Khám phá

Đắm mình trong dòng suối mát, nghe huyền thoại núi Ông, thác Bà

15/07/2017, 13:46

Khu du lịch sinh thái thác Bà nằm giữa rừng nguyên sinh, núi non hùng vĩ dưới chân núi Ông (Bình Thuận)...

19

Du khách đắm mình dưới dòng nước mát lạnh của thác Bà

Hòa mình với thiên nhiên 

Để đến được thác Bà, từ TP.HCM bạn có thể đi xe máy, ô tô cá nhân hoặc đi xe khách từ BX Miền Đông, theo QL1 qua Khu du lịch Suối Tiên, thác Giang Điền, ngã ba Trị An, Long Khánh… Khi đến ngã ba Ông Đồn (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) sang trái chạy vào khoảng 30km là đến trung tâm huyện lỵ Tánh Linh. Đến đây, bạn hỏi đường vào thác Bà, dân địa phương đều biết. Hành trình này mất hơn 1 ngày.

Vị trí địa lý cho thấy, Tánh Linh được bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp, nằm giáp ranh với cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng), trong đó có núi Ông hùng vĩ và dòng nước trong xanh, mát lạnh của thác Bà chảy quanh năm uốn lượn bên sườn núi, đổ ra sông La Ngà (một nhánh sông Đồng Nai) rồi xuôi ra biển lớn.

Theo truyền thuyết dân gian, xa xưa ở đây có hai vợ chồng tiều phu sống rất hạnh phúc. Trong một lần đi hái củi, người chồng bất ngờ gặp các ông tiên xuống núi đánh cờ. Vốn rất giỏi cờ tướng nên khi thấy một tiên ông bí thế trước một tiên ông khác, người chồng trổ tài giải cứu, biến nguy thành thắng. Thấy vậy, vị tiên ông thua cuộc đã mời người chồng vào so tài cao thấp với mình. Ván cờ giữa người phàm và tiên ông kéo dài suốt mấy năm liền vẫn bất phân thắng bại…

Trong khi người chồng mải mê đánh cờ thì người vợ ở nhà mòn mỏi đợi chờ, thương nhớ đã khóc đến khô nước mắt, tóc bạc trắng như mây rồi chết trong căn nhà vắng lặng. Sau khi chết, tóc người vợ xõa trắng bên sườn núi và khi ánh mặt trời chiếu vào, mái tóc của bà biến thành ánh sáng như pha lê chiếu sáng cả vùng núi non trùng điệp. Ánh sáng ấy đã làm cho người chồng “chói mắt và tỉnh ngộ”, vội bỏ ván cờ quay trở về. Người chồng ôm thi thể vợ khóc rất nhiều và nước mắt của ông hóa thành dòng nước mát lạnh, nguồn nước tưới tiêu cho bà con nông dân trong vùng. Ghi nhớ công ơn của ông bà, người dân đặt tên là thác Bà và núi Ông. Không biết thực hư thế nào, nhưng hiện tại đền thờ và mộ đá Ông vẫn còn trên đỉnh núi.

Đến thác Bà, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh núi rừng nguyên sinh hùng vĩ. Ở đây có quần thể động, thực vật đa dạng, phong phú và quý hiếm với trên 550 loài, 120 họ. Nhiều động vật quý hiếm được ghi vào sách đỏ. Vào những ngày lễ, Tết, cuối tuần có đến hàng nghìn người tìm về đắm mình trong dòng nước mát lạnh của thác Bà.

Phát triển du lịch thác Bà

Được tạo hóa ban tặng, dưới chân thác Bà có những thạch bàn (mặt bằng của tảng đá) rộng lớn, phù hợp cho du lịch dã ngoại, cắm trại và nấu ăn tại chỗ bên dòng nước trong xanh. Thác Bà có đến 9 thác lớn nhỏ và mỗi thác có độ cao từ 10 - 20m, đi một ngày chưa hẳn đã hết quần thể của thác.

Trong Khu du lịch thác Bà, có một nhà hàng phục vụ những món ăn đặc sản của vùng núi rừng Tánh Linh như: Cơm lam, rau rừng, cá suối… với giá bình dân, khoảng 50.000 đồng là có một suất ăn ngon. Nếu có thời gian, vài gia đình hoặc nhóm bạn có thể cắm trại và đốt lửa trại ở đây một đêm để thưởng thức khung cảnh lãng mạn bên “suối mơ trong rừng hoang vắng…”.

Người dân Tánh Linh cho biết, dưới chân núi Ông hiện còn cánh đồng tươi tốt được bao quanh bởi những ngọn núi. Người dân gọi là “cánh đồng Gia Long”. Bởi trước đó, khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, Chúa Nguyễn (Vua Gia Long) đã có một thời dẫn quân về đây ẩn náu. Thấy vùng đất bằng phẳng, nước non hữu tình nên Chúa Nguyễn đã cho người canh tác trên cánh đồng này để làm lương thực nuôi quân...

Hiện tại, hệ thống giao thông nối Bình Thuận - Lâm Đồng băng ngang qua Tánh Linh rất thuận tiện bởi QL55 nối 2 tỉnh vừa làm xong. Đặc biệt, trên hành trình chinh phục những ngọn đèo, quanh co đẹp như tranh vẽ trên QL55, nối liền 2 tỉnh, bạn có thể dừng chân viếng tượng Đức Mẹ trên núi Tà Pao nằm ở xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.