Thế giới

Đàm phán Mỹ - Triều tại Thụy Điển lại kết thúc trong hụt hẫng và ngờ vực

07/10/2019, 07:40

Mỹ và Triều Tiên đã đàm phán tại Thụy Điển nhưng vẫn bế tắc.

img
Ông Kim Myong Gil - cựu Đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam, hiện là Trưởng đoàn đàm phán về hạt nhân (giữa) thông báo về cuộc họp trước báo giới tại Thụy Điển

Cuối tuần qua, giới chức Mỹ và Triều Tiên đã tới Thụy Điển nối lại đàm phán hạt nhân với nhiều hy vọng có thể phá vỡ bế tắc giữa hai quốc gia nhưng cuối cùng lại kết thúc mà không có tiến triển nào.

Ông Trump thờ ơ sự kiện Triều Tiên thử tên lửa

Sự kiện ngoại giao lần này diễn ra tại hòn đảo Lidingo, Đông Bắc Stockholm, Thụy Điển với sự tham gia của đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun và đại diện từ Bình Nhưỡng là ông Kim Myong Gil, cựu Đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam, hiện là Trưởng đoàn đàm phán về hạt nhân của nước này.

Đáng chú ý, cuộc hội đàm mới tại Thụy Điển được nối lại chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên thử tên lửa mới cho hải quân, mạnh hơn các cuộc thử nghiệm trước đó. Tên lửa được phóng từ một nền tảng ở dưới biển, có thể từ một tàu ngầm, đồng nghĩa Triều Tiên đã sở hữu khả năng phóng tên lửa từ bên ngoài lãnh thổ.

Dù mức độ phức tạp của vụ phóng cao hơn nhưng Mỹ vẫn không có phản ứng gay gắt mà thay vào đó lại xúc tiến tổ chức hội đàm vì theo nhiều nguồn tin, đặc biệt theo nguồn độc quyền của Tạp chí Time, Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ không mấy quan tâm đến việc Triều Tiên vừa mới thử tên lửa.

Tờ Time dẫn lời hai trợ lý của Tổng thống Trump có trách nhiệm thông tin chi tiết về những động thái phát triển tên lửa mới của Triều Tiên cho biết, ông chủ Nhà Trắng quyết định vẫn tiếp tục các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng kể cả đã có bằng chứng cho thấy Triều Tiên đã phát triển khả năng quân sự mới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc ông Trump vẫn rốt ráo đàm phán giữa hoàn cảnh đó là bởi ông chủ Nhà Trắng muốn sớm đạt được thành tựu, xóa nhòa những áp lực lớn trong nước mà ông đang phải đối mặt trong đó có khả năng bị phế truất và mất ủng hộ trong nhiều cuộc khảo sát ý kiến.

Triều Tiên “già néo sẽ đứt dây”

Tuy nhiên, cuộc đàm phán cấp làm việc lần này lại kết thúc mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào, thậm chí quan chức hai bên còn chia rẽ khi nói về nội dung sự kiện. Trong khi giới chức Mỹ cho biết, Bình Nhưỡng và Washington đã có một cuộc bàn luận tốt, nhà ngoại giao hàng đầu Triều Tiên lại đổ lỗi cho Mỹ khiến sự kiện này kết thúc mà không có kết quả.

“Đó hoàn toàn là vì Mỹ không từ bỏ quan điểm và thái độ cũ của họ”, ông Kim Myong Gil nói. Trao đổi với báo giới từ Stockholm, ông Kim còn cho biết: “Sự kiện lần này không đáp ứng mong đợi của chúng tôi và cuối cùng hy vọng đã tan vỡ”.

Bộ Ngoại giao Mỹ không đồng tình với cách mô tả của ông Kim mà cho rằng, “bình luận của ông không phản ánh được nội dung và tinh thần của cuộc họp kéo dài 8,5 giờ đồng hồ vừa qua”.

“Trong suốt thời gian bàn luận, phái đoàn Mỹ đã đánh giá lại các hoạt động giữa Mỹ và Triều Tiên kể từ Hội nghị Thượng đỉnh tại Singapore và bàn về tầm quan trọng của việc tăng cường tham gia nhằm giải quyết những vấn đề đáng ngại giữa hai bên”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết. “Mỹ đã đưa ra những ý tưởng sáng tạo và có cuộc bàn luận tốt với những người đồng cấp từ Triều Tiên”, bà Morgan Ortagus nói.

Dù quan chức ngoại giao Bình Nhưỡng bình luận không mấy tích cực về cuộc họp nhưng theo các giới chức Mỹ, họ đã chấp nhận lời mời quay trở lại Stockholm của Thụy Điển trong 2 tuần tới để tiếp tục bàn bạc.

Theo các chuyên gia, việc Bình Nhưỡng tỏ ra khá cứng rắn có thể là do họ nắm rõ những lùm xùm giữa ông Trump và nội chính Mỹ hiện tại và cho rằng, đây là thời điểm Triều Tiên có trong tay cơ hội tốt để ra giá và đạt được thỏa thuận có lợi với ông Trump hơn với bất cứ vị Tổng thống nào khác của Mỹ.

“Cả hai bên đều biết, đồng hồ đã điểm khi ông Trump đang chạy đua cho kỳ bầu cử Tổng thống tiếp theo, đồng thời ông cũng đang gặp rất nhiều rắc rối về chính trị trong nước”, nhà phân tích Minyoung Lee đến từ Tờ NK News nhận định.

Song, các chuyên gia cũng như ông Andray Abrahamian, Giáo sư tại Diễn đàn Thái Bình Dương cảnh báo, Bình Nhưỡng cần hết sức thận trọng, tránh đánh giá sai mức độ cần thỏa thuận hạt nhân của chính quyền Tổng thống Trump. Nếu họ cho rằng Washington quá cần thỏa thuận và cố tình làm căng để đạt được nhiều nhượng bộ hơn, nguy cơ cao, Mỹ sẽ ra về mà không có thỏa thuận nào hết. “Cánh cửa cơ hội có thể đóng lại vĩnh viễn”, ông Andray Abrahamian giải thích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.