Thế giới giao thông

Dân châu Âu đang bỏ xe diesel dùng xe điện, đã soán ngôi Trung Quốc

29/03/2021, 06:30

Tỉ lệ đăng ký xe diesel mới tại châu Âu năm 2020 đột ngột giảm, tỉ lệ đăng ký xe điện lại tăng cao tới mức đưa khu vực này vượt cả Trung Quốc.

img

Hàng trăm nghìn nhân công trong ngành ô tô châu Âu đứng trước nguy cơ mất việc trong kỷ nguyên xe điện

Chỉ cách đây 1 năm, xe hơi sử dụng động cơ diesel vẫn được coi là biểu tượng của châu Âu. Tuy nhiên, theo ước tính mới nhất, tỉ lệ đăng ký xe diesel mới tại châu Âu trong năm 2020 đột ngột giảm 50% so với 1 thập kỷ trước. Cùng lúc, tỉ lệ đăng ký xe điện lại tăng cao tới mức đưa khu vực này vượt cả Trung Quốc.

Vượt mặt Trung Quốc

Năm 2020, châu Âu có lượng xe điện mới bán ra chiếm 43% thị phần toàn cầu, vượt thị phần của Trung Quốc và Mỹ. Một báo cáo từ công ty cố vấn Cairn Energy Research Advisors, chuyên nghiên cứu và tư vấn trong ngành công nghiệp ô tô điện và pin dự đoán, trong năm 2021, doanh số bán xe điện sẽ tiếp tục tăng. Trong đó, mức độ tăng trưởng cao nhất tiếp tục thuộc về châu Âu.

Từ năm 2021, ít nhất 20 mẫu ô tô của các hãng trong khu vực sẽ không còn phiên bản diesel, với một số cái tên như Polo của Volkswagen, Scenic của Renault, Micra của Nissan và Civic của Honda, theo tổ chức IHS Markit.

Thay vào đó, rất nhiều mẫu xe điện mới lên ngôi tại các showroom ô tô châu Âu. Hiệp hội các nhà sản sản xuất và kinh doanh ô tô, một tổ chức vận động hành lang xe hơi tại Anh dự đoán, sẽ có tổng cộng 29 mẫu xe thuần điện và 7 mẫu lai điện plug-in “chào sân” tại Vương quốc này trong năm 2021.

“Động lực lớn nhất thúc đẩy người dùng châu Âu mua xe điện chủ yếu là nhờ chính sách trợ cấp hào phóng dành cho xe điện của chính phủ các nước EU. Nhiều quốc gia thành viên EU đã quyết tâm sẽ “khai tử” xe diesel trong khoảng 1 thập kỷ tới, góp phần hiện thực hóa cam kết giảm mạnh lượng khí thải carbon dioxide (CO2)”, bà Arndt Ellinghors, nhà phân tích về xe hơi đến từ Bernstein Research nhận định.

Song, thị trường xe điện rất nhạy cảm với các khoản trợ cấp hay những chương trình giảm giá từ doanh nghiệp. “Chỉ cần các khoản trợ cấp bị rút, doanh số xe điện có thể giảm ngay 30 - 40%, ít nhất là trong 1 - 2 quý đầu”, bà Ellinghors nói thêm.

Các nhà máy tại châu Âu thay đổi

Dù đang khó khăn vì dịch bệnh và nhu cầu khách hàng đối với xe điện còn bấp bênh nhưng các nhà sản xuất ô tô đang hoạt động tại châu Âu từ Volkswagen đến Nissan vẫn rốt ráo xúc tiến kế hoạch khai tử xe diesel và tăng cường sản xuất xe điện.

Những mục tiêu chuyển đổi sang động cơ điện tại nhà máy động cơ diesel lớn nhất thế giới tại Tremery, miền Đông nước Pháp là ví dụ cho thấy châu Âu đang chuyển mình để bắt kịp với xu hướng mới từ tận gốc như thế nào.

Năm 2020, năng suất sản xuất động cơ điện tại nhà máy này chiếm chưa đầy 10% nhưng Tremedy xác định, năm 2021, năng suất phải tăng gấp đôi lên 180.000 động cơ.

Tính đến năm 2025, mục tiêu của Tremedy là phải đạt 900.000 động cơ/năm. “2021 sẽ là năm bước ngoặt, đánh dấu bước chuyển đổi thực sự của châu Âu sang thế giới xe động cơ điện”, bà Laetitia Uzan, đại diện công đoàn của nhà máy Tremery cho biết.

Ở một nơi khác tại phía Bắc nước Pháp, nhà máy sản xuất Cleon của thương hiệu Renault cũng dần “lột xác”.

Hiện tại, máy móc sản xuất xe diesel được thu gọn về một nửa của 1 nhà xưởng trong khi động cơ dành cho xe điện và xe lai (hybrid) trải rộng trên 2 nhà xưởng. “Nếu quay lại đây sau vài năm nữa, chúng ta sẽ không thể nhận ra nơi này”, đại diện công đoàn giám sát hoạt động sản xuất tại Renault, bà Lionel Anglais nhận định.

Rủi ro dư thừa hàng trăm nghìn nhân viên

Tuy nhiên, mọi công cuộc đổi mới đều tồn tại những bất cập. Với cuộc chuyển mình lần này của châu Âu, bài toán nan giải nhất là việc làm. Động cơ điện chỉ đòi hỏi 1/5 lượng phụ tùng so với động cơ diesel truyền thống. Như vậy, một lượng lớn nhân công sẽ dư thừa.

Như tại nhà máy Tremery, khoảng 3.000 công nhân đang đứng trước nguy cơ mất việc. Là đại diện công đoàn của Tremery, bà Uzan khẳng định, các lãnh đạo nhà máy hiểu rõ nguy cơ nhưng tự tin rằng đây là quá trình hoàn toàn tự nhiên.

Công ty sản xuất ô tô đa quốc gia Stellantis mới được thành lập ngày 16/1 sau khi 2 nhà sản xuất ô tô Peugeot và Fiat Chrysler, hiện là chủ sở hữu của nhà máy Tremery, cho biết, ban quản lý sẽ không đóng cửa các nhà máy và đang tìm cách để bảo vệ việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu trong ngành cảnh báo, các nhà sản xuất ô tô châu Âu sẽ phải “thắt lưng buộc bụng” để chuyển các khoản đầu tư cần thiết cho lĩnh vực xe điện, bắt kịp với nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu của Mỹ Tesla.

Nhóm vận động hành lang ngành ô tô Pháp PFA ước tính, sẽ có 15.000 việc làm trong tổng 400.000 công việc liên quan tới động cơ diesel tại Pháp, có thể bị cắt giảm.

Viện nghiên cứu lao động Đức (IAB) tính toán, xe điện lên ngôi sẽ đe doạ 100.000 việc làm tại Đức (tương đương 1 trong 8 việc làm trong ngành công nghiệp ô tô Đức).

Theo các nhà phân tích, để thực sự thay đổi trong dài hạn, khu vực vốn là thiên đường của xe diesel phải thay đổi từ gốc rễ, thực sự phát triển hạ tầng phục vụ xe điện, phát triển và áp dụng những công nghệ mới đưa giá thành xe điện vừa túi tiền của người mua thay vì phải đổ nhiều tiền để trợ cấp như hiện nay… Đây chắc chắn là một quá trình chuyển đổi phức tạp với châu Âu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.