img

Năm 2016, ông Donald Trump từ doanh nghiệp bước vào chính trường nên còn nhiều hoài nghi, do dự. Nay, ông có trong tay kinh nghiệm của một nhiệm kỳ Tổng thống, sự đoàn kết mạnh mẽ trong đảng Cộng hòa và con đường "trải hoa hồng" tại Quốc hội.

Đó là quan điểm của nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ giai đoạn từ tháng 11/2014 đến tháng 6/2018 - khi phân tích với PV Báo Giao thông về chiến thắng của ông Donald Trump và nhận định chính quyền "Donald Trump 2.0" sắp tới.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: "Tổng thống Donald Trump 2.0" sẽ rất khác- Ảnh 1.

Nhìn lại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, ông đánh giá như thế nào về quá trình bầu cử và chiến thắng ngoạn mục đưa ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng?

Có thể đánh giá đây là cuộc bầu cử rất bất ngờ. Điều bất ngờ không nằm ở việc ông Trump chiến thắng vì trước bầu cử nhiều người đã dự báo điều này, mà nằm ở chỗ ông thắng với số phiếu đại cử tri cách biệt rất lớn và giành được cả đa số phiếu phổ thông, quá trình kiểm phiếu nhanh gọn.

Nhìn lại toàn bộ quá trình kể từ lúc tranh cử, có rất nhiều sự cố xảy ra. Chưa bao giờ bầu cử Mỹ chứng kiến một chính đảng thay đổi ứng cử viên vào phút gần sát đến cuộc đua. Bà Kamala Harris đã thay ông Joe Biden khi chỉ còn ba tháng là tới ngày bầu cử. Hay như hai vụ mưu sát ông Trump - việc rất hiếm xảy ra.

Hơn nữa, thăm dò bầu cử lên xuống, giằng co. Mãi đến trước ngày bầu cử, kết quả thăm dò đều cho thấy kết quả sít sao và liên tục đảo chiều, không ổn định. Bản thân các chuyên gia cũng dự báo sẽ mất nhiều thời gian để xác định người chiến thắng.

Nhưng cuối cùng, kết quả bầu cử cho thấy ông Trump không chỉ thắng, mà còn thắng một cách ngoạn mục, ở cả số phiếu đại cử tri và phiếu phổ thông.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: "Tổng thống Donald Trump 2.0" sẽ rất khác- Ảnh 2.

Theo ông, điều gì làm nên chiến thắng của ông Trump?

Yếu tố lớn nhất là ông Trump đánh trúng tâm lý. Điều cử tri Mỹ quan tâm nhất là kinh tế, an ninh, bao gồm an ninh biên giới, công ăn việc làm.

Đương nhiên, bà Kamala Harris cũng nêu bật được sự dân chủ, nêu lên quyền của phụ nữ, trong đó có quyền nạo phá thai vốn là vấn được cải thiện, chẳng hạn lạm phát được kiềm chế, dịch bệnh đã qua, kinh tế phát triển xung quanh 2%. Đó là thành tích rất tốt của chính quyền ông Joe Biden. Song với không ít người dân, họ vẫn cảm nhận những năm qua kinh tế khó khăn, thậm chí khó hơn thời gian trước.

Một phần thắng lợi của ông Trump còn xuất phát từ yếu tố đảng Dân chủ lung lay, chấp chới. Việc thay ứng cử viên "giữa dòng", vào phút gần sát bầu cử khiến bà Kamala Harris không tiếp cận được hết, khó có thể truyền tải thông điệp của mình tới cử tri một cách sâu sắc, chắc chắn có lỗ hổng về liên minh của bà Kamala Harris.

Trong thăm dò dư luận của cử tri, một câu hỏi đặt ra: "Bạn đánh giá thế nào về cuộc sống của mình hôm nay, so với thời gian trước đây?". Kết quả, hơn 70% nói rằng, họ cảm nhận cuộc sống không tốt hơn.

Chính điều đó phản ánh tâm lý người dân muốn thay đổi, hướng tới điều tốt hơn. Mặt khác, cũng có một số thăm dò dư luận chỉ ra người dân đánh giá, trong thời kỳ 4 năm cầm quyền của ông Donald Trump, kinh tế phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm.

Ngoài ra, quá trình tranh cử, mỗi bên đều có biện pháp vận động quyết liệt, tập trung từ nhóm cử tri nòng cốt đến nhóm cử tri còn do dự.

Theo nghiên cứu, ông Trump nhận được sự ủng hộ của nam giới nhiều hơn và bà Kamala Harris nhận được sự ủng hộ của nữ giới nhiều hơn.

Ông Trump được người ở nông thôn, những người bị mất việc làm, học vấn thấp ủng hộ. Trong khi đó, bà Kamala Harris nhận được sự ủng hộ của người thành thị, những người có học vấn cao, nhóm da màu, dù đôi nơi đã bị xói mòn và nghiêng theo ứng viên đảng Cộng hòa.

Từ bức tranh chung đó, có thể thấy, nước Mỹ bước vào bầu cử với bối cảnh vốn đã bị phân hóa, chia rẽ và có khoảng cách trong lòng xã hội, khoảng cách về thu nhập, giàu nghèo, trình độ học vấn, công ăn việc làm và thất nghiệp, chủng tộc, quan điểm liên quan nạo, phá thai, kiểm soát súng đạn…

Trong bối cảnh hai bên giằng co và sít sao như vậy, ai đánh trúng tâm lý của cử tri, mong muốn của họ, thì sẽ chiến thắng.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: "Tổng thống Donald Trump 2.0" sẽ rất khác- Ảnh 3.

Kết quả bỏ phiếu cho thấy ông Trump thắng lớn ở Arizona, bao trọn phiếu đại cử tri 7 bang chiến trường (Biểu đồ: AP).

Màn thể hiện của ông Trump năm nay so với năm 2016 khác biệt như thế nào, thưa ông?

Điểm giống là tính cách ông Donald Trump vẫn quyết liệt và có nhiều tuyên bố, động thái gây sốc. Với tính cách đó, năm nay, khi xảy ra sự việc mưu sát, ông Trump vẫn đứng lên, thể hiện rõ quyết tâm hành động mạnh mẽ. Hành động đó nhận về làn sóng ca ngợi từ đảng Cộng hoà, cũng như báo giới.

Còn lại, khác biệt rất nhiều. Năm 2016, ông Trump từ doanh nghiệp bước vào chính trường, rất ít người nghĩ ông sẽ giành chiến thắng.

Tôi còn nhớ, đến sáng ngày bầu cử, tất cả hãng thăm dò dư luận và các báo lớn của Mỹ đều đánh giá bà Hillary Clinton dẫn trước ông Donald Trump đến 70-80%. Hơn nữa, lúc đó, dù ông là ứng cử viên của đảng Cộng hòa nhưng trong đảng cũng chưa tập hợp lực lượng một cách chặt chẽ.

Nhưng ở năm 2024 này, đến tháng 7, khi đại hội, đảng Cộng hòa đã tập hợp xung quanh ông Trump và lấy khẩu hiệu "Make American great again" (Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại) cùng 20 mục tiêu lớn của ông làm cương lĩnh của đảng.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: "Tổng thống Donald Trump 2.0" sẽ rất khác- Ảnh 4.

Vậy, lợi thế và thách thức với ông Trump trong nhiệm kỳ tới là gì?

Song song với bầu cử Tổng thống, còn có bầu cử Thượng viện, Hạ viện và bầu lại nhiều thống đốc bang. Kết quả cho đến nay, đảng Cộng hoà đang chiếm lợi thế rất lớn.

Họ không chỉ lật được thế cờ ở Thượng viện, mà còn giành được đa số ghế Thống đốc ở các bang so với đảng Dân chủ. Ở Hạ viện, hiện tại, việc kiểm phiếu chưa hoàn tất, nhưng đảng Cộng hòa cũng nắm nhiều lợi thế, có trong tay 210 ghế và chỉ cần ba ghế nữa là đủ đa số ở Hạ viện.

Ông Trump không chỉ thắng lợi ròn rã, đạt được tín nhiệm cao hơn của cử tri, mà đảng Cộng hòa cũng giành được lợi thế trong cán cân quyền lực ở nước Mỹ. Chắc chắn, trong nhiệm kỳ tới, với cán cân quyền lực đó, các quyết sách của ông Trump sẽ thuận hơn so với 2016.

Có điều, ông Trump chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ mới với một nước Mỹ bị phân hóa với rất nhiều lĩnh vực như đã nêu trên. Chưa kể, tình hình thế giới qua bốn năm, có nhiều khác biệt. Trong đó, cạnh tranh nước lớn gia tăng mạnh so với khi ông Trump cầm quyền nhiệm kỳ đầu.

Nếu như năm 2016, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và các nước lớn, gồm cả Trung Quốc, mới khởi động, thì bây giờ, cạnh tranh chiến lược là toàn diện. Thế giới biến chuyển bất ổn hơn với nhiều cuộc khủng hoảng và xung đột ở châu Âu (Nga - Ukraine) hay Trung Đông.

Trong quá trình tranh cử, ông Trump đưa ra rất nhiều cam kết sẽ giải quyết những xung đột và đây là lúc ông phải đối mặt, xử lý các vấn đề đang thách thức này.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: "Tổng thống Donald Trump 2.0" sẽ rất khác- Ảnh 5.

Sau khi nhậm chức, ông Trump được dự báo sẽ có chính sách khác rất nhiều so với chiến lược của lãnh đạo Mỹ đương nhiệm. Ông có thể chỉ ra một số điểm đáng chú ý nhất trong chính sách ngoại giao của ông Trump ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương?

Nếu soi vào cương lĩnh tranh cử của đảng Cộng hòa hay những tuyên bố của ông Trump trong quá trình tranh cử, kết hợp bốn năm nắm quyền trước đây, có thể thấy, ông Donald Trump sẽ đề cao lợi ích và vai trò dẫn dắt thế giới của nước Mỹ.

Không riêng ông Trump, dù đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ, ai là Tổng thống cũng làm như vậy. Đó là sự nhất trí chung trong nước Mỹ.

Chỉ có điều, cách tiếp cận của ông Donald Trump sẽ rất khác so với chính quyền trước và đặc biệt rất khác so với ông Donald Trump nhiệm kỳ một.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: "Tổng thống Donald Trump 2.0" sẽ rất khác- Ảnh 6.

Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định, nước Mỹ dưới thời "Donald Trump 2.0" tiếp tục coi trọng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao hàm lợi ích chiến lược và kinh tế của nước Mỹ.

Ông Trump sẽ khai thác triệt để chủ thuyết nước Mỹ là trên hết. Trong quan hệ với thế giới, quan hệ với các nước, ông Trump sẽ đề cao lợi ích nước Mỹ, trên cơ sở các bên cùng có lợi và sòng phẳng, ít để câu chuyện về ý thức hệ chi phối, đi thẳng vào lợi ích nước Mỹ, đặc biệt là lợi ích về kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ.

Với đồng minh và đối tác, nước Mỹ vẫn cần có quan hệ nhưng cách tiếp cận theo hướng vừa có quan hệ chiến lược vừa có ý nghĩa thực dụng. Như tại châu Âu, tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây dương (NATO) chắc chắn phải tăng ngân sách quốc phòng chứ không thể chỉ dựa vào Mỹ, dự kiến tăng ngân sách quốc phòng lên khoảng từ 2% GDP. Hàn Quốc cũng tương tự.

Hay trong khủng hoảng ở Ukraine, ông Trump tuyên bố không chỉ để Mỹ một mình đóng góp, châu Âu cũng phải chung tay hơn nữa.

Một số nước Liên minh châu Âu như Đức, Pháp, trước đây có thể là đồng minh chiến lược, nhưng khi động đến vấn đề thương mại, nếu có khúc mắc, ông Trump cũng đòi hỏi rất sòng phẳng, chia sẻ công bằng.

Trong quan hệ đa phương, trước đây, ông Trump từng rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Theo tôi, ông Trump sẽ nhấn mạnh nhiều hơn quan hệ song phương, chứ không phải quan hệ đa phương vì cho rằng, Mỹ tham gia sẽ thua thiệt nhiều.

Trong quan hệ với nước lớn, ông sẽ tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh chiến lược. Riêng với cạnh tranh Mỹ - Trung, ông sẽ nhấn mạnh hơn tới lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghệ.

Câu hỏi đặt ra là trong cạnh tranh nước lớn đó, Mỹ sẽ tranh thủ đồng minh và đối tác như thế nào?

Ở thời Tổng thống Joe Biden, ông coi những mối quan hệ đó là quan hệ chiến lược để tạo thêm sức mạnh cho nước Mỹ. Còn ông Trump, chính sách chung là theo hướng thực dụng. Song nếu nhìn lại, ông cũng từng đề cập chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó nêu vai trò quan trọng của đồng minh và đối tác.

Năm 2017, chính ông Trump là người đầu tiên đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tôi cho rằng, nước Mỹ dưới thời "Donald Trump 2.0" tiếp tục coi trọng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bao hàm lợi ích chiến lược và kinh tế của nước Mỹ. Ông Trump sẽ tiếp tục đầu tư, coi trọng đồng minh, đối tác trong khu vực này.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: "Tổng thống Donald Trump 2.0" sẽ rất khác- Ảnh 7.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.