Thị trường

Đảm bảo quyền lợi người mua nhà dự án Đa Phước ra sao?

19/02/2020, 07:14

Hơn 200 hộ dân đã mua nhà đất trong Khu đô thị quốc tế mới Đa Phước (Đà Nẵng), trong đó có hơn 100 hộ đã chuyển vào sinh sống đang rất lo lắng.

img
Đã có hơn 100 hộ dân chuyển vào sinh sống trong Khu đô thị quốc tế mới Đa Phước

Trước thông tin TAND TP Hà Nội ra phán quyết giao UBND TP Đà Nẵng thu hồi dự án Khu đô thị quốc tế mới Đa Phước (thuộc địa phận phường Tam Thuận, quận Thanh Khê và phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), hơn 200 hộ dân đã mua nhà đất, trong đó có hơn 100 hộ đã chuyển vào sinh sống ở đây rất hoang mang, lo lắng.

Theo TAND TP Hà Nội, xét thấy Bản án hình sự sơ thẩm số 20 ngày 13/1 trong quá trình tuyên án đối với dự án khu đất 29ha thuộc dự án Khu đô thị quốc tế mới Đa Phước có sơ suất khi tuyên án, nay đính chính như sau: “Giao UBND TP Đà Nẵng thu hồi và cùng các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật đảm bảo quyền lợi cho công dân tại khu đất 29ha thuộc dự án Khu đô thị quốc tế mới Đa Phước”.
Dự án Khu đô thị quốc tế mới Đa Phước do Công ty CP Xây dựng 79 của Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) và Công ty TNHH Daewon (Hàn Quốc) hợp tác triển khai. Dự án được khởi công xây dựng vào năm 2016. Hiện tại, khu đô thị đã hình thành hàng chục dãy nhà liền kề với cả nghìn căn nhà đủ lối kiến trúc và phong cách.

Ông Trương Văn Sang, một hộ dân ở đây cho biết, ông mua căn nhà tại dự án này vào đầu năm 2018 với giá 5,5 tỷ đồng. “Tôi rất lo, trước khi mua nhà, tôi và các hộ dân đã tìm hiểu về tính pháp lý của dự án. Trước đó, để mua được căn nhà này tôi đã bán căn nhà trên đường Đỗ Quang (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) với giá 5,3 tỷ đồng”, ông Sang nói.

Theo luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư Đà Nẵng), quyền lợi của những người dân mua nhà tại dự án này nếu là người thứ ba, ngay tình, sẽ được pháp luật bảo vệ. Chuyện thu hồi dự án là chuyện của Nhà nước với chủ đầu tư.

“Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2020/HS-ST ngày 13/1/2020 của TAND TP Hà Nội chưa có hiệu lực pháp luật vì bị cáo đang kháng cáo, do đó phải chờ những phiên tòa tiếp theo. Bản án chưa có hiệu lực pháp luật nên quyền lợi của người dân trong dự án này chưa bị hề bị động chạm”, luật sư Đỗ Pháp cho biết.

Còn luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) cho rằng, bản án nêu là cơ quan thu hồi đất, thu hồi dự án phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi cho công dân. Tuy nhiên, pháp luật chỉ bảo vệ đối với các giao dịch mua bán, chuyển nhượng (nếu người dân là bên thứ ba ngay tình) hợp pháp đã nhận được tài sản, đã có quyền sở hữu hợp pháp. Còn trường hợp giao dịch khi chưa đủ điều kiện pháp lý thì vấn đề sẽ rắc rối hơn nhiều.

“Bản án mở ra yêu cầu thực thi theo pháp luật, nhưng lại không chỉ rõ người dân được bảo vệ theo cơ chế nào, phương thức nào, điều này về thực tiễn thi hành bản án sẽ vô cùng khó khăn, cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ luật hiện hành mà thi hành, điều đó sẽ dẫn dắt người dân tiếp tục vướng vào những vướng mắc rủi ro kéo dài”, luật sư Lê Cao cho hay.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, về nguyên tắc tòa đã phán quyết thì phải chấp hành. Còn chấp hành như thế nào thì phải họp các ngành lại với nhau vì vấn đề rất phức tạp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.