Chuyện dọc đường

Đảm bảo quyền lợi người dân khi thu hồi đất

07/02/2023, 06:20

Thực tế thời gian qua cho thấy, công tác thu hồi đất và tái định cư còn có những bất cập, hạn chế.

Ai cũng biết những công trình trọng điểm quốc gia có ý nghĩa lớn đến nhường nào đối với phát triển kinh tế - xã hội. Và để có mặt bằng xây dựng những công trình đó, việc thu hồi đất sẽ được triển khai.

Trong vấn đề thu hồi đất, yếu tố quan trọng nhất là sự đồng thuận của người dân. Thực tế thời gian qua cho thấy, công tác thu hồi đất và tái định cư còn có những bất cập, hạn chế.

img

Khu tái định cư xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá với nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang, không khác gì một khu đô thị. Ảnh: Phúc Tuấn

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của các công trình, dự án, từ đó phát sinh nhiều hệ lụy.

Ở một số nơi, có trường hợp người dân vùng tái định cư khi bị thu hồi đất để làm dự án rơi vào tình trạng thiếu đất canh tác, sản xuất, người dân mất việc làm.

Đó là chưa kể cuộc sống của họ bị đảo lộn bởi sự xáo trộn đời sống văn hóa giữa nơi ở mới và nơi cũ. Việc bồi thường chưa bảo đảm được sinh kế lâu dài cho người bị thu hồi đất…

Chính những điều đó khiến nhiều người dân khi nghĩ đến tái định cư là ngán ngại, là chuyện cực chẳng đã.

Tuy nhiên, tại các dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, thời gian qua công tác bồi thường, tái định cư được thực hiện khá bài bản.

Cuộc sống người dân ở nơi ở mới tốt hơn nhiều so với nơi ở cũ, khi hạ tầng được đầu tư đồng bộ, sinh kế của người dân được đảm bảo. Những câu chuyện thực tế sinh động ở những khu tái định cư này đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, người đã dành rất nhiều thời gian để đi kiểm tra, đôn đốc các dự án giao thông trọng điểm, cũng rất quan tâm đến vấn đề này.

Tới đâu, ông cũng khảo sát thực tế cuộc sống của người dân tái định cư, cảm ơn và động viên bà con, đồng thời luôn nhắc nhở lãnh đạo địa phương phải hết sức quan tâm.

Kiểm tra dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ mới đây, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, để giải phóng mặt bằng tốt, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc trong công tác tuyên truyền; có chính sách đền bù thỏa đáng, hết sức quan tâm, chăm lo công tác tái định cư.

Làm sao để cuộc sống của người dân ít nhất phải bằng nơi ở cũ và phấn đấu nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước. “Không phải người dân bàn giao mặt bằng xong, vỗ tay, hoan hô là hết trách nhiệm với người dân”, ông nhấn mạnh.

Có thể nói, khi quan tâm đúng mức đến cuộc sống của người dân tái định cư, làm cho họ thấy được những lợi ích trước mắt và cả lâu dài, chắc chắn người dân sẽ đồng thuận nhường đất để làm các công trình phục vụ đất nước mà không phải băn khoăn gì.

Nghị quyết 18-NQ/TW cũng đã nêu rõ, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư; có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Để thể chế hóa nội dung này, Luật Đất đai (sửa đổi) tới đây cần quy định thật rõ ràng để bảo đảm quyền lợi, tạo sinh kế bền vững cho người có đất thu hồi, bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.

TS. Phạm Quang Long
Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.