Mấy ngày nay, bản đồ thời tiết Việt Nam đều một màu đỏ rực kéo dài từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến hết dải đất miền Trung dự báo nắng nóng trên diện rộng. Có nơi nhiệt độ trên 40oC, thậm chí nhiều nơi đã 30 ngày không mưa. Trên báo, trên đài, trên mạng xã hội, người ta chia sẻ những hình ảnh người dân, người lao động vất vả mưu sinh dưới cái nắng chói chang. Nhưng lại chưa có hoặc nếu có thì chỉ ở đâu đó, rất hiếm hoi hình ảnh của người công nhân đường sắt.
Còn trên một trang facebook đường sắt, anh em lao động tự up hình ảnh của đồng nghiệp để cùng nhau chia sẻ và động viên nhau vượt qua khó khăn. Đó là những người công nhân tay cuốc, tay xẻng đang miệt mài duy tu đường sắt trong nắng gắt; là bữa cơm trưa tranh thủ dưới cái lán dã chiến dựng tạm bằng cán cuốc, cán xẻng, bằng áo bảo hộ, bằng lá cây, miễn là có chút bóng râm; là người thợ khám xe loay hoay dưới gầm các toa tàu đang phả hơi nóng hầm hập sau chặng đường dài, bắt “bệnh” bộ phận chạy xem có vấn đề gì không để sửa chữa kịp thời; là người tuần đường đang rải bước trên đường sắt, mắt “săm soi” từng cái bu lông, tà vẹt; là những nhân viên trên tàu đội nắng phun nước ngoài thành toa xe để làm mát, chuẩn bị đón hành khách…
Nhiều nhân viên dồn dịch ghép nối toa xe ở nhà ga nói với tôi rằng, nghề của họ là “chó chạy vào, người chạy ra”, vì dù mưa hay nắng, ngày hay đêm, cứ có việc, họ đều phải làm ngoài hiện trường. Có lẽ câu đúc kết về nghề này đúng cho cả các chức danh khác của đường sắt như: Gác ghi, tuần đường, tuần cầu, gác chắn…
Tôi nhớ hình ảnh người tuần cầu chênh vênh trên chiếc cầu sắt nhỏ, tay cầm cờ giơ cao báo tín hiệu an toàn khi tàu tôi đi qua đèo Hải Vân trong mưa bão hè năm trước. Tôi cũng nhớ hình ảnh nữ nhân viên gác chắn đang mang thai hơn 6 tháng tác nghiệp đón tàu tại chắn đường ngang Km 1410+833 tuyến đường sắt Bắc - Nam trong cái nắng “đặc sản” của đất Ninh Thuận… trong một chuyến công tác cách đây đã mấy năm.
Vất vả, áp lực là thế, nhưng với họ, rồi cũng vượt qua hết miễn sao đảm bảo an toàn chạy tàu. “Công việc là vậy, phải quen thôi. Hơn nữa không cố gắng, chủ quan, sơ sẩy một chút thôi là đe dọa mất an toàn ngay. Cứ tàu qua an toàn là yên tâm rồi”, nữ nhân viên gác chắn Km 1410+833 - người mẹ trẻ tương lai nói với tôi, nụ cười lấp lóa trong nắng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận