ vì không đúng các quy chuẩn của tàu khi về Việt Nam. Thêm vào đó, khâu vận chuyển từ cảng lên công trình không phải ai cũng làm được. Là một trong những doanh nghiệp cơ khí hàng đầu trong nước, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung đã được Nhà máy Thủy điện Lai Châu đặt hàng sản xuất chiếc cần cẩu có sức nâng 1.200 tấn, cùng 1 cẩu 250 tấn và 1 cẩu chân dê kép tích hợp nhiều tính năng có sức nâng 260 tấn.

Trước khi bắt tay vào chế tạo sản phẩm cẩu trục có sức nâng lớn, Cơ khí Quang Trung đã nghiên cứu, chế tạo các loại cần cẩu có sức nâng từ vài chục đến 500 tấn nhằm phục vụ nhiều ngành công nghiệp chủ lực như hóa chất, điện lực, đóng tàu… Đặc biệt, Cơ khí Quang Trung đã ứng dụng 5 giải pháp khoa học công nghệ, tiêu chuẩn hóa tất cả các chi tiết cần cẩu. Tháng 3/2015, Cơ khí Quang Trung chế tạo xong chiếc cần cẩu 1.200 tấn cho Thủy điện Lai Châu, với tỷ lệ nội địa hóa lên tới 90%. Tuy nhiên, việc vận chuyển chiếc cần cẩu khổng lồ từ xưởng chế tạo tại Ninh Bình và Quảng Ninh đến Nhà máy Thủy điện Lai Châu là một thách thức lớn. Tổng khối lượng của những chiếc cần cẩu lên tới gần 2.000 tấn, siêu trường, siêu trọng; hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy thông thường đều không đáp ứng được. Nhiều cuộc họp được tổ chức, nhiều phương án của các ngành chức năng được bàn bạc, nhưng đều rơi vào bế tắc.

1
Chiếc cần cẩu lắp đặt tại Nhà máy Thủy điện Sơn La do Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung chế tạo. Ảnh: Anh Hoàng

Sau nhiều ngày đêm trăn trở, tính toán, ông Cường lên phương án vận chuyển cần cẩu bằng đường thủy. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng không được nhiều người ủng hộ do phải chuyển tải qua hai đập thủy điện lớn là Hòa Bình và Sơn La. Trường hợp sơ suất dẫn tới vỡ đập sẽ liên quan cuộc sống, sinh mạng của 28 triệu dân vùng hạ lưu. Vì thế, ông Cường đã phải tính toán kỹ đường đi nước bước và sẵn sàng đánh đổi cả sự nghiệp, tài sản, thương hiệu để bảo vệ phương án trên. Ông Cường đã đề xuất giải pháp bơm ni-tơ vào trong thân của cần cẩu và thả nổi trên sông. Tuy nhiên, đề xuất trên đã không được chấp thuận vì lo ngại nước sẽ ngấm vào thiết bị, ảnh hưởng chất lượng máy móc. Vì thế, Ban chỉ đạo chỉ chấp nhận phương án đặt cần cẩu trên thiết bị vận chuyển. Thật không may, khi đến khu vực cầu Chương Dương, Hà Nội, mực nước sông Hồng chỉ còn 80cm và gần 2.000 tấn thiết bị mắc cạn giữa dòng.

Nếu chiếc cần cẩu đến Nhà máy Thủy điện Lai Châu chậm 10 ngày, cả công trình sẽ chậm tiến độ một năm vì rơi vào đúng mùa cạn. Với công trình Thủy điện Lai Châu có vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, chậm tiến độ một năm đồng nghĩa với thiệt hại trên 3.500 tỷ đồng tiền lãi suất ngân hàng. Lúc đó, Ban quản lý Thủy điện Lai Châu nhanh chóng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xả hết công suất của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, nhưng mực nước chỉ dâng lên được 20cm và các tàu vẫn nằm bất động giữa dòng.

Ông Cường mạnh dạn đưa ra giải pháp táo bạo, đẩy toàn bộ thiết bị xuống nước. Trước khi đẩy xuống nước, ông Cường cho bơm ni-tơ lỏng vào bên trong thân cẩu, tính toán độ rơi va đập với nước và cát sao cho chất lượng thiết bị không bị ảnh hưởng. Ban chỉ đạo đồng ý. Chỉ trong thời gian ngắn, chiếc cần cẩu nghìn tấn đã lên tới chân đập Thủy điện Hòa Bình. Ông Cường tiếp tục chỉ đạo đội ngũ công nhân sử dụng thiết bị bốc dỡ, vận chuyển công suất lớn để “vắt” cần cẩu qua đập. Sang phía thượng lưu, cần cẩu lại được bơm ni-tơ và dùng nhiều tàu nhỏ để kéo lên đập Thủy điện Sơn La… Cứ như thế, chiếc cần cẩu nghìn tấn đã có mặt tại công trường Thủy điện Lai Châu.

Ông Cường cho biết, việc vận chuyển chiếc cần cẩu 1.200 tấn từ xưởng chế tạo ở Uông Bí (Quảng Ninh) lên Nhà máy Thủy điện Lai Châu khó hơn gấp bội so với việc đưa lên Nhà máy Thủy điện Sơn La. Địa hình hiểm trở, chặng đường dài. Vì thế, đội ngũ công nhân Cơ khí Quang Trung phải nỗ lực làm việc ngày đêm ròng rã hai tháng trời mới hoàn thành.

Liên tục được tôn vinh

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Thái Phụng Nê, Phái viên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nói rằng, các sản phẩm do Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung chế tạo đều đảm bảo tiêu chuẩn, an toàn và chất lượng, đáp ứng tiến độ cho công trình, chủ động về thời gian, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước, đặc biệt là phát huy được nội lực sản xuất trong nước.

2
Chiếc cần cẩu 1.200 tấn tại Nhà máy Thủy điện Lai Châu do Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung chế tạo. Ảnh: Sơn Bình

Ông Phạm Hồng Phương, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Lai Châu, cho biết, sau hai tháng ròng được vận chuyển bằng đường thủy, “vắt” qua hai con đập lớn của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và Sơn La, chiếc cần cẩu nặng 1.200 tấn không có một chi tiết nào bị cong vênh, trầy xước. Ông Phương nhấn mạnh, việc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung chế tạo thành công cần cẩu siêu trường, siêu trọng, giá thấp ở trong nước sẽ giúp Nhà máy Thủy điện Lai Châu chủ động trong mọi tình huống và đẩy nhanh tiến độ so với kế hoạch. Ông Phương nói, đến nay, công trình Thủy điện Lai Châu đã nội địa hóa được 17.000/40.000 tấn linh kiện cơ khí. Với năng lực sản xuất như Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung hiện nay, Nhà nước cần quan tâm đầu tư hơn nữa để giúp các doanh nghiệp cơ khí phát huy thế mạnh, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Làm được việc này sẽ giúp đất nước giảm nhập siêu, giúp nhà đầu tư chủ động trong quá trình thi công các công trình thủy điện, nhiệt điện.

Với những thành tích nổi bật trong lĩnh vực cơ khí, năm 2000, ông Nguyễn Tăng Cường vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Năm 2006, ông là một trong 100 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Năm 2007, ông được trao Huân chương Lao động Hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng 3. Ông còn vinh dự được nhận giải thưởng Bạch Thái Bưởi, giải thưởng Sao vàng đất Việt, giải thưởng VIFOTEC và hàng trăm bằng khen của các bộ, ngành…

Đặc biệt, tháng 2/2012, ông Cường vinh dự được Nhà nước trao tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh: Ứng dụng 5 giải pháp khoa học công nghệ để chế tạo các loại thiết bị nâng hạ tại Việt Nam”. Đến nay, ông là người đầu tiên và duy nhất nhận được giải thưởng này trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật thiết kế, chế tạo cần cẩu.

Năm 2010, Xí nghiệp Quang Trung trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn với gần 1.200 cán bộ, công nhân, trong đó 26% có trình độ đại học và kỹ sư; 36% là công nhân bậc cao; còn lại là thợ từ bậc 3/7 trở lên.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.