Bất động sản

Đắk Lắk: “Loạn” phân lô bán nền trên đất nông nghiệp

11/05/2022, 06:59

Từ cuối 2021 đến nay, khi có thông tin về một số dự án có thể triển khai, thị trường đất đai tại Đắk Lắk trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.

Giá đất tăng cao khiến người dân đua nhau bán đất, bán rẫy, kéo theo tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp diễn ra tràn lan.

img

Sau khi phân lô, những căn nhà được xây dựng trái phép trong vườn cà phê tại phường Thành Nhất (TP Buôn Ma Thuột)

Diễn biến phức tạp

Tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp diễn ra nhộn nhịp trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột như các phường Thành Nhất, Tân Lợi và các xã Cư Êbur, Ea Kao, Hòa Thắng…

Nhiều rẫy cà phê, trụ tiêu bị chặt phá, san ủi, nhiều cọc bê tông được dựng lên để chia tách lô. Khắp đường cụt, ngõ hẻm, thậm chí trên thân cà phê, sầu riêng, điều… đều chi chít các bảng rao bán đất.

Thực tế tại buôn Kom Leo (xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột), PV ghi nhận có nhiều vườn cà phê đã bị san ủi, cắm cọc bê tông, ủi đường để phân lô, bán nền.

Trong vai người đi mua đất, PV được chị H’N. (người dân buôn Kom Leo) cho biết: “Đất ở đây được giới bất động sản mua hết rồi, có bao nhiêu rẫy họ mua bấy nhiêu. Nếu muốn mua, phải mua lại của môi giới, không còn đất chính chủ đâu”.

Tại phường Thành Nhất, trong một rẫy cà phê, phóng viên còn thấy bên trong có 2 dãy nhà (gần 20 căn) cấp bốn được xây liền kề, quay mặt vào nhau như nhà phố.

Theo người dân địa phương, các dãy nhà trên được chủ đất xây dựng “chui” trên đất nông nghiệp từ năm 2021 và hiện đã bán hết.

Còn tại xã Cư Êbur, tình trạng phân lô, bán nền diễn biến rất phức tạp với nhiều con đường cấp phối, đường bê tông được đổ trái phép, nhiều căn nhà xây, nhà sàn được tạo view đẹp “mọc” lên trên đất nông nghiệp. Trong đó, có căn hiện được rao bán với giá gần 2 tỷ đồng (lô 16x37m, có nhà gỗ).

Tung tin đồn dự án để thổi giá đất

img

Đất nông nghiệp được chia lô 500m2 để rao bán tại xã Cư Êbur

Theo ghi nhận, ngoài việc phân lô đất nông nghiệp, một số cá nhân môi giới bất động sản còn tung tin mù mờ về các dự án để rao bán đất với giá cao.

Cụ thể, khi Đắk Lắk vừa có kế hoạch về việc xây dựng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Tây Nguyên tại TP Buôn Ma Thuột đã xuất hiện hàng loạt thông tin cho rằng, bệnh viện sẽ được đặt tại xã Ea Tu (một xã vùng ven của TP Buôn Ma Thuột).

Sau đó, giới bất động sản đổ về xã này mua đất khiến giá đất tại xã Ea Tu tăng chóng mặt. Khắp đường cụt, ngõ nhỏ đều treo biển bán đất với giá từ 200-300 triệu đồng/1 m ngang.

Ông Bùi Tá Danh, Phó chủ tịch UBND xã Ea Tu xác nhận, vừa qua có rất nhiều thông tin “vỉa hè” về các dự án tại xã Ea Tu khiến giá đất tăng lên khoảng 10 - 15%. Giá đất tăng cao đã gây ra một số xáo trộn nhất định tại địa phương, điển hình nhất là tình trạng tranh chấp đất và tình trạng tự ý mở đường.

Ông Hứa Chấn Trí, Chủ tịch UBND xã Cuôr Đăng cho biết, từ khi Tập đoàn FLC đặt vấn đề xây dựng sân golf, làm dự án tại hồ Ea Nhái thì giá đất được giới bất động sản đẩy lên rất cao. Đất nông nghiệp quanh hồ có giá khoảng 1 tỷ đồng/sào, xa hơn thì khoảng 500-700 triệu đồng/sào.

Theo ông Nguyễn Công Văn, Phó chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, qua các thông tin “vỉa hè” về các dự án, giá đất tại một số địa phương như Cư Suê, Cuôr Đăng đã tăng cao từ 30-60%, tùy vị trí.

“Giá đất tăng khiến người dân có nhu cầu thực sự về đất ở gặp bất lợi. Hơn thế, việc giá đất tăng gây bất lợi cho huyện vì chi phí giải phóng mặt bằng sẽ rất cao. Hiện, huyện đã giao lực lượng công an vào cuộc, xử lý các cá nhân, tổ chức tung tin đồn, đẩy giá đất lên cao”, ông Văn cho biết.

Mạnh tay với nạn phân lô bán nền trái phép

img

Giới bất động sản đi săn lùng đất view hồ, view suối khiến giá đất nông nghiệp tăng “chóng mặt”

Ông Hoàng Xuân Phương, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Buôn Ma Thuột cho biết, từ tháng 12/2021 - 1/2022, số lượng hồ sơ giao dịch về đất đai tăng đột biến.

Khó khăn nhất hiện nay trong việc quản lý, ngăn chặn nạn phân lô, bán nền trên đất rẫy là vì Luật Đất đai cho phép việc tách thửa tối thiểu 500m2/sổ đỏ. Từ đó, có nhiều người lợi dụng kẽ hở này để thực hiện việc phân lô bán nền.
Thành phố đang giao cho các phòng chuyên môn nghiên cứu, đề xuất với tỉnh việc người dân khi cần tách thửa 500m2 phải giải thích được mục đích, nếu không sẽ phá vỡ hết quy hoạch cả thành phố. Trước mắt, khi chưa có giải pháp ngăn chặn tách thửa 500m2 đất nông nghiệp, thành phố tiếp tục thanh tra, nâng cao nhận thức của các địa phương, nhất là những điểm nóng như xã: Cư Êbur, Ea Kao, Hoà Thắng, phường Tân Lợi, Thành Nhất…

Ông Lê Đại Thắng, Phó chủ tịch UBND
TP Buôn Ma Thuột


Bình quân một ngày, chi nhánh tiếp nhận gần 548 hồ sơ về đất đai. Do hồ sơ nhiều nên nhân viên phải tăng cường làm việc từ 6h30 - 22h.

“Cuối 2021 đến nay có nhiều thông tin về một số dự án lớn như: Cao tốc Nha Trang - Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Đa khoa Trung ương và các dự án của những tập đoàn bất động sản khác nên diễn biến đất đai tại TP Buôn Ma Thuột ngày nóng.

Ngoài ra, nhiều người từ TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai và một số tỉnh phía Nam cũng đổ xô đến TP Buôn Ma Thuột và một số huyện lân cận như Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Pắk mua đất, chuyển nhượng đất… dẫn đến lượng hồ sơ giao dịch tăng đột biến”, ông Phương lý giải về nguyên nhân “sốt” đất.

Theo thống kê của UBND TP Buôn Ma Thuột, trong năm 2021 - 2/2022, đơn vị đã kiểm tra 1.945 công trình xây dựng, phát hiện 224 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn các xã, phường.

Qua kiểm tra, UBND TP đã ban hành tổng cộng 202 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 2 tỷ đồng, buộc khắc phục hậu quả đối với 109 trường hợp.

Ông Lê Đại Thắng, Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột xác nhận, thời gian qua, thành phố đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền, xây dựng trên đất nông nghiệp.

Ngoài ra, UBND TP đã xử lý kỷ luật một số người đứng đầu các xã, phường trên địa bàn có sai phạm trong quản lý đất đai, để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Theo ông Thắng, tại địa phương có tình trạng bà con dân tộc thiểu số vì những lý do khác nhau đã bán đất nông nghiệp nhưng người mua không sử dụng để trồng cây mà có biểu hiện phân lô, bán nền. Trong đó, nhiều cá nhân tự ý làm đường, phân lô trên đất nông nghiệp.

Vì vậy, vài năm nay UBND TP đã yêu cầu 21 xã, phường tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt trong các vùng dân tộc thiểu số. Thành phố cũng tăng cường kiểm tra đất theo quy hoạch kế hoạch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.