Xã hội

Đắk Lắk: Đường làm xong 15 năm vẫn chưa đền bù cho dân

20/11/2019, 07:15

66 hộ dân ở Đắk Lắk chưa được nhận tiền đền bù thu hồi đất sau 15 năm thi công đường ngỡ ngàng khi UBND thành phố bất ngờ quyết định hủy đền bù.

img
Bà Ngô Thị Tính bị thu hồi 36,85m2 đất mặt tiền đường Lê Thánh Tông nhưng không được đền bù, lật dở tập hồ sơ người chồng để lại, uất ức phản ánh với phóng viên

Qua đời vẫn chưa nhận tiền đền bù

Theo tìm hiểu của PV, ngày 18/7/2005, UBND TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk ban hành quyết định 2040/QĐ-UB về việc thu hồi 6059,9m2 đất của 74 hộ dân (thuộc phường Tân Lợi - Tân An, TP Buôn Ma Thuột) để xây dựng công trình đường Lê Thánh Tông. Đến ngày 21/11/2006, Ban đền bù GPMB TP Buôn Ma Thuột (nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Buôn Ma Thuột) đã họp dân và thông qua phương án đền bù, hỗ trợ.

Chấp hành quyết định trên, các hộ dân nhanh chóng phá bỏ 1 phần nhà cửa, cổng, tường rào, cây ăn trái… để bàn giao mặt bằng cho kịp tiến độ thi công. Tuy nhiên, tuyến đường đã đi vào khai thác gần 15 năm nay, mà mới chỉ có 8 hộ được thành phố giải ngân chi trả đền bù. Số hộ dân còn lại được UBND TP Buôn Ma Thuột cam kết sẽ bồi thường giai đoạn 2006 - 2007. Tuy nhiên, dù từ năm 2006 đến nay, người dân liên tục yêu cầu bồi thường nhưng không một hộ dân nào được chi trả nữa.

Cầm trên tay tập hồ sơ thu hồi 36,85m2 đất mặt tiền (6,7mx5,5m) với nhiều vật kiến trúc để nhường đất cho dự án đường Lê Thánh Tông, bà Ngô Thị Tính (ngụ số nhà 217 Lê Thánh Tông, TP Buôn Ma Thuột) ngao ngán: Ngày đó chồng tôi là đảng viên, là tổ trưởng dân phố nên gương mẫu đi đầu. Địa phương kiểm đếm đo đạc xong, thậm chí chưa bàn giao bảng áp giá đền bù nhưng gia đình đã phá bỏ hàng rào bàn giao mặt bằng cho dự án.

“Ông nhà tôi qua đời rồi nhưng trước khi trút hơi thở cuối cùng vẫn căn dặn phải đòi cho được số tiền đền bù chính đáng đó. Tôi sợ mình già cả không còn sống được lâu nên cũng chủ động giao lại hồ sơ “chứng từ đền bù đất” cho con cái. Khổ tâm nữa là giờ không đòi được tiền đền bù, nhiều hàng xóm trách móc gia đình tôi, họ bảo nghe lời chồng tôi nên bàn giao đất cho dự án. Chắc ông không nhắm mắt yên lòng”, bà Tính nghẹn lời.

img
Ông Nguyễn Văn Sự chỉ diện tích đất gia đình bị thu hồi 42,2m2, có phương án đền bù hơn 253 triệu đồng nhưng không được đền bù, sau đó UBND TP Buôn Ma Thuột hủy luôn quyết định

Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Sự (ngụ phường Tân Lợi) bị thu hồi hơn 42m2 (với tổng số tiền được phê duyệt đền bù hơn 253 triệu đồng), nhưng đến nay số tiền này vẫn chỉ… trên giấy. Ông Sự cho hay: “Đã hơn 10 năm qua, tôi cầm đơn đi gõ cửa công quyền nhưng chưa có kết quả. Tôi gửi ra Trung ương, Trương ương chuyển đơn về tỉnh Đắk Lắk, tỉnh chuyển về TP Buôn Ma Thuột rồi chìm trong im lặng”.

Và trong lúc người dân liên tục kiến nghị thì ngày 20/9/2010, UBND TP Buôn Ma Thuột bất ngờ ra Quyết định số 2845/QĐ - UBND hủy bỏ thu hồi đất và đền bù xây dựng công trình đường Lê Thánh Tông.

Không đền được… thì hủy bỏ (?!)

img
Quyết định hủy bỏ Quyết định thu hồi đất và hẹn có tiền sẽ chi trả nhưng gần 15 năm qua UBND TP Buôn Ma Thuột bỏ mặc dân

Tại Quyết định số 2845 do ông Nguyễn Hữu Việt, Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột ký, nêu rõ lý do huỷ bỏ thu hồi đất là: “Do đã có quyết định thu hồi đất nhưng chưa bố trí được nguồn kinh phí thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các hộ nêu tại quyết định này” và “sau khi bố trí được nguồn kinh phí, UBND TP Buôn Ma Thuột sẽ tiếp tục thực hiện dự án theo đúng quy định”. Quyết định cũng “mong các hộ dân thuộc dự án đường Lê Thánh Tông có sự chia sẻ khó khăn chung với địa phương. Khi được ghi vốn cho công trình này, UBND TP Buôn Ma Thuột sẽ chỉ đạo tiếp tục thực hiện bồi thường theo đơn giá tại thời điểm theo đúng quy định”.

PV nhiều lần liên hệ và gửi văn bản đến ông Phan Thanh Dũng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án TP Buôn Ma Thuột (đơn vị đại diện chủ đầu tư) để tìm hiểu thông tin về dự án. Sau khi tiếp nhận văn bản, ông Dũng nói sẽ xin ý kiến UBND TP Buôn Ma Thuột để cung cấp thông tin nhưng hơn 10 ngày trôi qua, PV nhiều lần liên hệ lại để nắm thông tin thì ông Dũng cho rằng, do thời gian dự án thi công quá lâu, hồ sơ lục tìm khó nên chưa cung cấp được.


Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, quyền lợi chính đáng của người dân tiếp tục bị địa phương “hứa treo”. Trao đổi với PV, ông Trương Văn Chính, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Buôn Ma Thuột cho biết, Dự án trên do UBND thành phố làm chủ đầu tư, Ban QLDA TP Buôn Ma Thuột là đơn vị đại diện chủ đầu tư. Dự án thi công đường Lê Thánh Tông lấy đất của dân nhưng không đền bù khiến dân rất bức xúc, có kiến nghị từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết.

Theo ông Chính, quan điểm của Trung tâm khi đã thu hồi đất, phá dỡ tài sản của dân mà người dân không có cam kết hiến tặng thì phải đền bù. Dự án cũng đã hoàn thành thì bắt buộc địa phương phải bố trí vốn để trả đền bù cho người dân. Tuy nhiên, phương án đền bù được phê duyệt nhưng đã bị hủy, nghĩa là giá trị để bồi thường không còn nữa. Bây giờ phải duyệt lại theo giá thời nay nhưng số lượng kiểm đếm sử dụng lại dữ liệu ngày xưa để làm căn cứ đền bù cho dân theo quy định hiện hành.

Về kiến nghị áp giá theo thời điểm đền bù, ông Chính cho rằng, cơ sở đền bù là lấy lại hồ sơ kiểm đếm thời điểm đó, ráp với giá thời nay để đền cho dân. “Không thể có chuyện ráp giá thời điểm thu hồi được, bởi lẽ địa phương đã không chi trả kịp thời”, ông Chính nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Bích, Chánh Văn phòng UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết: “Vụ việc quá lâu cần có thời gian để “lục hồ sơ”. Hiện TP đã giao cho đồng chí Phó chánh văn phòng phụ trách xử lý vấn đề này”.

Có dấu hiệu hình sự

Theo Luật sư Dương Lê Sơn, Văn phòng Luật sư Lê Sơn (Đoàn LS tỉnh Đắk Lắk), vụ việc chưa được UBND TP Buôn Ma Thuột giải quyết đúng trình tự của Luật khiếu nại, tố cáo, mặc dù người dân đã gửi đơn khiếu nại rất nhiều lần. Các hộ dân có quyền làm đơn khiếu nại gửi đến UBND TP Buôn Ma Thuột để được giải quyết. Khi có kết quả giải quyết khiếu nại mà các hộ dân không đồng ý thì họ có quyền khởi kiện vụ án hành chính.

Ngoài ra, trong vụ việc này cần xem xét trách nhiệm của các cá nhân và người có liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường đất của 66 hộ dân. Vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khi Nhà nước thu hồi đất”. Hiện nay nếu áp giá đền bù theo quy định pháp luật hiện tại thì số tiền đền bù cho 66 hộ dân sẽ rất lớn, không thể để kéo dài việc chậm trễ giải quyết nữa.

Việc thu hồi đất của 66 hộ dân tại đường Lê Thánh Tông bắt buộc phải đền bù cho người dân. UBND TP Buôn Ma Thuột không thể sau 5 năm không đền bù, rồi tiếp tục ra quyết định hủy bỏ việc thu hồi đất, đền bù để chối bỏ trách nhiệm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.