Xã hội

Điện mặt trời áp mái... không có mái vẫn được đấu nối bán điện

16/07/2021, 16:41
image

Công trình điện năng lượng mặt trời áp mái nhưng... không có mái, Điện lực Đắk Lắk vẫn thỏa thuận đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện.

Pin năng lượng lắp trên... khung sắt

Theo phản ánh, tại thửa đất có diện tích 5.271,6m2 tại buôn Alê B, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk do hộ bà Ninh Thị Loan (ngụ phường Tân Tiến, TP.Buôn Ma Thuột) đứng tên, từ lâu “mọc” lên công trình điện năng lượng mặt trời áp mái.

Tuy nhiên, công trình này không có mái, các tấm pin năng lượng chỉ gắn trên khung sắt nhưng vẫn được Điện lực tỉnh Đắk Lắk thỏa thuận đấu nối để khách hàng bán điện.

img

Công trình điện năng lượng mặt trời áp mái nhưng không hề có mái

Theo ghi nhận, khu đất xây dựng công trình điện mặt trời áp mái nói trên nằm dưới chân một quả đồi, xung quanh được bao bọc bởi hàng rào và lúc nào cũng trong tình trạng “cửa đóng then cài”.

Qua quan sát công trình này, đế trụ được đúc bằng xi măng rồi dựng trụ sắt lên. Phía trên được thi công khung sắt, rồi gắn những tấm pin năng lượng san sát nhau.

Cách công trình vài bước chân có một căn nhà gỗ sang trọng nằm quay lưng vào quả đồi.

Video: Điện năng lượng mặt trời áp mái nhưng không có mái

Ông Hà Văn Chương, Phó giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk cho biết, khách hàng đứng tên công trình điện năng lượng mặt trời tại khu đất trên là bà Ninh Thị Loan.

Tại đây, có hai công trình, một công trình có công suất 10kWp, được điện lực thỏa thuận đấu nối bán điện vào ngày 1/2/2019 (giá bán 2.161 đồng/1kWp) và một công trình có công suất 300kWp được điện lực thỏa thuận đấu nối bán điện từ 7/12/2020 (giá bán 1.940 đồng/1kWp).

“Công trình điện năng lượng mặt trời áp mái nhưng chỉ làm khung sắp rồi áp tấm pin năng lượng lên trên là sai. Đã là mái nhà phải có mái.

Hộ này có hai công trình, một công trình 10kWp làm trước 30/6/2019 thì không cần mái; còn công trình 300kWh, làm sau 30/6/2019 thì bắt buộc phải có mái. Đối với phản ánh trên, chúng tôi sẽ liên hệ với chủ nhà để kiểm tra lại”, ông Chương khẳng định.

imgimg

Những tấm pin chỉ được lắp trên khung sắt (Ảnh trái, chụp ngày 9/7). Sau đó, ngày 14/7, đoàn kiểm tra đi thực tế thì chủ công trình đã lắp những tấm tôn sơ sài đẻ đối phó (Ảnh phải).

Theo ông Chương, theo quy trình thỏa thuận đấu nối thì khi điện lực xuống, thấy mái công trình xây dựng có tấm pin, tính toán đủ công suất thì cấp cho khách hàng làm.

"Việc đã thỏa thuận đấu nối, nếu công trình 300kWp không lắp trên mái thì Điện lực Đắk Lắk xin ý kiến của Tổng công ty Điện lực VN, Bộ Công thương để xử lý. Theo quy định của Bộ Công thương không có mái nhà thì không được đấu nối", ông Chương nói.

img

Những tấm pin năng lượng chỉ lắp trên khung sắt nhưng điện lực Đắk Lắk vẫn thỏa thuận đấu nối.

img

Khi đoàn kiểm tra có mặt, những tấm tôn lắp sơ sài để đối phó, gắn dưới xà gồ sắt để che đi tấm pin.

Khi PV đặt vấn đề, nhiều người cho rằng công trình điện mặt trời nói trên được phía Điện lực tỉnh ưu ái do chủ hộ là người nhà lãnh đạo tỉnh, ông Chương khẳng định: “Quan điểm là không có việc đó, càng lãnh đạo tỉnh thì mình càng phải làm đúng. Mình muốn muốn giúp họ thì giúp đúng, giúp sai thì hại họ. Do đó, người nhà của lãnh đạo nào cũng thế, quan điểm là tạo điều kiện làm nhanh nhưng phải làm đúng”.

Lúc này, PV xin được phối hợp cùng điện lực xuống hiện trường kiểm tra công trình trên, ông Chương cho biết, vì khu này có hàng rào, khóa cửa nên kiểm tra phải thông báo trước. Đồng thời hẹn PV vào chiều 14/7 sẽ gọi điện báo lại.

Bất ngờ đoàn kiểm tra đến, mái tôn đã được lắp!

img

Nhiều vị trí gắn tôn chỉ để “đối phó”

Ngày 14/7, theo lịch hẹn trước đó, ông Hà Văn Chương gọi điện thoại cho PV hẹn 14h30 có mặt tại trụ sở Công ty Điện lực Đắk Lắk để cùng đoàn xuống hiện trường kiểm tra. Lúc 14h47 phút, đoàn kiểm tra có mặt tại hiện trường, một người đàn ông mở cổng để đoàn vào bên trong.

Tại đây, PV ngỡ ngàng khi toàn bộ mặt dưới của tấm pin năng lượng được che đậy sơ sài bởi những tấm tôn phía dưới. Những tấm tôn được lắp không đều nhau, thưa thớt, có những tấm tôn gắn cả dưới thanh xà gồ sắt. Nhiều vị trí gắn tôn chỉ để “đối phó”, lộ rõ những tấm pin năng lượng nằm chỏng chơ giữa trời.

img

Thời điểm đoàn kiểm tra có mặt, chủ công trình đã lắp những tấm tôn bên dưới

Tại hiện trường, PV hỏi quan điểm của ông Chương về những tấm tôn trên, có quy chuẩn nào về lắp mái tôn để thi công pin năng lượng không, ông Chương giải thích: “Mình không khẳng định được, có mái thì mình nói có mái thôi”.

img

Toàn bộ công trình nhìn từ trên cao.

Trao đổi về sự việc trên, ông Trần Văn Thuận, Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk khẳng định: “Tôi sẽ cho kiểm tra và làm việc lại”.

Tương tự, ông Lưu Văn Khang, Phó phòng Quản lý năng lượng, Sở Công thương Đắk Lắk cho biết: “Đối với phản ánh về công trình trên, chúng tôi sẽ cho kiểm tra và thông tin lại”.

Báo Giao thông vừa đăng loạt bài điều tra: “Ký khống mua điện mặt trời giá cao, “rút ruột” Nhà nước”, phản ánh nhiều dự án điện mặt trời tại ĐBSCL được điện lực địa phương ký hợp đồng nâng khống công suất gấp hàng chục lần thực tế (cụ thể là tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long và huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng).

Trước đó, Báo Giao thông cũng có loạt bài điều tra “Báo động làm điện mặt trời dưới vỏ bọc trang trại”, phản ánh việc lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhiều ông chủ đã ồ ạt đầu tư các dự án điện mặt trời ở các tỉnh dưới vỏ bọc xin đất làm trang trại. Nhiều chuyên gia chỉ rõ, lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước mua điện mặt trời áp mái giá cao dành cho hộ gia đình, không ít doanh nghiệp đã đầu tư kinh doanh điện mặt trời thu lời mặc dù không đúng đối tượng. Để xảy ra tình trạng này trách nhiệm chính thuộc về Điện lực các địa phương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.