Đời sống

Đắk Nông: Rừng thông bị "đầu độc", yêu cầu kiểm điểm nhiều tổ chức, cá nhân

23/10/2020, 16:21

Tỉnh ủy Đắk Nông yêu cầu kiểm điểm các cá nhân, tổ chức có sai phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý đất đai dọc QL14 và 28.

img
Một khoảnh rừng thông dọc QL14 bị "đầu độc". Ảnh: Ngọc Hùng

Ngày 23/10, ông Lê Quang Dần, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Nông cho biết, để ngăn chặn tình trạng phá rừng, ken cây, đổ hóa chất “đầu độc” làm cây thông bị chết để lấn chiếm, lấy đất sản xuất dọc QL14 (địa bàn huyện Đắk Song) và QL28 (huyện Đắk G'long), Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý dứt điểm nhằm giữ diện tích rừng thông còn lại.

Đồng thời, giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Song, Đắk G'long chỉ đạo các tổ chức có liên quan thực hiện tốt công tác tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai có hiệu quả trong thời gian tới và kiểm điểm các cá nhân, tổ chức có sai phạm trong thời gian qua đối với công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý đất đai.

img
Rừng thông dọc QL28 bị "đầu độc", đốt cháy. Ảnh: Ngọc Hùng

Theo ông Dần, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, UBND huyện Đắk G'long, Đắk Song và sở ngành có liên quan thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng, ken cây, đổ hóa chất và lấn chiếm đất rừng thông trái phép. Chỉ đạo Công an tỉnh xử lý tình trạng phá rừng, tróc vỏ, khoan lỗ, đổ hóa chất đầu độc cây thông dọc QL14, 28.

Theo Sở NN&PTNN Đắk Nông, từ năm 2010 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 386 vụ liên quan đến rừng và đất rừng thông dọc quốc lộ. Trong đó có 247 vụ phá rừng với 86,615ha, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép 139 vụ; đã xử lý hành chính 362 vụ, xử lý hình sự 24 vụ.

img
Thân cây bị khoan đổ hóa chất để đầu độc. Ảnh: Ngọc Hùng

Đã tổ chức cưỡng chế, giải tỏa các công trình xây dựng trái phép, diện tích đất bị lấn chiếm trái phép. Theo đó, dọc QL14, từ năm 2014 đến 2018 đã tổ chức cưỡng chế hơn 14ha, riêng năm năm 2018, UBND huyện Đắk Song ban hành 82 quyết định cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả, giao UBND xã Nâm N'Jang tổ chức cưỡng chế, giải tỏa 31 trường hợp. Tại xã Trường Xuân tổ chức cưỡng chế 7 trường hợp.

Dọc QL28, từ 2015 đến nay đã tổ chức phá bỏ 28 căn nhà xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp với diện tích 1.088m2; giải tỏa 10,624ha đất lâm nghiệm bị lấn chiếm. Ngoài ra còn nhổ bỏ hàng trăm cây các loại trồng trái phép trên đất lâm nghiệp.

Hiện tại, với diện tích rừng thông bị phá, đất rừng bị lấn, chiếm trái phép, Tỉnh ủy đã chỉ đạo giao cơ quan điều tra các cấp khẩn trương điều tra, xử lý các vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng; tập trung làm rõ các đối tượng có dấu hiệu bảo kê, kích động cầm đầu, lôi kéo người dân phá rừng, hủy hoại rừng để xử lý theo quy định pháp luật.

Đồng thời, điều tra, xử lý các tổ chức cá nhân được giao quản lý, bảo vệ rừng nhưng thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng mất rừng.

img
Dọc QL14, rừng thông bị chết khô. Ảnh: Ngọc Hùng

Đối với diện tích cây thông bị chết, khô mục có nguy cơ ngã đổ ra quốc lộ, tỉnh lộ đe dọa tính mạng của con người và tài sản, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tổ chức rà soát thống kê, báo cáo, trên cơ sở kiểm tra, đề xuất của cơ quan chuyên môn, UBND tỉnh cho chủ trương cắt hạ để đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân. Đồng thời, trồng dặm các cây thông khác tại những vị trí đã cắt hạ để không tạo khoảng trống, tránh người dân lấn chiếm đất trái phép.

Trước đó, như Báo Giao thông đã phản ánh, thời gian qua, rừng thông cảnh quan dọc QL14 (nay là đường Hồ Chí Minh, qua địa bàn huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) và dọc QL28 (qua địa bàn huyện Đắk G'long) bị đổ hóa chất "đầu độc" khiến hàng loạt cây thông chết hàng loạt. Hàng trăm cây thông hàng chục năm tuổi, có đường kính từ 20 đến 50cm chết khô, trải dài hai bên đường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.