Thị trường

Dân bức xúc tố Nhà máy Xi măng Phú Thọ gây ô nhiễm

01/11/2016, 07:49
image

Nhà máy Xi măng Phú Thọ có công suất 20 vạn tấn/năm nhưng lại nằm ngay sát khu dân cư...

16

Người dân khu 12, thị trấn Thanh Ba phản ánh việc Nhà máy Xi măng Phú Thọ gây ô nhiễm

Nhà máy Xi măng Phú Thọ (khu 12, thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) có công suất 20 vạn tấn/ năm nhưng lại nằm ngay sát khu dân cư khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề vì ô nhiễm.

Đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang

Như dồn nén từ lâu, khi thấy PV tới, bà Đỗ Thị Lương (khu 12, thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) liền tập hợp cả khu dân cư để cùng “tố” Nhà máy Xi măng Phú Thọ đã khiến đời sống người dân “sống dở, chết dở” suốt 5 năm qua.

PGS.TS. Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) cho biết: Bụi xi măng phần lớn là bụi nhỏ, dễ phát tán đi xa, bay lơ lửng trong không khí. Ngoài ra, loại bụi này còn có tác động như một chất kiềm, gây ra những bệnh hô hấp cho người khi hít phải.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Văn Khang, Phó tổng giám đốc Công ty CP Xi măng Phú Thọ cho biết, hiện công tác kiểm đếm số hộ nằm trong phương án di dời ra khỏi khu vực xung quanh nhà máy để tránh ô nhiễm đã hoàn thành, theo thống kê có 25 hộ sẽ được di dời. “Hiện, công ty đang thống nhất phương án bồi thường cho các hộ dân, sau đó sẽ gửi lên UBND tỉnh Phú Thọ và thông báo rộng rãi đến các hộ dân khu 12 thị trấn Thanh Ba để lấy ý kiến người dân. Nếu các hộ dân đồng ý phương án bồi thường, công ty sẽ trả tiền ngay và dự kiến trong tháng 11 sẽ giải phóng hết các hộ dân ra khỏi khu vực xung quanh nhà máy”, ông Khang nói.

Theo bà Lương (nhà cách nhà máy khoảng 15m), từ khi công trình lò quay của Nhà máy Xi măng Phú Thọ đi vào hoạt động (năm 2011), tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng nặng nề. “Trừ những lúc máy móc trục trặc, còn ngày nào cũng ầm ầm như máy xay trên đầu. Tiếng ồn, khói bụi,… nhất là mùi hôi của bụi xi măng rất khó thở. Quần áo không thể phơi bên ngoài cũng vì bụi, vườn chuối của nhà phủ kín một màu trắng, suốt 5 năm nay không thể ra quả”, bà Lương bức xúc cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Kỳ (SN 1966, nhà ngay sát tường Nhà máy Xi măng Phú Thọ) vừa ho vừa bức xúc cho hay: Nhà máy liên tục xả bụi bất kể ngày, đêm khiến ngôi nhà của tôi lúc nào cũng bị phủ trắng xóa. Đêm phải đeo khẩu trang đi ngủ, ngày đóng cửa kín mà bụi vẫn bay đầy nhà.

Dẫn PV ra vườn rau trước nhà, chị Phạm Thị Doan cho hay, rau nhà trồng mà không thể ăn vì bụi xi măng gặp nước liền đông cứng thành từng mảng, có rửa thế nào cũng không sạch. “Nước máy bơm, giếng khoan của gia đình tôi cũng bị ô nhiễm, dù đã nấu sôi vẫn có mùi hôi, tanh. Gần năm nay, gia đình tôi phải mua nước sạch ở bên ngoài về uống. Nước để giặt đồ thì không còn cách nào đành phải sử dụng nước của nhà, quần áo mặc vào người ngứa ngáy, rất khó chịu”, chị Doan kể.

Trước tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, hộ ông Nguyễn Văn Hương đã mang mẫu tới Công ty Nước sạch TP Việt Trì (Phú Thọ) để kiểm tra. Kết quả cho thấy nước rất bẩn, có nhiều tạp chất. “Nước bẩn như thế sao sử dụng được, gia đình tôi phải đầu tư hơn 10 triệu đồng kéo ống dẫn nước sạch của thị trấn về nhà để sử dụng”, ông Hương nói.

>>>Xem thêm video:

Bao giờ mới được di dời?

Theo những hộ dân khu 12, thị trấn Thanh Ba, ngay từ năm 2005, khi công trình lò quay của Nhà máy Xi măng Phú Thọ bắt đầu được xây dựng, công ty này đã có phương án di dời người dân ra khỏi khu vực xung quanh nhà máy. Thế nhưng “hết lần này đến lần khác kêu người dân pho-to sổ đỏ để làm hồ sơ nhưng hơn 10 năm qua phương án di dời vẫn còn bỏ ngỏ”, bà Lương cho biết.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Khuất Văn Nghĩa, Trưởng phòng TN&MT huyện Thanh Ba cho biết, liên quan đến vấn đề ô nhiễm khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn xung quanh Nhà máy Xi măng Phú Thọ, cuối năm 2015, UBND tỉnh Phú Thọ đã giao cho Sở Công thương chủ trì cuộc họp cùng các sở, ngành bao gồm: Sở Xây dựng, Sở TN&MT, huyện Thanh Ba, thị trấn Thanh Ba để giải quyết đơn thư của công dân. Tại cuộc họp, phương án di dời người dân khu 12 thị trấn Thanh Ba ra khỏi nơi ở hiện tại cũng được nhắc đến, tuy nhiên do Nhà máy Xi măng Phú Thọ chưa đủ kinh phí để sắp xếp quỹ đất cho người dân nên vẫn chưa thể thực hiện được.

Ông Nghĩa cho biết thêm, UBND huyện Thanh Ba cũng như Phòng TN&MT huyện chưa nhận được đơn trình báo chính thống của người dân về vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Hàng quý, Chi cục Môi trường của Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ vẫn có báo cáo quan trắc nhưng không hề có kết luận nguồn nước bị ô nhiễm. Theo ông Nghĩa, việc nước có váng chưa đủ căn cứ để kết luận nguồn nước bị ô nhiễm là do khói bụi, mà có thể do nhiều nguyên nhân khác, nhất là khi hầu hết các giếng khoan tại khu vực này đều ở độ sâu lớn, nơi có nhiều khoáng chất đặc biệt là rỉ sắt.

“Nếu người dân có đơn thư chính thống phản ánh lên UBND huyện, phòng TN&MT huyện thì phía chính quyền huyện sẽ đề nghị Chi cục Môi trường của Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ là cơ quan có trách nhiệm quan trắc về tận nơi lấy mẫu nước để kiểm tra các tạp chất, mức độ ảnh hưởng trên tổng thể mẫu nước. Lúc đó mới có kết quả chính thức để trả lời người dân”, ông Nghĩa nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.