Xem - ăn - chơi

Đắm mình trong không gian tình yêu ở hội Thẳm Bua

28/02/2016, 14:12

Đến với lễ hội, du khách được hòa vào không gian văn hóa truyền thống và chiêm ngưỡng vẻ đẹp người con gái Thái.

DSC_4347
Lễ hội Hang Bua là một trong những lễ hội mang đậm bản sắc đồng bào dân tốc vùng Tây Bắc Nghệ An

Đây là một lễ hội lớn được tổ chức tại hang Bua, danh thắng Quốc gia được Bộ VH-TT công nhận và cấp bằng năm 1997 ở xã Châu Tiến (Quỳ Châu, Nghệ An), Lễ hội này là nơi để người dân vùng đất Mường Chiềng Ngam gửi gắm những ước nguyện tâm linh...

Hang Bua, biểu tượng cho tình yêu bất diệt

Theo lời kể của những già làng Mường Chiềng Ngam, truyền thuyết về hang Bua là một câu chuyện tình yêu cảm động của chàng trai bản với cô gái xinh đẹp nhất vùng. Chuyện kể rằng: Thuở xa xưa, nơi đây là một vùng đất trù phú. Sông cần mẫn đưa nước tưới đẫm cho cả một vùng đồng lúa mênh mông. Ven dãy Phà Ẻn cao ngất với đủ loại cỏ cây, chim thú. Dòng Nậm Hạt, Nâm Niên lúc nào cũng đủ loại tôm cá.

IMG_5024
Vẻ đẹp kỳ vĩ bên trong hang Bua hút hồn du khách

Trong vùng, ngay trước cửa hang lớn là một ao hoa sen rộng có đến hàng mẫu, vào mùa sen nở tỏa hương thơm khắp cả một vùng. Ngay cả cửa hang cũng mang dáng một đài sen đang nở, nên nơi này thuở đó còn gọi là Bản Bua (tức Bản Sen). Thuở đó, trong vùng có người con gái một phìa bản giàu có tên gọi là Nàng Ni. Nàng đẹp lắm, da trắng như trứng gà bóc, mắt sáng như sao. Mỗi lần nàng cất tiếng hát Nhuôn, hát Xuối, ngay cả con chim, con sóc cũng lặng yên để nghe.

Tới tuổi chọc sàn, mặc bao lời hay lời ngọt của những trai làng con nhà giàu có, nàng Ni vẫn không xao lòng, bởi từ lâu nàng đã đem lòng yêu Ban, một chàng trai nghèo hiền lành chân thật nhà ở phía cuối bản.

Vốn là con gái một phìa bản giàu có, nhiều thế lực, bố mẹ nàng ngăm cấm không cho nàng được tự do đến với người mình yêu. Nhưng làm thế nào để ngăn nổi con tim của hai người đang yêu nhau say đắm?

IMG_5026
Những khối nhũ đá khổng lồ được tích tụ hàng nghìn năm

Cho đến một hôm, phìa bản sai chàng trai nghèo vào Thẳm Bua để diệt loài thuồng luồng hung dữ chuyên gây hại cho dân bản. Bị lòng dạ độc ác của phìa bản hãm hại, chàng trai đi vào lòng hang và cứ đi mãi mà không thể trở về. Nàng Ni ở nhà đợi mãi, đợi mãi mà không thấy người yêu quay trở lại, nàng nhất quyết đi vào hang sâu để tìm chàng.

Qua bao ngõ ngách trong lòng hang, trải bao vất vả, nàng men theo những bậc đá lên tới đỉnh Thẳm Bua, ngồi đó đợi chàng. Nàng ngồi vậy khóc thương người yêu không biết bao ngày, cho mãi đến khi nước mắt cạn kiệt nơi phiến đá lớn trên đỉnh Thẳm Bua… Nhớ thương người con gái chung tình, phiến đá từ đó được người đời gọi là Choong Nang (giường đá nàng Ni); những giọt nước mắt của nàng ngấm qua đá núi từ bao đời thành những giọt thạch nhũ long lanh trong lòng Thẳm Bua.

DSC_4341
Lễ hội Hang Bua là nơi trai gái kết duyên, hò hẹn

Sau đó, mỗi năm cứ dịp xuân về, trai gái trong vùng lại rủ nhau vào lòng Thẳm Bua tình tự như chia sẻ, cảm thông với mối tình trong sáng của người con gái đẹp đất Mường. Năm này qua năm khác, dần dần thói quen đó trở thành một lễ hội hàng năm với người dân vùng sơn cước. Lòng Thẳm Bua rộng rãi là nơi thuận tiện cho những cuộc vui tập thể mang đậm chất văn hóa dân gian. Nhiều ngõ ngách sâu thẳm thích hợp cho những cuộc hẹn hò của những đôi trai gái.

DSC_4290
Những cô gái Thái xúng xính trong trang phục truyền thống.

Khơi gợi giá trị văn hóa truyền thống miền Tây xứ Nghệ

So với các lễ hội đầu năm ở xứ Nghệ, có thể nói rằng lễ hội Hang Bua là một trong những lễ hội mang đậm màu sắc văn hóa dân gian, kết tinh của những giá trị tuyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Nghệ.

DSC_4364
Nét văn hóa truyền thống của đồng bào người dân tộc Thái ở miền Tây Xứ Nghệ

“Tháng Giêng trẩy hội Thẳm Bua”, câu nói ấy đã trở thành câu cửa miệng của mỗi người dân miền Tây xứ Nghệ. Đến với lễ hội, ngoài cái thú được hoà mình vào không gian văn hoá của một lễ hội vùng cao, du khách có thể đi thăm thú những hang động và thác nước nổi tiếng trong vùng như Thẳm Ồm, Thẳm Chạng, Tôn Thạt, thác Tạt Ngoi, thác Đũa (Quỳ Châu) hay thác Xao Va, và cụm thác Tạt Oọc Ái, Tạt Bái…

DSC_4389
Thi bắn nỏ là một trong những hoạt động không thể thiếu ở lễ hội Hang Bua.
Bất kể trai hay gái ai cũng có thể tham gia

Ông Vi Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, kiêm Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: Lễ hội hang Bua năm nay diễn ra trong 3 ngày từ 27/2 - 29/03 (tức ngày 21-22-23 tháng Giêng). Dự kiến sẽ có khoảng một vạn du khách xa gần về dự hội.

Ở lễ hội hang Bua năm nay, ngoài phần lễ trang nghiêm mang đậm bản sắc văn hoá dân gian do UBND huyện Quỳ Châu, du khách còn được tham gia chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống như hội cồng chiêng, ném còn, nhảy sạp, khắc luống, đu tiên, bắn nỏ, quay tơ dệt vải, thi ẩm thực, thi “người đẹp Thẳm Bua”... Được chiêm ngưỡng những điệu nhuôn, xuối, khắp, giao duyên, tâm tình làm đắm say lòng du khách.

Năm nay, BTC cũng tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ khác như: Đẩy gậy, kéo co, đu quay, chiếu phim, thi văn hóa ẩm thực...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.