Quản lý

Đại học Hàng hải Việt Nam: 60 năm hành khúc chinh phục Đại dương

31/03/2016, 16:19

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam hiện đã có trên 50 nghìn cán bộ trình độ từ sơ cấp tới tiến sỹ...

14

Huấn luyện trên tàu Sao Biển của Đại học Hàng hải

Thành lập năm 1956, tiền thân là Trường Sơ cấp lái tàu, Trường Đại học Hàng hải (ĐHHH) Việt Nam hiện đã có trên 50 nghìn cán bộ trình độ từ sơ cấp tới tiến sỹ, trên 10 nghìn sỹ quan Hàng hải, thuyền viên phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được đào tạo. Giờ đây, dấu chân của những giảng viên, sinh viên của trường đã không chỉ có mặt tại Việt Nam mà còn ở khắp thế giới.

Mái trường đại dương - Truyền thống anh hùng

Với người dân TP Hải Phòng, cái tên Trường ĐHHH Việt Nam đã trở nên thân thương, gắn với từng bước thăng trầm của TP Cảng suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và hiện tại. 60 năm trước, ngày 1/4/1956 Trường sơ cấp lái tàu (tiền thân của ĐHHH Việt Nam) được thành lập và lần lượt nâng cấp thành sơ rồi đến trung cấp và nay là ĐHHH Việt Nam thuộc Bộ GTVT.

Những năm 60 của thế kỷ trước, khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, để phục vụ kịp thời cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bộ GTVT đã giao cho Trường mở hệ sơ cấp Hàng Giang gồm 2 ngành Lái và Máy tàu sông. Đầu năm 1967, 650 học sinh Hàng Giang tốt nghiệp và tỏa đi hoạt động trên các con tàu ở khắp các dòng sông, bến phà của miền Bắc, phục vụ kháng chiến và cũng tạo tiền đề phát triển ngành vận tải Đường thủy nội địa ngày nay. Trong lịch sử ngành GTVT và lịch sử nhiều địa phương miền Bắc vẫn ghi lại chiến tích của những con tàu mang tên “Ba đảm đang” trên sông Hồng. Những con tàu với thuyền trưởng, thuyền viên đều là nữ được đào tạo dưới mái trường Hàng hải xuôi ngược ngày đêm, vượt qua mưa bom, bão đạn thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực.

Tháng 2/2016, trong thư gửi cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhắn nhủ: “Tôi tin tưởng rằng, Trường ĐHHH Việt Nam nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Bộ GTVT giao, sự nghiệp đào tạo của Nhà trường nhất định sẽ vươn xa hơn nữa trong thời gian tới; Khẳng định thương hiệu, nâng cao vị thế; tạo nền tảng xây dựng trường đại học trọng điểm Quốc gia - điểm đến tin cậy của người học và người sử dụng lao động”.

Từ giai đoạn 1965 - 1975, trường đã đào bồi dưỡng được hơn 4.000 cán bộ sơ cấp, trung cấp và kỹ sư phục vụ cho quân đội. Thời kỳ chiến tranh phá hoại miền Bắc, cán bộ và chiến sĩ tự vệ của Trung đoàn ĐHHH Việt Nam, đã được trang bị súng máy và Trung đội tự vệ cơ quan đã xây dựng trận địa bảo vệ Cầu Rào. Cùng với 10 Trung, Lữ đoàn tự vệ của TP, Trung đoàn ĐHHH Việt Nam được tặng Bằng khen của Bộ Quốc phòng.

Năm 1969, Trường cử 500 giáo viên và học viên gia nhập quân đội, tham gia kháng chiến chống Mỹ cùng 300 giáo viên, học viên tham gia Đoàn 559 mở đường Trường Sơn. Năm 1970, nhà trường nhận 2 tàu Giải Phóng mở luồng vận tải đi Đông Bắc và Bến Thủy (Nghệ An), nhiều cán bộ, chiến sỹ là giảng viên, sinh viên của trường đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trên các chiến trường.

Một trong những chiến công lẫy lừng của Hải quân nhân dân Việt Nam là con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển cũng ghi nhiều dấu ấn của những cán bộ, giảng viên, sinh viên ĐHHH Việt Nam. Sau sự kiện Vũng Rô vào tháng 2/1965 tuyến vận tải ven biển của Đoàn tàu không số đi theo nghiệp vụ Hàng hải địa văn bị lộ. Các con tàu không số phải vòng ra tuyến biển xa bằng nghiệp vụ Hàng hải thiên văn. Thế nhưng, sĩ quan Hải quân của ta ngày đó hầu hết học ở Trung Quốc và chưa được học môn Hàng hải thiên văn. Khi đó, số cán bộ, chiến sĩ của đoàn tàu không số được đào tạo Hàng hải thiên văn tại Trường đã trở thành đội ngũ sĩ quan, thuyền viên của đoàn; góp phần vào quyết định mở tuyến vận tải biển xa, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chi viện cho cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam. Hàng chục công trình khoa học của thầy trò nhà trường như: Nghiên cứu chống bom từ trường, rà phá thủy lôi, xi măng đông cứng nhanh để gắn vá phao phà… đã cùng tuyến vận tải đường thủy góp phần to lớn cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ.

15

Sinh viên đại học hàng hải được đào tạo trực tiếp trên những con tàu

Xứng đáng với sứ mệnh Trường trọng điểm Quốc gia

Từ nền tảng truyền thống tự hào là mái trường đào tạo hơn 90% cán bộ, chiến sỹ, thuyền viên…phục vụ chiến lược biển Việt Nam, tới nay, các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường đang nỗ lực lao động, học tập xứng đáng với vị thế là 1 trong 17 trường trọng điểm Quốc gia. Uy tín của Trường ĐHHH Việt Nam ngày càng được nâng cao khi trường là đơn vị đóng góp chính trong việc Việt Nam được tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) công nhận là một trong 71 nước đầu tiên trên thế giới đủ điều kiện đào tạo và huấn luyện Hàng hải theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc Việt Nam được IMO đưa vào “Danh sách trắng” (While list) tháng 12/2000, đồng nghĩa chất lượng đào tạo, huấn luyện hàng hải của Việt Nam được thế giới công nhận. Hàng nghìn kỹ sư Điều khiển tàu biển, Máy tàu biển được đào tạo từ mái trường “Đại dương” với các kiến thức theo chuẩn của Tổ chức Hàng hải quốc tế IMO đã trực tiếp vận hành, khai thác những con tàu siêu lớn, trọng tải lên đến trên 230.000 DWT, hiện đại của Tổng công ty Thép Nhật Bản và các công ty khác của Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc...

Trong xu hướng trở thành trung tâm đào tạo đa ngành, đa cấp bậc, Nhà trường đang đào tạo 8 chuyên ngành tiến sĩ, 11 chuyên ngành trình độ thạc sĩ, 40 chuyên ngành đại học, 10 chương trình dạy nghề,… với trên 20.000 học viên và sinh viên. Hàng trăm sinh viên đến từ các nước như: Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Mozambique, Nigeria, Nam Phi, Angola, Triều Tiên, Lào, Campuchia… đang được đào tạo tại trường. Đội ngũ 980 cán bộ giảng dạy và nhân viên, trong đó có 40 Giáo sư, Phó Giáo sư; 103 Tiến sĩ khoa học, Tiến sĩ, 542 Thạc sĩ cùng 160 thuyền trưởng, máy trưởng hạng I, hàng trăm sĩ quan quản lý, vận hành và thuyền viên lành nghề đã góp phần quan trọng tạo nên thương hiệu của trường. ĐHHH Việt Nam ngày nay đã trở thành tổ hợp đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sản xuất, kinh doanh và với hàng trăm phòng thí nghiệm hiện đại, cùng các thiết bị mô phỏng huấn luyện, phòng thực hành, tàu huấn luyện, tàu vận tải và trung tâm nghiên cứu.

Nói về hướng phát triển của Nhà trường, NGND.PGS.TS Lương Công Nhớ, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐHHH Việt Nam cho biết: Thực hiện Nghị quyết 34-NQ/BCS Đảng Bộ GTVT: Trong giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030, chúng tôi tập trung xây dựng Trường trở thành một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hàng đầu khu vực ASEAN. Phấn đấu đến năm 2020 là một trong 10 trường đại học hàng đầu Việt Nam; đến năm 2025 đạt trình độ ngang bằng với các trường đại học Hàng hải của các nước đang phát triển trong khối ASEAN (Thái Lan, Malaysia,…); đến năm 2030 ngang bằng với trình độ của các trường trong khối các trường đại học hàng hải khu vực châu Á - Thái Bình Dương; có đủ khả năng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước, nghiên cứu, thực nghiệm các công nghệ mới trong các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển và hải dương học phục vụ cho nhu cầu dân dụng và quân sự; thu hút được học viên từ các nước trong khu vực và thế giới”.

60 năm qua là hành trình gian nan, vất vả nhưng cũng đầy tự hào của các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên của mái trường “Đại dương”. Với nền tảng vững chắc và khát khao cháy bỏng của những người đi biển, các thế hệ thầy trò của mái trường “Đại dương” đang từng ngày, từng giờ hiện thực hóa ước mơ vươn ra biển lớn góp phần thực hiện sứ mệnh của chiến lược biển Quốc gia. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.