Phát triển - Kết nối

Đắk Lắk: Giao thông nông thôn thay đổi diện mạo vùng quê

21/09/2021, 20:07

Giao thông nông thôn giúp thay đổi diện mạo vùng quê, tạo đột phá trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Giao thông vùng nông thôn… “thay áo”

Trong 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Đắk Lắk xác định tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn (GTNT) là một tiêu chí hết sức quan trọng, một khi GTNT thuận lợi thì sự lưu thông hàng hóa, phân bón… từ thành thị về nông thôn cũng dễ dàng hơn, các mặt hàng nông sản sẽ bán được cao giá hơn tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế.

img

Những con đường bê tông khang trang, sạch đẹp tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ở Đắk Lắk. Ảnh: Ngọc Hùng

Bằng sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp khiến phong trào làm đường GTNT lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, được nhân dân tích cực ủng hộ. Sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Đắk Lắk đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, diện mạo kinh tế vùng nông thôn chuyển biến rõ nét, chất lượng cuộc sống người dân ngày một nâng lên.

Ghi nhận tại xã Ea Ral (huyện Ea H’leo), ban đầu xuất phát điểm chỉ đạt 2/19 tiêu chí về xây dựng NTM, nhưng sau 10 năm đã có bước chuyển mình, đạt 19/19 tiêu chí, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, diện mạo nông thôn cũng thay đổi mạnh mẽ.

Ông A Bul Adrơng (buôn A Riêng) phấn khởi chia sẻ: “Ngày nay, buôn mình đã thay đổi rất nhiều, đường bê tông được mở rộng, sạch đẹp chạy khắp buôn, bà con dễ dàng đi lại, nông sản thông thương thuận lợi. Đặc biệt, các con đường bê tông kiên cố đều có điện đường sáng về đêm”.

img

Giao thông nông thôn tạo "đòn bẩy" phát triển kinh tế xã hội vùng nông thôn, góp phần nâng cao đời sống người dân ở Đắk Lắk. Ảnh: Ngọc Sơn

Theo UBND huyện Ea H’leo, khi bước vào xây dựng NTM, xuất phát điểm của huyện rất thấp, trong số 11 xã thì chỉ có một xã đạt cao nhất là 5 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 22,5%.

Thế nhưng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, chung tay của nhân dân, NTM không chỉ thay đổi bộ mặt nông thôn, mà đời sống của người dân được nâng từng ngày. Đến nay, đã có 7 xã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 7%.

Tương tự, sự thay đổi diện mạo nông thôn cũng thể hiện rõ ràng ở vùng xã Buôn Tría (huyện Lắk). Từ một xã nghèo, phụ thuộc hoàn toàn vào cây lúa và thường xuyên bị mất trắng do lũ, lụt, hệ thống cơ sở hạ tầng đều trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Nhưng đến nay, diện mạo nông thôn của xã đã khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,33 triệu đồng/người/năm. 100% đường đến trung tâm xã được nhựa hóa, trên 80% đường trục thôn, buôn được bê tông hóa.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo cho biết, Chương trình xây dựng NTM đã góp phần làm cho nông thôn trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, nhiều công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, văn hóa được đầu tư xây dựng. Sản xuất nông nghiệp chuyển đổi theo hướng bền vững hơn, đa dạng các loại hình tổ chức sản xuất ở nông thôn, kinh tế hợp tác được củng cố và phát triển mạnh mẽ… Tất cả đã góp phần điểm tô cho bộ mặt nông thôn khang trang và xanh - sạch - đẹp hơn.

Thành công… nhờ sức dân

img

Phong trào "nhà nước và nhân dân cùng làm" đã hy động được nguồn lực rất lớn trong nhần dân, giúp nối dài các con đường bê tông khang trang, sạch đẹp trên đìa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Ngọc Hùng

Anh Nguyễn Văn Hậu (xã Buôn Tría) vui mừng cho biết, người dân làm lúa ở đây phấn khởi nhất là nhiều tuyến đường nội đồng được bê tông hóa sạch sẽ, cao ráo giữa cánh đồng đã giúp bà con đi lại, vận chuyển nông sản được thuận lợi hơn, thoát khỏi cảnh lầy lội, ngập nước vào mùa thu hoạch như trước đây.

Cũng theo anh Hậu, giao thông nông thôn có được như ngày hôm nay là nhờ sự quyết liệt của chính quyền địa phương và sự đồng lòng ủng hộ của người dân. Người dân ý thức được chính mình là người hưởng lợi trực tiếp nên phong trào "nhà nước và nhân dân cùng làm" đã được người dân nhiệt tình hưởng ứng, nhà nào có đất thì hiến đất, không thì đóng góp bằng tiền, ngày công,... và con đường không ngừng được mở rộng, nối dài.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắkđánh giá: “Từ một địa phương gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng trong 10 năm, Chương trình xây dựng NTM đã tạo "bệ phóng" để nông thôn của Đắk Lắk thay đổi rõ rệt về diện mạo và chất lượng, nhất là ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng NTM, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo

Theo Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh Đắk Lắk, khi chưa triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh chưa có xã nào đạt tiêu chí số 2 về giao thông. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh có 99/152 xã đạt tiêu chí số 2, đạt tỷ lệ 65,1%.

Theo đó, tổng số km đường GTNT toàn tỉnh (bao gồm: đường xã; thôn, buôn; ngõ xóm và trục chính nội đồng) là 15.925,8 km. Trong đó, đường xã, liên xã 2.758,2 km, đã nhựa hóa và bê tông xi măng 1.950,92 km, chiếm 70,73%; đường thôn, buôn 4.210,5 km, đã nhựa hóa và bê tông xi măng 2.579,2 km, chiếm 61,25%; Đường ngõ, xóm 4.695,8 km, đã cứng hóa và không lầy lội vào mùa mưa 4.409,6 km, chiếm 93,9%; đường trục chính nội đồng 4.261,3 km, đã cứng hóa và đảm bảo vận chuyển hàng hóa 1.672,3 km, chiếm 39,25%.

Chương trình xây dựng nông thôn mới thời gian qua của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều địa phương đã huy động được sức dân đóng góp rất lớn như: TP Buôn Ma Thuột, huyện Krông Pắk, huyện Cư Kuin người dân đóng góp từ 70-80% kinh phí làm đường giao thông, nhà nước chỉ hỗ trợ 20-30%.

Ông Dương Tín Đức, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Có thể nói, xây dựng nông thôn mới là một chương trình hợp lòng dân, được nhân dân nhiệt tình ủng hộ và tham gia thực hiện. Người dân hiến đất làm đường, đóng góp sức người chung tay xây dựng những con đường liên thôn, liên xã.

Từ đó, bộ mặt GTNT của địa phương có nhiều khởi sắt, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương. Hiện nay, mức thu nhập bình quân đầu người ước tính năm 2020 của tỉnh là 31.066.494 đồng/người/năm. Trong đó, ước tính riêng khu vực nông thôn là 24.746.398 đồng/ người/năm; ước tính riêng khu vực thành thị là 45.332.164 đồng/người/năm".

img

Phong trào "nhà nước và nhân dân cùng làm" lan rộng khắp trong nhân dân khiến các con đường bê tông, điện cao áp không ngừng nối dài ở các buôn, làng vùng sâu ở Đắk Lắk. Ảnh: Ngọc Sơn

Cũng theo ông Đức, trong năm 2020, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển rộng khắp, các cấp các ngành quan tâm, được nhân dân đồng tình hưởng ứng các địa phương trong tỉnh đã huy động sức dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn với tổng số tiền đóng góp trên 200 tỷ đồng.

Trong đó, đóng góp bằng tiền mặt hơn 53 tỷ đồng, hiến hơn 10.000 m2 đất và góp hơn 8.000 ngày công lao động, để nhựa hóa, bê tông hóa, cải tạo hơn 34 km đường trục xã, liên xã; cứng hóa hơn 180 km đường trục thôn buôn; cấp phối đá dăm hơn 21 km; sửa chữa, nâng cấp hơn 48 km đường ngõ xóm và 28 km đường giao thông nội đồng.

"Trong thời gian tới, tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM, nhất là vai trò của người đứng đầu, phải xem xây dựng NTM là một cuộc cách mạng, một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần thực hiện kiên trì, kiên nhẫn, thường xuyên và liên tục, phải xác định xây dựng NTM "có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc".

Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện hơn nữa trong công cuộc phát triển bền vững kinh tế xã hội vùng nông thôn”, ông Đức nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.