Hạ tầng

Đắk Lắk: Sẵn sàng xây dựng cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

29/07/2022, 14:35

Đắk Lắk cam kết bố trí 50% vốn giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầy đủ các thủ tục, nguồn lực để xây dựng cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Sẵn sàng cho cao tốc nối “rừng và biển”

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 đã được Quốc hội Khóa XV thông qua chủ trương đầu tư. Công trình có tổng chiều dài 117,5 km, điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa); điểm cuối giao cắt với đường Hồ Chí Minh (đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột tại km12+450, thuộc địa phận xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk).

img

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị (đứng giữa) khảo sát dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. Ảnh: N.H

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km32+000) với chiều dài khoảng 32 km thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa. Dự án thành phần 2 (Km32+000 - Km69+500) với chiều dài khoảng 37,5 km trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk và Dự án thành phần 3 (Km69+500 - Km117+866) với chiều dài khoảng 48,5 km trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Dự án có tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng, về tiến độ thực hiện năm 2022 triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, dự kiến cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2027.

Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) tái định cư là 2.300 tỷ đồng, Trung ương đề nghị tỉnh Đắk Lắk nghiên cứu, đối ứng từ ngân sách địa phương bằng 50% chi phí GPMB dự án đi qua địa phương.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, để sẵn sàng cho xây dựng cao tốc, ngày 19/5, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết thống nhất bố trí 50% chi phí GPMB với số vốn là 916,5 tỷ đồng. Đồng thời, HĐND tỉnh Đắk Lắk cũng cam kết trong trường hợp tăng chi phí bồi thường GPMB tỉnh sẽ bố trí tăng tương ứng theo tỷ lệ 50%.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, đơn vị tư vấn của dự án đã khảo sát đánh giá nhu cầu về các loại vật liệu xây dựng để phục vụ dự án và cơ bản đáp ứng theo yêu cầu về khối lượng vật liệu.

Theo đó, hiện nay đã lựa chọn các mỏ vật liệu như: đá xây dựng 14 mỏ với tổng trữ lượng đã được cấp phép là 7.760.928m3, tổng công suất 619.450m3/năm; cát xây dựng 12 mỏ (trong đó 10 mỏ đã được cấp phép khai thác, 02 mỏ chưa cấp phép) với tổng trữ lượng đã được cấp phép là 4.907.182m3, tổng công suất 343.382m3/năm; vật liệu đất đắp đã khảo sát lựa chọn 20 điểm mỏ tại các huyện dọc tuyến cao tốc với diện tích 708,65ha, trữ lượng dự báo khoảng 33.770.500m3.

Ngoài ra, để chủ động về nguồn vật liệu phục vụ các công trình dự án trên địa bàn tỉnh nói chung, Dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nói riêng, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND cấp huyện và các sở, ngành có liên quan rà soát lựa chọn các điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn các huyện M’Drắk, Ea Kar, Krông Pắk, Cư Kuin, Cư M’gar (dọc tuyến cao tốc).

Đến nay, đã phê duyệt bổ sung mới 35 điểm mỏ vật liệu thuộc các huyện dọc tuyến cao tốc vào quy hoạch khoáng sản tỉnh gồm: Đất san lấp 25 khu vực; đá làm vật liệu xây dựng 9 khu vực; cát làm vật liệu xây dựng thông thường 1 khu vực.

Chuẩn bị tốt nhất cho công tác GPMB nhanh, đúng tiến độ

Ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị, địa phương liên quan tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, xây dựng và pháp luật khác có liên quan đến người dân trong vùng dự án biết, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

img

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh khảo sát dự án và các điểm mỏ vật liệu để phục vụ dự án. Ảnh: N.H

Tuyệt đối không để xảy ra việc lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép, không giải quyết tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất,… Thường xuyên thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng và pháp luật khác có liên quan theo quy định của pháp luật”.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện nay tỉnh đã giao Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân chấp hành quy định của pháp luật,… chủ động nghiên cứu, khảo sát, xác định vị trí để bố trí các khu tái định cư, quỹ đất nông nghiệp bồi thường cho người dân.

Ông Phạm Văn Hạ, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Để chuẩn bị các bước sẵn sàng cho xây dựng tuyến cao tốc, Ban đã dự thảo thành lập một Ban quản lý dự án thành phần 3 thuộc dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Đến nay, Ban QLDA cũng đã có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT thống nhất một số nội dung như: Tách công tác đền bù, GPMB, tái định cư dự án trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thành một tiểu dự án riêng; Thống nhất quy mô, phạm vi GPMB; Triển khai lập tổng mức đầu tư chi tiết công tác GPMB, tái định cư… để tận dụng thời gian, thực hiện sớm nhằm đảm bảo tiến độ dự án”.

“Theo đề nghị của Bộ GTVT về triển khai các thủ tục về GPMB (bàn giao hồ sơ và cọc GPMB cho địa phương và địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng) bắt đầu từ 21/12/2022. Tính từ thời điểm hiện tại đến thời điểm nêu trên, công tác GPMB của dự án không được triển khai sẽ gây lãng phí và không tận dụng được tối đa thời gian để triển khai dự án.

Do đó, việc tách Tiểu dự án như trên sẽ tận dụng được khoảng thời gian từ thời điểm có chủ trương lập Tiểu dự án đến ngày 21/12/2022 để triển khai lập Tiểu dự án và chủ động các công tác chuẩn bị phục vụ GPMB và tái định cư cho dự án. Qua đó, đáp ứng tiến độ hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng của dự án, cũng như tiến độ chung của dự án theo kế hoạch đề ra”, ông Hạ chia sẻ.

Cao tốc hoàn thành… tạo đà phát triển

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, dự án xây dựng cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột hoàn thành kết nối tỉnh Đắk Lắk với khu vực cảng Nam Vân Phong với mục tiêu đáp ứng nhu cầu vận tải, rút ngắn thời gian, chi phí vận tải và đảm bảo ATGT, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên với Nam Trung bộ nói chung. Từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, đường cao tốc theo quy hoạch.

img

Cao tốc Nha Trang - Buôn Ma Thuột hoàn thành thu hút đầu tư, tạo đà để tỉnh Đắk Lắk phát triển. Ảnh: N.H

Ông Đoàn Ngọc Thượng chia sẻ: “Để đón đầu những cơ hội cũng như những lợi thế khi tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi vào hoạt động, tỉnh Đắk Lắk đang khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, chế tạo công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản.

Ngoài ra, Đắk Lắk sẽ tận dụng lợi thế về vị trí, các điểm tham quan và danh thắng tự nhiên của tỉnh, với chi phí hợp lý, tập trung phát triển du lịch trên các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch văn hoá,...

Du lịch sẽ trở thành ngành có tiềm năng, lợi thế trong định hướng phát triển bền vững tỉnh Đắk Lắk, hệ thống du lịch được liên kết vừa đảm bảo tính độc đáo đa dạng vừa đồng nhất được phương thức phục vụ. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistic hình thành một mạng lưới dịch vụ đồng bộ, đảm nhiệm chức năng là trung tâm dịch vụ đầu mối của vùng...”.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đến nay tỉnh đã trình Quốc hội thông qua quyết định chủ trương đầu tư. UBND tỉnh đã giao các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Quản lý dự án khi được Thủ tướng giao làm cơ quan chủ quan các dự án thành phần. Đồng thời, đã tiến hành khảo sát diện tích rừng tự nhiên bắt buộc phải chuyển đổi mục đích sử dụng để thi công đường cao tốc và đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.