Vận tải

Đắk Lắk: Trắng đêm “bắt” xe quá tải

14/05/2015, 06:37

Chỉ trong một đêm, TTGT Đắk Lắk đã phát hiện và lập biên bản tới 22 trường hợp chở quá tải

72

Toàn bộ xe bị dừng kiểm tra đều quá tải từ 50-100%

Xe quá tải dồn dập chạy đêm

Mục sở thị hoạt động của xe quá tải thường “rầm rộ” vào ban đêm, PV Báo Giao thông đã nhiều ngày theo chân tổ công tác của Sở GTVT Đắk Lắk dọc các tuyến đường nóng về xe quá tải tại địa phương này. Khuya ngày 10/5 trên tuyến QL14 đi thị xã Buôn Hồ, đoạn đường dài hơn 40 km im ắng đến bất ngờ. Như hiểu được sự thắc mắc của tôi, một thành viên trong đoàn cho biết. “Giờ này xe còn đang “ngủ” chưa chạy đâu. Cứ đợi, khắc thấy”.

Theo số liệu thống kê của Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, từ tháng 1/2015 đến giữa tháng 5/2015, Thanh tra đã kiểm tra và lập biên bản 525 trường hợp vi phạm chở quá tải với tổng số tiền phạt hơn 3,5 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 2,2 tỷ đồng; Tước 150 GPLX và áp dụng nhiều biện pháp xử phạt bổ sung khác. 

Không ngoài dự đoán, từ ngã ba thị xã Buôn Hồ, chúng tôi chạy lên QL29 hướng về thị trấn Krông Năng. Tại đây, tổ công tác đã bắt gặp hàng chục xe chở lúa, mì, phân bón khi đưa lên cân, xe nào cũng quá tải từ 50-100%. Ngay trong đêm 10/5, TTGT phát hiện và lập biên bản tới 22 trường hợp chở quá tải với số tiền phạt gần 200 triệu đồng. Trong số này, có không ít tài xế cố tình chống đối, nhiều xe đã bị xử phạt nhiều lần vì TNGT, chở quá tải. Điển hình như xe mang BKS: 47C-056.43 khi được “cò” báo có lực lượng thanh tra, lập tức tài xế cho quay đầu xe bỏ trốn. Khi bị dừng kiểm tra, tài xế đóng cửa, gọi điện thoại nhờ người xin xỏ. Qua kiểm tra, xe chở mì quá tải trên 100%.

Trả lời Báo Giao thông, tài xế xe 79C-00879 chạy tuyến Phú Yên - Gia Lai nói: “Biết chở quá tải là vi phạm luật nhưng chở đúng thì không có “ăn” nên đã chở thêm. Thời gian gần đây, TTGT làm “căng” nên chúng tôi chuyển từ chạy ngày sang chạy đêm để né”.

Bao giờ mới hết xe quá tải?

Ghi nhận tại hiện trường, hầu hết các xe bị bắt là xe ngoài tỉnh như: Phú Yên, Khánh Hòa, chở theo phân bón, xi măng thường xuyên xuôi ngược theo lộ trình đi lên QL26 tới km 53, rẽ vào tỉnh lộ 3 đi qua huyện Krông Năng rồi men theo QL29 đi ra thị xã Buôn Hồ lên QL14 đi Gia Lai. Sở dĩ con đường này trở thành “cung đường” của xe quá tải vì di chuyển theo lộ trình này, xe sẽ không bị “dính” trạm cân.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Đội trưởng đội thanh tra số 3 cho biết: “Khoảng thời gian từ 0h đến rạng sáng là khung giờ hoạt động “náo nhiệt” của xe quá tải. Để tuần tra và bắt các xe này rất khó. Khi có “động”, các xe sẽ trốn. Nếu bắt được chỉ là xe ở tỉnh ngoài, chứ xe ở trong tỉnh khôn lắm. Họ thường cho người theo dõi cả lực lượng chức năng, đi đến đâu họ đều biết hết. Khi lực lượng đi qua, mọi việc lại trở về như cũ”, ông Thủy cho biết thêm.

Ông Lê Công Chức, Chánh thanh tra sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cho biết, hầu hết xe quá tải diễn ra trên năm tuyến quốc lộ và 13 tỉnh lộ, nóng bỏng nhất tập trung ở những khu vực có mỏ cát. Bố trí lực lượng đặt trạm cân lưu động thì các xe biết lịch báo động cho nhau nghỉ hết. Nếu đặt cân ở đường này, xe lẩn tránh, chạy đường khác. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra “mỏng” không thể kiểm soát hết xe quá tải. “Hiện TTGT có ba tổ công tác với 12 người, nhưng mất một tổ theo trạm cân số 53; một tổ thường xuyên theo đoàn liên ngành; còn một tổ không thể kiểm soát hết xe quá tải”, ông Chức phân bua.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.