Tên lửa Patriot phát nổ
Tờ Taipei Times ngày 16/8 dẫn lời Tướng Tsao Chin-ping - Tham mưu trưởng lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan (Trung Quốc) xác nhận thông tin, một tên lửa MIM-104F Patriot (PAC-3) do Mỹ sản xuất đã phát nổ khi được bắn đi trong cuộc diễn tập ngày 15/8. Vụ nổ diễn ra trước khi tên lửa đến được mục tiêu.
Tên lửa MIM-104F Patriot (PAC-3) do Mỹ sản xuất đã phát nổ trong cuộc diễn tập của Đài Loan ngày 15/8, trước khi đến được mục tiêu. Ảnh: Taipei Times
Ông Tsao cho biết, lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan và Viện Khoa học-Công nghệ Chungshan đang điều tra nguyên nhân vụ nổ.
Truyền thông Đài Loan cho biết, đây là lần đầu tiên tên lửa Patriot của Mỹ tự phát nổ trước khi bắn trúng mục tiêu trong các cuộc thử nghiệm do Đài Loan tiến hành 2 năm một lần.
Cùng đề cập tới sự việc này, tờ EurAsian Times cho biết, theo kế hoạch, vào 6h30 sáng 15/8, căn cứ quân sự Jiupeng sẽ tiến hành vụ thử tên lửa Patriot II.
Sự kiện này đã thu hút mối quan tâm lớn từ những người đam mê quân sự. Tuy nhiên, trước sự ngạc nhiên của họ, quả tên lửa đầu tiên bất ngờ phát nổ ngay sau khi được phóng. Quả tên lửa thứ hai thì vô hiệu hóa thành công mục tiêu được chỉ định.
Sự cố bất thường của tên lửa Patriot đã khiến nhiều cuộc tranh luận nổ ra trên mạng xã hội. Đoạn video ghi lại vụ việc bắt đầu được lan truyền trên internet, cho thấy rõ ràng tên lửa Patriot đã phát nổ sớm.
F-16 ném bom nhầm mục tiêu
Ngoài sự cố của tên lửa Patriot, ông Tsao Chin-ping cho biết, lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan vừa phải lên tiếng xin lỗi Cơ quan tuần duyên của đảo này do sự việc xảy ra với chiếc máy bay F-16 mà họ mua từ Mỹ.
Cụ thể, trong buổi huấn luyện, chiếc F-16V đã trượt mục tiêu và thả nhầm bom về phía tàu tuần duyên Đài Loan, ở một cự ly được mô tả là "quá gần".
Theo ông Tsao Chin-ping, chiếc F-16V đã thả quả bom MK-84 nặng 907kg xuống vùng biển gần căn cứ quân sự Jiupeng, quận Pingtung. Quả bom này đã tạo ra một đợt sóng xung kích dội về phía tàu tuần duyên Đài Loan gần đó. Rất may, thủy thủ đoàn trên tàu không có thương vong nặng nề nào, do quả bom đã kịp hạ cánh cách con tàu vài hải lý.
Lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan đã xin lỗi Cơ quan tuần duyên và cam kết sẽ có hình thức xử phạt đối với viên phi công điều khiển chiếc F-16V, cũng như giáo viên hướng dẫn của anh này do không giám sát chặt chẽ buổi diễn tập.
Hiện tại, đảo Đài Loan đang gặp nhiều vấn đề trong bảo dưỡng máy bay và huấn luyện phi công trẻ. Tháng 1 năm ngoái, chiếc tiêm kích F-16V số đuôi 6650 do phi công 28 tuổi điều khiển đã lao xuống biển trong lúc diễn tập mô phỏng bổ nhào ném bom tốc độ cao.
Phi công Đài Loan chạy về phía chiếc F-16V trong buổi diễn tập xuất kích nhanh ngày 17/8/2022. Ảnh: Taipei Times
Thông báo của ông Tsao Chin-ping được đưa ra sau khi các kênh truyền thông địa phương phản ánh về vụ việc vào cuối ngày 14/6. Một số thành viên lực lượng tuần duyên Đài Loan đã đề cập trên mạng xã hội rằng họ phải tìm tới các dịch vụ chăm sóc y tế do tác động từ sóng xung kích mà quả bom gây ra.
Ngoài hai vụ việc trên, ông Tsao Chin-ping xác nhận rằng lực lượng phòng vệ trên không chưa tính đến ngân sách cho chương trình thay thế các máy bay huấn luyện Beechcraft T-34C. Tuổi thọ khung của các máy bay T-34C trong biên chế vẫn còn kéo dài vài năm nữa, do đó, lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan chưa lên phương án cụ thể để thay thế số máy bay này.
Trong khi đó, cơ quan phòng vệ Đài Loan (Trung Quốc) bác bỏ các thông tin cho rằng lực lượng phòng vệ trên biển của họ đã chi quá mức ngân sách dành cho nhiên liệu tàu, đồng thời cho biết ngân sách được phân bổ cho nhiên liệu tàu hải quân sẽ tăng lên 11 tỷ Đài tệ vào năm tới.
Chuẩn đô đốc Chen Chun-chung cho biết, nếu vượt quá ngân sách, lực lượng phòng vệ trên biển có thể nộp đơn xin sử dụng quỹ dự trữ sẵn có theo các thủ tục thông thường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận