Thị trường

Đàm phán giá tạm cho nhà đầu tư điện gió, mặt trời chuyển tiếp: Vẫn tắc

25/05/2023, 15:26

Theo các nhà đầu tư điện gió, mặt trời chuyển tiếp, việc hoàn thiện hồ sơ, đi đến ký kết để phát điện theo giá tạm vẫn còn nhiều vướng mắc.

Nhà đầu tư loay hoay

Để tránh lãng phí nguồn lực khi thời gian đàm phán giá phát điện chính thức cho các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp kéo dài, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra mức giá tạm thời để doanh nghiệp nối lưới là tối đa 50% giá trần khung giá phát điện tại Quyết định số 21 (tương đương, mỗi kWh điện mặt trời mặt đất là 592,45 đồng; điện mặt trời nổi là 754,13 đồng; điện gió trong đất liền là 793,56 đồng; điện gió trên biển là 907,97 đồng).

Theo đánh giá của các chủ đầu tư, việc đưa ra giá tạm là đột phá của EVN. “EVN mua được điện giá rẻ, vừa bù đắp thêm nguồn lúc thiếu điện, lại bù được phần nào khoản lỗ cho ngành điện. Còn phía đầu tư, cũng được giải toả lo lắng sau nhiều năm chờ đợi. Mọi người thấy rất hồ hởi”, chủ đầu tư dự án điện gió Lạc Hòa và dự án điện gió Hòa Đông (Sóc Trăng) bày tỏ.

Tính đến ngày 25/5, có 28 dự án đã đề nghị thoả thuận giá tạm. Trong đó, có 19 dự án, hoặc một phần dự án được Bộ Công thương phê duyệt và ký hợp đồng mua bán điện (PPA). Các dự án còn lại đang trong quá trình thoả thuận.

Dù vậy, theo các nhà đầu tư, việc hoàn thiện hồ sơ, đi đến ký kết để phát điện theo giá tạm vẫn còn nhiều vướng mắc dù được rút gọn rất nhiều so với đàm phán giá chính thức.

img

Hiện còn 48 dự án chưa gửi hồ sơ đàm phán giá điện

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Trần Minh Tiến, đại diện chủ đầu tư của 4 dự án điện gió ở Quảng Trị và Gia Lai bày tỏ, việc đồng ý giá tạm chỉ là giải pháp tình thế.

“Chúng tôi đang rất cần tiền. Đầu tư vào các dự án ngót nghét 300 triệu USD, mà đến giờ chưa có doanh thu, mỗi tháng lãi suất rất lớn. Do vậy, tâm lý của nhà đầu tư luôn mong muốn làm sao nhanh nhất có thể vận hành được dự án”, ông Tiến giãi bày.

Theo quy định, việc đám phán này thực hiện theo Thông tư 15, gồm 6 yêu cầu cụ thể, như là: Quyết định chủ trương đầu tư (chứng nhận chủ trương đầu tư); giấy phép xây dựng còn hiệu lực, quyết định giao đất, hoặc cho thuê đất của tỉnh, thành phố; Các tài liệu chứng minh tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư…

Ông Tiến cho biết, hiện nay, dự án vướng nhất 2 vấn đề. Thứ nhất, về chủ trương đầu tư. Theo ông, ở tỉnh Quảng Trị đã cho gia hạn ngay quyết định này, nhưng tỉnh Gia Lai, lại đòi hỏi phải chứng minh tài chính, năng lực đầu tư, dù đã đầu tư xong 100%.

Vướng thứ 2 là quy hoạch hết hạn (dự án được phê duyệt ở Quy hoạch điện VII điều chỉnh) sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt. Các địa phương còn ngần ngại tự động gia hạn theo hướng dẫn của Quy hoạch điện VIII. “Việc không tự động gia hạn sẽ khiến cho các thủ tục khác của nhà đầu tư đều bị treo”, ông Tiến nói.

Đó cũng là khó khăn của dự án điện gió Hiệp Thạch (Trà Vinh) - dự án đã vận hành thương mại (COD) một phần và một phần chưa COD.

Theo vị đại diện, các nhà máy COD giai đoạn 2021 đều làm quyết định chủ trương đầu tư đến khi hoàn thành dự án đưa vào COD - tức là hết hạn vào thời điểm COD được một phần.

Trong khi, hiện nay việc cấp quyết định chủ trương đầu tư mới chưa được tỉnh giải quyết, do “soi” lại Quy Hoạch điện VIII chưa hướng dẫn rõ ràng.

Ngoài ra, nhà đầu tư này còn lăn tăn việc “có phải làm lại thử nghiệm COD hay không?”. Bởi lẽ, trước đây họ đã làm để phục vụ nghiệm thu với đối tác, trong khi theo quy định của EVN họ vẫn phải làm lại.

Không chỉ thế, đơn vị này còn gặp khó khăn trong việc làm lại thoả thuận đấu nối (phục vụ phát điện lên lưới).

Theo ghi nhận của PV, vướng mắc của 2 nhà đầu tư trên, cũng là vướng mắc chung của hầu hết của các nhà đầu tư điện gió, mặt trời chuyển tiếp hiện nay.

Gỡ rối cách nào?

Trước vấn đề trên, Phó tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải chia sẻ, để tạo điều kiện cho việc thoả thuận giá tạm, các nhà đầu tư khi nộp hồ sơ chỉ cần có giấy phép hoạt động điện lực, biên bản nghiệm thu của Bộ Công thương. Còn các điều kiện khác, sẽ hoàn thiện khi COD.

Còn về thử nghiệm, theo ông Sơn Hải, các nhà máy chưa làm thử nghiệm bắt buộc làm thử nghiệm. Trường hợp, trước đây, dự án làm thử nghiệm nhưng không phải cho COD mà phục vụ nghiệm thu với đối tác, thì sẽ cần thời gian xác nhận lại.

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT nêu ra 3 vấn đề cần nắm rõ để thực hiện. Đó là, bám sát khả năng đấu nối, khả năng giải tỏa, đấu nối sẽ do EVN giải quyết. Còn vướng mắc về thỏa thuận đấu nối, phải làm việc với điều độ miền, nếu hết hiệu lực thì phải làm việc để thỏa thuận lại.

Còn với việc xin lại quyết định đầu tư bị vướng do quy hoạch, ông Hùng cho rằng, trong quy hoạch có nói “điện gió, thủy điện, điện sinh khối nếu có trong quy hoạch thì tiếp tục triển khai, nếu điện mặt trời có trong quy hoạch tiếp tục chủ trương đâu tư thì tiếp tục xem xét”.

Do đó, lãnh đạo Cục Điện lực và NLTT nhấn mạnh: “Nếu các tỉnh có lăn tăn điều chỉnh chủ trương đầu tư, vướng mắc giai đoạn hoàn thiện, thì chủ đầu tư có thể giải thích, phối hợp với tỉnh để giải quyết theo trang 7 của Quyết định phê duyệt Quy hoạch điện VIII”.

Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN chia sẻ: EVN rất muốn các chủ đầu tư dự án điện tái tạo hợp tác với tập đoàn, đơn vị mua điện để sớm đưa các nhà máy thuộc đối tượng chuyển tiếp vào vận hành, phát lên lưới điện.

Lãnh đạo EVN cũng cho biết, EPTC đã thành lập nhiều tổ đàm phán, sẵn sàng trao đổi và hướng dẫn giải quyết các vấn đề vướng mắc cho tất cả các nhà đầu tư.

Tập đoàn này cũng đề nghị chủ đầu tư phối hợp với EPTC và đơn vị vận hành hệ thống điện để thực hiện ngay công tác thí nghiệm và thử nghiệm của nhà máy điện; khẩn trương tổ chức nghiệm thu và mời các đơn vị liên quan vào nghiệm thu; khẩn trương hoàn thành các thủ tục và gửi hồ sơ COD theo quy định của PPA đã ký kết.

28 dự án, hoặc một phần dự án với công suất tổng cộng 1.347MW chấp nhận giá tạm gồm: Các nhà máy điện gió Nam Bình 1, VPL Bến Tre, Yang Trung, Chơ Long, Hưng Hải Gia Lai, Lạc Hòa 2, Hòa Đông 2, Viên An, Hanbaram, Hướng Hiệp 1, Tân Phú Đông, Hiệp Thạch, Ia Le 1, Hướng Linh 7; các nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3, Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3 và nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận (450MW), Số 5 - Thạch hải 3, Cầu Đất, Nhơn Hội giao đoạn 2, Số 5 - Thạch Hải 4, Ia Pech 2, Song An, Tân Ân 1- giai đoạn 2021-2025, Ia Pech.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.