Quản lý

Đại học GTVT đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 3

18/11/2020, 15:39

Đại học GTVT được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 3 nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập.

img
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Nhà nước tặng thưởng cho trường Đại học GTVT

Phấn đấu trở thành trọng điểm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Sáng nay (18/11), trường Đại học Giao thông Vận tải tổ chức kỷ niệm 75 năm thành lập trường (15/11/1945 - 15/11/2020) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây là lần thứ 3 nhà trường đón nhận danh hiệu cao quý này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan, ban ngành đã đến dự và chúc mừng nhà trường.

Trao Huân Lao động hạng Nhất của Nhà nước khen tặng cho trường Đại học GTVT, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận và biểu dương những thành tích nhà trường đã đạt được trong 75 năm xây dựng và trưởng thành, đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo nói riêng, xây dựng đất nước nói chung.

Thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị trường Đại học GTVT tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để hướng tới mục tiêu mô hình đại học đa ngành về kĩ thuật công nghệ, kinh tế, trở thành đại học trọng điểm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành GTVT và đất nước.

Theo đó, tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ chất lượng giáo dục, đào tạo.

Tăng cường đoàn kết, dân chủ, đổi mới sáng tạo, chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, pháp luật; Phát huy ý chí, khát vọng, lòng tự hào dân tộc, lòng nhân ái, tính cộng đồng cho cán bộ, giảng viên, sinh viên; Đào tạo con người phát triển toàn diện, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực đất nước trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, thực sự trở thành động lực quan trọng phát triển ngành GTVT và kinh tế - xã hội, góp phần đưa nước ta phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp sự phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới.

Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác giữa nhà nước với các đối tác trong nước và quốc tế, với các doanh nghiệp để học hỏi các phương thức quản trị hiện đại, nâng cao chất lượng giảng viên và người học, gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội, của doanh nghiệp, của thị trường lao động; Thực hiện nguyên lý “học phải đi đôi với hành, lý thuyết phải gắn liền với thực tiễn”…

“Tôi tin tưởng rằng với vị trí là trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực GTVT, tập thể thầy và trò trường Đại học GTVT nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trước tương lai phát triển của ngành GTVT và của đất nước, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ thầy giáo, cô giáo, sinh viên nhà trường đã xây dựng, vun đắp trong 75 năm qua, đoàn kết, sáng tạo, đưa nhà trường phát triển lên tầm cao mới, có những đóng góp to lớn hơn, hiệu quả hơn trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đọa hóa đất nước.”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.

img
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao các quyết định công nhận Hội đồng trường và Hiệu trưởng trường ĐH GTVT cho lãnh đạo nhà trường

Nâng cao chất lượng đào tạo, giữ vững truyền thống tốt đẹp

Trước đó, PGS. TS Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng trường ĐH GTVT cho biết, ngày 15/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh khai giảng lại trường Cao đẳng Công chính - tiền thân của trường ĐH GTVT ngày nay. 75 năm qua, trường đã đồng hành cùng với dân tộc trải qua những giai đoạn lịch sử hào hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 24/3/1962, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 42/CP thành lập trường Đại học GTVT. Trong khoảng gần 10 năm, từ năm 1962 đến năm 1971, từ chỗ ban đầu chỉ đào tạo 4 chuyên ngành học, nhà trường đã xây dựng được 20 chuyên ngành đào tạo. Thời gian này đã đào tạo gần 4000 kỹ sư, thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất và chiến đấu; thi công tuyến đường ô tô vùng Tây Bắc được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công; Huân chương Lao động hạng Ba.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cùng với quân dân cả nước, đã có hàng ngàn cán bộ và sinh viên nhà trường lên đường tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam. Cùng đó, nhà trường đã thành lập “Đoàn TS73” tham gia khảo sát, thiết kế một tuyến đường phía đông Trường Sơn. Đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn tặng cờ “Mở đường thắng lợi”.

Năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trường Đại học GTVT cùng với nhân dân cả nước bước vào thời kỳ mới, khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng CNXH. Để đào tạo lực lượng cán bộ giảng dạy có trình độ cao, nhà trường đã cử nhiều lượt cán bộ đi học tập, nâng cao trình độ, trao đổi học thuật tại các nước Liên Xô, Trung Quốc, CHDC Đức…

Năm học 1978-1979, nhà trường chính thức được giao nhiệm vụ đào tạo bậc trên đại học. Năm học 1980-1981, trường được Nhà nước cho phép đào tạo nghiên cứu sinh. Năm 1984, trường chuyển từ Bộ GTVT sang trực thuộc Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, nay là Bộ GD&ĐT.

img
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao cờ thi đua, bằng khen của Bộ GD&ĐT cho các tập thể, cá nhân của nhà trường được khen thưởng

Kể từ năm 1990, nhà trường bước vào giai đoạn phát triển mới. Chương trình đào tạo được đổi mới liên tục. Năm 2009, nhà trường chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang học chế tín chỉ triệt để. Sau hơn 10 năm thực hiện, nhà trường tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung các chương trình đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế, tiếp cận chuẩn CDIO.

Hiện nay nhà trường thực hiện xây dựng chương trình đào tạo cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ theo Nghị định 99/2019 của Chính phủ. Công tác tổ chức, quản lý đào tạo được áp dụng công nghệ thông tin triệt để, các phần mềm quản lý đào tạo được đưa vào áp dụng. Công tác xuất bản giáo trình bài giảng được quan tâm đầu tư.

Nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất có những bước đột phá lớn, đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của trường được các giải thưởng lớn như giải VIFOTECH. Nhiều công trình nghiên cứu của các giảng viên được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín ở trong nước và trên thế giới. Một số sản phẩm nghiên cứu đã được thương mại hóa. Các nhà khoa học, các chuyên gia của trường cũng tham gia giải quyết nhiều vấn đề lớn của ngành GTVT được xã hội đánh giá cao.

Về quy mô đào tạo, đến nay nhà trường đã trở thành một trường đa ngành, đa lĩnh vực với 25 ngành với 73 chuyên ngành đào tạo bậc đại học, 15 ngành đào tạo Thạc sĩ và 17 chuyên ngành đào tạo Tiến sĩ với gần 24.000 sinh viên và học viên các hệ.

“Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, khó khăn, gian khổ, nhưng trường luôn luôn xác định phải nâng cao chất lượng đào tạo, giữ vững những giá trị truyền thống tốt đẹp đã làm nên thương hiệu của nhà trường, xứng đáng là trường đại học đầu ngành trong cả nước về lĩnh vực GTVT.”, PSG. TS Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh.

Nhân dịp này, trường Đại học GTVT công bố quyết định của Bộ GD&ĐT về công nhận Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 27 thành viên, PGS. TS Nguyễn Văn Long là Chủ tịch; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông là một trong các thành viên. Trường cũng công bố quyết định của Bộ GD&ĐT về công nhận PGS. TS Nguyễn Ngọc Long là Hiệu trưởng nhà trường từ năm 2020 đến khi đến tuổi nghỉ chế độ.

Qua 75 năm xây dựng và phát triển, trường Đại học GTVT đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc qua những danh hiệu và phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động, Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lao động, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Nhà trường cũng đã được Nhà nước CHDCND Lào trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.