Góc nhìn

Đàm phán hòa bình cho mâu thuẫn truyền kiếp ở Yemen

16/06/2015, 14:15

Yemen đang chìm trong cuộc xung đột giữa phiến quân Houthi và chính phủ được cộng đồng quốc tế công nhận...

1 N_i chi_n _ Yemen khi_n hang tri_u ng²_i m_t nha
Nội chiến ở Yemen khiến hàng triệu người mất nhà cửa.

Yemen đang chìm trong cuộc xung đột giữa phiến quân Houthi và chính phủ được cộng đồng quốc tế công nhận của Tổng thống lưu vong Abedrabbo Mansour Hadi.

Không đưa ra điều kiện tiên quyết

Phái đoàn tham gia đàm phán của quân nổi dậy có 5 thành viên của người Houthi và đảng Nhân dân Quốc đại (GPC) của cựu Tổng thống Abdullah Saleh. Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh quân nổi dậy Yemen chiếm thêm một tỉnh gần biên giới Arab Saudi, theo Press TV.

Ông Ismail Ould Cheikh Ahmed - Đặc phát viên Liên hợp quốc về hòa bình cho Yemen cho biết, các cuộc tham vấn sơ bộ đầu tiên có sự tham gia của tất cả các bên tham chiến ở Yemen. Ông này cũng kêu gọi các bên thể hiện thiện chí, không đưa ra điều kiện tiên quyết nào và tạo bầu không khí tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau.

Khủng hoảng tại Yemen hiện có thể coi là một cuộc nội chiến mở rộng và nguy cơ bất ổn sẽ kéo dài nếu những nỗ lực hòa đàm không mang lại kết quả. Mọi kế hoạch đàm phán hòa bình từ trước tới nay đều thất bại dù trung gian hòa giải là Liên đoàn Arab (AL) hay Liên hợp quốc (LHQ).

Trước đó, kế hoạch đàm phán hồi tháng 5 cũng bị trì hoãn do sự phản đối của chính phủ Yemen lưu vong, vốn đòi hỏi lực lượng Houthi phải rời bỏ các thành phố lớn và công nhận quyền lãnh đạo của Tổng thống Abed RabboMansour Hadi, trong khi Houthi yêu cầu lệnh ngừng bắn là điều kiện tiên quyết cho đàm phán.

Mâu thuẫn truyền kiếp

Houthi là một trong những lực lượng dân quân mạnh nhất Yemen, theo dòng Hồi giáo Shiite. Xung đột giữa lực lượng Houthi ở phía Bắc Yemen và chính phủ trung ương bắt đầu từ 2009. Năm 2011, Tổng thống Saleh bị lật đổ và ông Mansour Hadi lên nắm quyền Tổng thống và được quốc tế công nhận. Tháng 1/2015, lực lượng Houthi đã buộc Tổng thống Hadi từ chức. Tháng 2/2015, chiến sự leo thang đã khiến ông Hadi phải chạy xuống TP. Aden (miền Nam Yemen) và sau đó bay sang Arabia Saudi cầu cứu. Ngày 25/3, liên quân 10 nước vùng Vịnh và Arab tiến hành các cuộc không kích nhằm ngăn bước quân Houthi tiến về phía Nam.

Sự phức tạp của cuộc khủng hoảng Yemen bắt nguồn từ mâu thuẫn giáo phái. Ở Yemen cũng như ở khu vực Trung Đông liên tục diễn ra mâu thuẫn giữa hai hệ phái Shiite và Sunni của đạo Hồi, vì có cách hiểu khác nhau về người kế thừa đấng tiên tri Mohammad.

Phần lớn người Yemen theo Hồi giáo nhưng chia rẽ giữa hai phái Sunni và Shiite Zaidi. Phái Sunni chiếm 50-55% chủ yếu ở miền Nam; phái Shiite Zaidi chiếm khoảng 40%, chủ yếu ở miền Bắc. Tình hình càng trở nên phức tạp khi từ năm 2009, Yemen trở thành căn cứ của Al-Qaeda. Tư tưởng của Al-Qaeda dựa trên tư tưởng của phái Sunni nên cũng xung đột với Houthi (vốn theo phái Shiite). Vì thế, Houthi cũng là nhóm chiến đấu chống lại Al-Qaeda. Và Yemen trở thành chiến trường cho chủ nghĩa cực đoan giữa quân chính phủ - lực lượng Houthi - chi nhánh Al-Qaeda.

Hiện các cuộc xung đột ở Yemen khiến hơn 2 nghìn người thiệt mạng, gần 8 nghìn người bị thương; hơn 25 triệu người sống không nhà cửa, thiếu lương thực; một nửa dân số Yemen sống nhờ viện trợ nước ngoài.

Cũng trong ngày 15/6, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tham vấn riêng rẽ với các đoàn Yemen, gặp Tổng thư ký của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), “Nhóm 16 Đại sứ” và Liên minh châu Âu (EU). Ông Ban Ki-moon hy vọng các cuộc thảo luận có thể tạo ra một động lực mới để xây dựng lòng tin giữa các bên Yemen và mang lại lợi ích cụ thể cho người dân, đặc biệt là giảm bạo lực, tạo điều kiện tiếp cận viện trợ nhân đạo và các dịch vụ cơ bản.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.