Chuyện dọc đường

Dâm ô, quấy rối tình dục cần luật hóa để xử lý hình sự

12/03/2019, 07:00

Kết luận của cơ quan điều tra khẳng định, hành vi của thày giáo ở Bắc Giang không đủ căn cứ chứng minh có hành vi dâm ô khiến dư luận phản ứng..

img
Cao Mạnh Hùng SN 1983, quê Thái Bình, từng là nhân viên ngân hàng, bị tòa xử 2 năm tù về tội dâm ô trẻ em

Mặc dù được pháp luật quy định nhưng hành vi dâm ô chưa có qui định cụ thể. Tương tự hành vi quấy rối tình dục còn chưa được pháp luật hình sự thừa nhận dẫn đến việc xử lý còn nặng cảm tính, không đúng người đúng tội cho dù các nạn nhân của loại tội phạm này thường phải chịu những khủng hoảng tâm lý nặng nề gây bức xúc dư luận.

Chưa liệt kê cụ thể những hành vi dâm ô

Vừa qua tại Tiên Sơn, Việt Yên, Bắc Giang xảy ra vụ một thày giáo tiểu học sờ mông, sờ đùi 14 nữ sinh lớp 5 gây bức xúc dư luận. Tuy nhiên, kết luận của cơ quan điều tra sau đó khẳng định, hành vi của thày giáo này không đủ căn cứ chứng minh có hành vi dâm ô (đối với người dưới 16 tuổi). Gần như ngay lập tức, dư luận đã phản ứng và yêu cầu phải xử lý hình sự thì mới đảm bảo công bằng.

Điều 146, Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định về tội dâm ô người dưới 16 tuổi là khi “có hành vi dâm ô… không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác”… nhưng lại không quy định cụ thể thế nào là hành vi dâm ô.

Vì vậy, muốn xử lý hình sự trong trường hợp kể trên chỉ có cách sửa luật hoặc có những văn bản hướng dẫn cụ thể. Ví dụ, bây giờ chỉ cần chứng minh người trên 18 tuổi mà có hành vi không nhằm mục đích giao cấu nhưng nhằm mục đích thỏa mãn sinh lý, dục vọng thì có thể xử lý. Liệt kê các hành vi dâm ô sẽ giúp cơ quan tố tụng dễ áp dụng xử lý, tuy nhiên lại dễ bỏ lọt hành vi nếu liệt kê thiếu, hoặc phát sinh hành vi mới. Bởi thế, nếu liệt kê thì có thể thêm nội dung “và các hành vi khác nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh lý, dục vọng”. Nếu có những quy định cụ thể này, thày giáo có thể bị xem xét xử lý hình sự.

Chỉ có như thế, các vụ việc tương tự mới có thể được hạn chế, ngăn chặn cái xấu từ trong trứng nước chứ không để xảy ra hậu quả rồi mới tìm cách giải quyết. Như trường hợp ở Mỹ, một diễn viên hài khá nổi tiếng người Việt chỉ cần nhắn tin gạ gẫm trẻ em đã phải vào tù, thì hành vi đụng chạm cơ thể được coi là tội phạm rất nghiêm trọng.

Luật hóa để xử lý dễ dàng

Tương tự tội dâm ô, hành vi quấy rối tình dục thậm chí còn chưa được pháp luật hình sự thừa nhận. Tại Bộ luật Lao động chỉ liệt kê quấy rối tình dục là hành vi bị nghiêm cấm. Đến năm 2015, Bộ LĐ, TB&XH, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam có ban hành Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, liệt kê các hình thức quấy rối tình dục gồm những nội dung chủ yếu như sau: Quấy rối tình dục bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, hay cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm; Quấy rối tình dục bằng lời nói, bằng hành vi phi lời nói (biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của các ngón tay…, phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan tới tình dục.

Luật pháp Mỹ quy định rất rõ các tội liên quan đến quấy rối tình dục như: Hành vi động chạm đến thân thể người khác mà không được cho phép nhằm thỏa mãn nhục dục hay có lời nói, cử chỉ mang tính nhục dục xâm phạm đến thân thể, nhân phẩm của người khác có thể bị phạt tù đến 2 năm và phạt tiền đến 10.000 USD.
Tại Singapore, đối với những người có ý đồ cưỡng hiếp, có các hành vi thể hiện ý đồ cưỡng hiếp sẽ bị phạt tù từ 8 - 20 năm tù. Các hành vi quan hệ tình dục, có ý đồ quan hệ tình dục, có các dấu hiệu thể hiện việc quan hệ tình dục (có sự đồng ý) với người dưới 18 tuổi sẽ bị phạt tù từ 7 năm. Đối với các hành vi xâm hại tình dục mà không giao cấu, bị phạt tù 5 năm khi nạn nhân trên 18 tuổi, phạt tù đến 10 năm khi nạn nhân dưới 16 tuổi. Nếu nạn nhân dưới 14 tuổi, kẻ phạm tội sẽ bị phạt 20 năm tù.

Tuy nhiên, ở ta lại chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về hành vi quấy rối tình dục. Điều này khiến nổ ra tranh cãi mỗi khi xảy ra sự việc nào đó.

Điển hình là vụ thày giáo nhắn tin “gạ tình” nữ sinh xảy ra ở Thái Bình. Kết luận tin nhắn giữa thấy giáo và học sinh có phải là hành vi quấy rối tình dục không thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng, tôi xin phép không kết luận thay. Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân tôi, trường hợp này không phải quấy rối tình dục, dù nó gây ra bức xúc xã hội rất lớn.

Cũng do pháp luật chưa quy định nên cho đến nay vẫn chưa có bất kì con số thống kê nào về số các vụ quấy rối tình dục, trong khi các hành vi quấy rối tình dục xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội. Quấy rối tình dục xảy ra ở mọi nơi, từ công sở, nhà trường, các nơi công cộng như bến xe, công viên, rạp chiếu phim, ngoài đường, trong thang máy. Đối tượng của những kẻ quấy rối tình dục thường là phụ nữ và trẻ em, tuy nhiên cũng không loại trừ nam giới.

Quấy rối tình dục là hành vi nguy hiểm cho xã hội không chỉ đáng lên án về mặt đạo đức mà cần phải bị trừng trị về pháp luật mới thỏa đáng. Hơn thế nữa, hành vi quấy rối tình dục là tiền đề để người phạm tội nảy sinh và thực hiện các hành vi xâm hại tình dục cao hơn, do đó cần phải được sớm ngăn chặn.

Tôi ủng hộ việc luật hóa quy định thế nào là hành vi quấy rối tình dục, bởi quấy rối tình dục thực sự là ác mộng đối với người bị quấy rồi. Việc luật hóa cũng giúp cho các cơ quan thực thi pháp luật áp dụng thống nhất pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.