Chính trị

Đàm phán về hạt nhân “không thể vội”

01/03/2019, 07:00

Nhiều phóng viên quốc tế có cảm giác tiếc nuối nhưng cũng không quá bất ngờ về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai...

img
Phóng viên Báo Giao thông trò chuyện với nhà báo Israel Michal Reshef

Có cảm giác tiếc nuối nhưng cũng không quá bất ngờ về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai là chia sẻ của các chuyên gia trả lời phỏng vấn Báo Giao thông.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Vinh Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương cho rằng qua theo dõi các phiên đàm phán, ông nhận thấy cách nhìn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mềm dẻo hơn, hai bên đã xích lại gần nhau hơn.

Theo ông Quang, đàm phán về vấn đề hạt nhân không thể vội nhưng cũng cần có cơ chế để chống “đóng băng”.

Chuyên gia này đưa ra dự đoán ông Trump chắc hẳn không thể đến mà về tay không, nên khả năng quay trở lại đàm phán với Triều Tiên để có thể đi đến một cái gì đó là việc không loại trừ.

Quay trở lại cuộc đàm phán, ông Quang nhấn mạnh, đàm phán giải quyết vấn đề hạt nhân không đơn giản chút nào, đây là cuộc đàm phán gay go nhất và kéo dài nhất. Vì thế, phải giải quyết, tháo gỡ từng bước, từng nút thắt chứ không thể ngay một lúc giải quyết tất cả vấn đề.

Tổng thống Donald Trump đã nỗ lực để đạt được mục đích đàm phán với Triều Tiên bằng một cách hoàn toàn mới đó là không đàm phán từ dưới lên mà là ngoại giao cấp cao với Chủ tịch Triều Tiên. Kết quả là hai bên đã đạt được việc Triều Tiên ngừng thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân, đồng thời hạ nhiệt căng thẳng. Tuy nhiên những khác biệt chi tiết phi hạt nhân hóa và cách làm cụ thể để đạt được điều này vẫn còn cần thời gian để giải quyết.

Quan điểm của Tổng thống Trump muốn Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân trong khi Chủ tịch Kim muốn phía Mỹ bỏ lá chắn tên lửa đang bảo vệ Hàn Quốc. Phía Mỹ đưa ra một danh sách các cơ sở hạt nhân muốn Triều Tiên đóng cửa, Chủ tịch Kim muốn Mỹ dỡ bỏ cấm vận khi Triều Tiên có hành động đáp ứng trong khi Mỹ khẳng định cấm vận sẽ được giữ nguyên.

Ông Trump cũng thông báo việc Chủ tịch Triều Tiên khẳng định không thử tên lửa và vũ khí hạt nhân trong thời gian tới. Đó thực sự là một tiến bộ rất đáng kể từ những cuộc thảo luận tại Hà Nội.

Giáo sư Carlyle Alan Thayer
Đại học New South Wales, Australia


Trong khi đó, bình luận về kết quả của Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, bà Glenda Korporaal của báo Người Australia (The Australian) cho rằng việc hai bên cùng đến Hà Nội để thương thảo, hội đàm cũng là một thành công chỉ đáng tiếc là không có được thỏa thuận nào.

Khi được hỏi về khả năng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có thể gặp nhau một lần nữa trong tương lai gần hay không, bà Glenda Korporaal cho rằng khả năng này không dễ xảy ra bởi cả hai nhà lãnh đạo này đều không có tuyên bố nào đả động đến một kế hoạch như vậy.

Nói về vai trò của nước chủ nhà, nhà báo Australia đánh giá Việt Nam đã chuẩn bị rất tốt những điều cần thiết từ địa điểm, an ninh, đến trung tâm phục vụ các nhà báo quốc tế tại Hội nghị thượng đỉnh. Theo bà Glenda Korporaal, nếu kết quả thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa qua đạt những bước tiến, kết quả đột phá thì hiệu ứng về Việt Nam sẽ còn tốt hơn nữa.

Ngoài ra, bà Glenda Korporaal tin rằng, dư luận quốc tế sẽ có những đánh giá tốt đẹp về Việt Nam vì nỗ lực tổ chức sự kiện, sự hiếu khách, thân thiện của người dân và văn hóa ẩm thực rất tuyệt vời và phong phú.

Nhà báo Stefan Borg từ kênh TV4 News Sweden của Thụy Điển và nhà báo Michal Reshef từ Tập đoàn phát thanh và truyền thông công chúng Israeli của Israel cùng chung nhận định kết quả của cuộc hội đàm thượng đỉnh cuối cùng trong ngày 28/2 sẽ dẫn đến thực tế là tiến trình đàm phán phi hạt nhân, hướng tới hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên sẽ còn kéo dài. Chính vì vậy, khả năng về một cuộc gặp gỡ thứ ba giữa ông Kim Jong Un và ông Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ nhất, thậm chí là nhiệm kỳ thứ hai của ông chủ Nhà Trắng là không chắc chắn.

Nữ nhà báo Israel Michal Reshef nhấn mạnh, để gặp gỡ thượng đỉnh với nhau một lần nữa, chính quyền Triều Tiên và chính quyền Mỹ sẽ phải cởi mở và nỗ lực rất nhiều và rất lâu.

Khi được hỏi điều gì đọng lại nhiều nhất trong suy nghĩ của mình khi rời Việt Nam, nữ nhà báo Israel Michal Reshef vui vẻ cho rằng đó là sự an toàn, hiếu khách và sự tốt bụng của những người mình đã gặp.

Phản ứng các nước về Hội nghị Thượng đỉnh

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc: Hai nước Mỹ, Triều Tiên đã đạt được nhiều bước tiến có ý nghĩa hơn lúc nào hết, dù không có thỏa thuận. Nhà Xanh cho rằng, việc Tổng thống Trump tiết lộ ý định dỡ bỏ hoặc giảm bớt các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên theo tiến trình phi hạt nhân hóa cho thấy các cuộc thảo luận giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ đã được nâng lên một tầm cao mới.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc: Hy vọng đối thoại và liên lạc giữa Mỹ và Triều Tiên có thể tiếp tục để giải quyết vấn đề, theo quan điểm tôn trọng nghiêm túc mối quan tâm chính đáng của nhau và tiếp tục thể hiện sự chân thành lẫn nhau.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga: Chính phủ Nhật Bản tiếp tục phối hợp với Mỹ trong việc tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Nhật luôn ủng hộ 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên trong việc tiếp tục thảo luận mang tính xây dựng để thúc đẩy các hành động cụ thể sau hội nghị ở Hà Nội.

Chuyên gia kinh tế đối ngoại - GS. Augustine Hà Tôn Vinh:
Từ hội nghị Hà Nội, Mỹ - Triều có thể sớm đạt được thỏa thuận

img
Ông Hà Tôn Vinh

Theo nhận định của tôi, tất cả các cam kết Mỹ và Triều Tiên muốn đi tới là rõ ràng, bao gồm chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), dỡ bỏ cấm vận Triều Tiên, phi hạt nhân hóa. Các mục tiêu này là rõ rệt và cả hai bên cùng muốn thực hiện. Tuy nhiên, khi đi vào đàm phán chi tiết, kết quả phụ thuộc vào việc đòi hỏi hai bên có phù hợp nhau hay không.

Có thể quan điểm của hai bên không hợp hôm nay, có thể phải thêm một lần thượng đỉnh hay hai lần nữa, nhưng theo tôi, trước sau gì thì thỏa thuận hướng tới việc đáp ứng các mục tiêu Mỹ và Triều Tiên mong muốn sẽ xảy tới. Có thể là trong năm 2020, hoặc sớm hơn vào cuối năm 2019.

Tại vì sao? Bởi vì năm 2020 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo. Và nếu ông Donald Trump là “một người làm ăn và tính toán”, thì nhà lãnh đạo này có thể sẽ tìm cách để đạt được thỏa thuận tích cực với Triều Tiên vào thời điểm đầu năm hoặc giữa năm 2020, khi mà mối quan hệ cũng như các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên “đủ chín”.

Khi đó, việc ký thỏa thuận với Triều Tiên sẽ giúp ích cho uy tín của ông Trump trong chính trường Mỹ và cơ hội thắng cử Tổng thống Mỹ năm 2020 của ông Trump và cho đảng Cộng hòa sẽ tốt hơn.

Thùy Dương

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.